Năm 2018 được coi là năm ngành ngân hàng có những tiến bộ về xử lý nợ xấu (Ảnh minh họa)
Đánh giá cụ thể về kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2018, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, khéo léo, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bằng những hành động này mà chúng ta vừa duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ, tạo dư địa chủ động của thị trường và chính sách tài khoá phát huy tác dụng.
NHNN đã ban hành các chính sách quy định và các văn bản pháp luật có liên quan để triển khai nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng vẫn giữ vững ổn định ngoại tệ, lãi suất, tỷ giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt dự trữ ngoại hối trong năm qua đạt kỷ lục, với trên 60 tỷ USD.
Bên cạnh việc xử lý nợ xấu, dự trữ ngoại hối, ngành ngân hàng cũng đã tiên phong ứng dụng công nghệ số, công nghệ tài chính fintech, phát triển phương thức thanh toán mới, đảm bảo an ninh an toàn của hoạt động thanh toán, cung ứng sản phẩm dịch vụ tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận từ khu vực dịch vụ tới 32%, không phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập từ tín dụng. NHNN cũng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cắt giảm 1/3 điều kiện kinh doanh, góp phần cải thiện đáng kể chỉ số tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, NHNN xây dựng chủ trương về phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo tiêu chuẩn, chuẩn mực của Basel 2. Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, sự minh bạch và tuân thủ chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị của hệ thống tín dụng; kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Song Nguyên