(NB&CL) - Hợp đồng tín dụng còn hiệu lực nhưng ngân hàng chỉ cấp giấy phép lưu hành xe thế chấp làm tài sản đảm bảo vay nợ theo kiểu ngẫu hứng. Không những thế, cán bộ ngân hàng còn “tự động” bán tài sản đảm bảo (đất) để… được tạo điều kiện kinh doanh, đáo hạn. Đó là sức “ép” mà bà Trần Thị Xuân Hoa, ngụ tại ấp Tân Thanh, Tân Thành, Tân Biên phải hứng chịu từ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt – VIB.
Cho vay kinh doanh hay “xiết” tài sản?
Do có nhu cầu vốn để làm ăn, kinh doanh, bà Trần Thị Xuân Hoa cùng chồng là ông Lương Văn Lý có giao dịch với VIB qua hợp đồng tín dụng số 117/ HĐTD-VIB641/2011 và 118/HĐTD1-VIB641/2011 vào ngày 28/7/2011 với tổng số tiền vay là 3,5 tỷ đồng. Trong đó, hợp đồng 117 vay 2,6 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh vật liệu xây dựng, trong thời hạn 12 tháng với lãi suất 21,5%/năm, và hợp đồng 118 vay 900 triệu đồng để mua xe tải, trong thời hạn 48 tháng với lãi suất 22%/năm. Đồng thời, gia đình bà Hoa phải thế chấp 6 lô đất, cùng 3 xe tải hiệu Kamaz 13 tấn, TRUONGHAI Auto 6,5 tấn, Vinaxuki 4,5 tấn với thẩm định giá tổng tài sản của VIB là gần 6,4 tỷ đồng.
Trong khi thực hiện hợp đồng tín dụng bà Hoa đã thực hiện đúng thời gian và đủ về kỳ hạn lãi suất. Cụ thể, sau khi giải ngân ngày 28/7/2011 gia đình bà Hoa đã trả lãi suất đến hết tháng 12/2011 nhưng ngân hàng chỉ cung cấp giấy phép cho tài sản đảm bảo là 3 xe tải lưu hành đến tháng 11/2011. Tính đến tháng 3/2013 qua 21 tháng kể cả khi thời hạn thế chấp còn hiệu lực và thời gian đáo hạn thì VIB chỉ cung cấp giấy phép lưu hành cho 3 phương tiện giao thông là 8 tháng 6 ngày. Từ đó, đã làm cho gia đình ông Lý lao đao, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, nợ lại đẻ thêm nợ…
Theo tính toán của ông Lương Văn Lý, chồng bà Hoa: “Cho đến nay, việc giữ giấy phép lưu hành 3 phương tiện ô tô tải hơn 17 tháng trái phép của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt đã gây thiệt hại thu nhập mỗi tháng khoảng 210 triệu đồng, đồng thời dẫn đến việc trì trệ kinh doanh của cơ sở gây tổn thất hàng tháng trên 20 triệu đồng. Mọi việc kinh doanh bế tắc, dẫn đến cơ sở của gia đình mất khả năng chi trả cho ngân hàng và phá sản. Vậy ngân hàng cho gia đình tôi vay để kinh doanh hay là để xiết tài sản?”
Tự động bán tài sản thế chấp?
Theo Nghị định 163/2006/NĐ-Chính phủ (29/12/2006) về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/ NĐ-Chính phủ (22/2/2012) về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 163, đã quy định tương đối đầy đủ những điều khoản nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là trong các tranh chấp dân sự giữa ngân hàng và người vay. Theo đó, với tài sản bảo đảm là bất động sản (đất, tài sản trên đất...) do các tài sản này đòi hỏi phải đăng ký quyền sở hữu và liên quan đến phạm vi điều chỉnh nhiều bộ luật khác nên khách hàng phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho ngân hàng thì họ mới bán được để thu hồi nợ.
Thế mà, không hiểu sao vào ngày 25/4/2013 VIB tự động bán được 1 lô đất, tờ bản đồ số 1636 nằm trong khối tài sản đảm bảo mà vợ chồng bà Hoa thế chấp với giá quá “bèo” so với giá thị trường. Bà Hoa nói trong rưng rưng nước mắt: “Cán bộ của ngân hàng nói với chồng tôi bán để tháo gỡ, đáo hạn… và cấp giấy phép lưu hành xe nhưng đất bán rồi mà giấy phép chẳng thấy đâu, dù gia đình không nhận được một văn bản thông báo, cũng như chưa ký vào bất cứ văn bản nào về xử lý nợ với VIB, tôi cũng đã bao lần tha thiết trình bày và yêu cầu ngân hàng tạo điều kiện cấp giấy phép lưu hành để có phương tiện làm ăn mà thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng rồi?!”.
Ông Ân Thanh Sơn- Phó TGĐ kiêm Giám đốc Ban Pháp chế và quản trị doanh nghiệp – VIB- cho biết: Mọi việc đều do Chủ tịch HĐQT, TGĐ giải quyết và quyết định. Thế nhưng, khi đặt vấn đề với ông Hàn Ngọc Vũ, TGĐ – VIB, ông Vũ đều “lảng” sang việc khác, cuối cuộc trao đổi, ông Vũ nói, để tôi chỉ đạo cho nhân viên trao đổi và giải quyết vụ việc này. Nhưng chúng tôi đợi đã bao ngày qua mà chưa có hồi âm, động tĩnh nào từ phía VIB.
Ông Lương Văn Lý chia sẻ thêm với chúng tôi: “Mặc dù cần vay ngân hàng 3,5 tỷ đồng để làm vốn kinh doanh nhưng gia đình tôi có nhận đủ số tiền được giải ngân đâu. Vợ chồng tôi chỉ nhận được đúng 3,29 tỷ đồng vì phải nộp phí cho ông Thiện là Giám đốc Chi nhánh Tây Ninh của VIB lúc bấy giờ và anh Hưng, môi giới ngân hàng số tiền hơn 210 triệu đồng. Qua những việc ngân hàng đã gây ra cho gia đình, tôi yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại thu nhập của 3 phương tiện ô tô và Cơ sở kinh doanh Vật liệu xây dựng qua hơn 13 tháng với tổng số tiền là 2,97 tỷ đồng, hơn nữa đã đẩy gia đình tôi rơi vào cảnh vỡ nợ ”.
Vụ việc này rất cần sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền cũng như lãnh đạo ngân hàng VIB để làm rõ các khúc mắc, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho khách hàng, đồng thời xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm, lấy lại uy tín của một ngân hàng vốn đã có thâm niên trong ngành tài chính.
Hồng Quân