(CLO) Mới đây, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.
[caption id="attachment_103248" align="aligncenter" width="650"]

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, vấn đề số một của thành phố hiện nay phải tập trung làm tốt cải cách hành chính. Chỉ có làm tốt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thì nhà đầu tư có tầm cỡ mới đến và đầu tư phát triển du lịch Hà Nội. (Ảnh Internet)[/caption]
Sau gần 10 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007-2015 của Thành uỷ Hà Nội, lượng khách du lịch đến Hà Nội luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá, số lượng chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, mức tăng bình quân hơn 10%/năm. Năm 2015, Hà Nội đón 3,26 triệu lượt khách quốc tế và 16,43 triệu lượt khách trong nước.
Hà Nội đã khẳng định được là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía Bắc; là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, bình quân trên 15%/năm, năm 2015 đạt gần 55.000 tỷ đồng (dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng 3,2% GRDP của thành phố)...
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, hiện nay hạ tầng du lịch của Hà Nội còn rất yếu. Thiếu những khu, điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu đồng bộ, phần lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Nhìn chung, du lịch chưa được nhận thức là ngành kinh tế mũi nhọn; thiếu những cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn xã hội và các nhà đầu tư lớn vào phát triển du lịch.
"Do đó, quan điểm phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 phải tập trung phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác, như du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí, thể thao...", Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Cụ thể, đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình 8-10%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình 15-17%/năm. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60-65%.
Đưa du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và thân thiện với môi trường; đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, xứng tầm là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực.
Về giải pháp Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thời gian tới cần tuyên truyền quảng bá, dự thảo nghị quyết xác định quan tâm phát huy vai trò tích cực của cộng đồng dân cư, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, tạo động lực phát triển và nâng cao hình ảnh du lịch tại mỗi địa phương. Thành phố sẽ rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Giang Phan