75 năm Hải quan Việt Nam xây dựng và trưởng thành

Ngành Hải quan với công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại

Thứ năm, 24/09/2020 09:54 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại là một trong những nhiệm vụ đặc thù của ngành Hải quan, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại là một trong những nhiệm vụ đặc thù của ngành Hải quan, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhất là gần đây, hoạt động buôn lậu có chiều hướng gia tăng, cùng với đó là tội phạm vận chuyển ma túy trái phép vẫn còn nóng và nhiều thủ đoạn tinh vi đã bị phát hiện.

Kết quả nổi bật

Những năm gần đây, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, nóng ở cả ba tuyến: đường bộ, đường biển, hàng không. Không dừng ở đó, các đối tượng không còn chỉ hoạt động ở kênh bán hàng trực tiếp mà còn diễn ra ở cả kênh bán hàng trực tuyến do hoạt động thương mại điện tử phát triển.

Theo Tổng cục Hải quan, các đối tượng buôn lậu với phương thức và thủ đoạn tinh vi như: khai không đúng với thực tế hàng hóa; khai báo sai về tên hàng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá; sửa chữa, giả mạo hồ sơ, tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chờ được cấp giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan KTCN, chứng từ, điều chỉnh Manifest; đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm; “chọn luồng xanh, luồng vàng” để thông quan hàng hóa... làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách, môi trường hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hoá trong nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn xã hội.

Do đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. Kết quả, Tổng cục Hải quan đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ án buôn lậu như: vũ khí, động vật hoang dã; hàng điện tử nhập khẩu, thuốc tân dược, thực phẩm gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng... Đặc biệt là trong 5 năm gần đây, ngành Hải quan đã lập được nhiều chiến công, khẳng định được vai trò chủ công, trụ cột trên mặt trận chống buôn lậu.

 Đơn cử vụ bắt giữ xăng dầu ở Bình Thuận (đầu năm 2016) trị giá hàng hóa vi phạm lên đến cả nghìn tỷ đồng. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 1.587 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 216 tỷ đồng; Số thu ngân sách đạt 48,647 tỷ đồng, Hải Quan khởi tố 06 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 17 vụ.

Bên cạnh đó, qua việc tăng cường giám sát, Tổng cục Hải quan còn phát hiện nhiều bất cập, sơ hở về cơ chế chính sách, từ đó kịp thời kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn đối với: Nhập khẩu phế liệu; hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất; mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, xuất xứ hàng hóa...

Cán bộ Hải quan Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan kiểm tra niêm phong hầm tàu buôn lậu hàng hóa đang chờ xử lý.

Cán bộ Hải quan Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan kiểm tra niêm phong hầm tàu buôn lậu hàng hóa đang chờ xử lý.

Đó là tại công tác quản lý phế liệu nhập khẩu, qua nắm tình hình, rà soát việc thực hiện thủ tục tại địa phương cho thấy, năm 2017, 2018 số lượng phế liệu đưa về Việt Nam tăng đột biến, dẫn tới lượng tồn lớn tại cảng biển, thậm chí qua rà soát thực hiện các chuyên án đấu tranh chống buôn lậu, cơ quan Hải quan đã phát hiện hàng loạt vấn đề vi phạm pháp luật của Việt Nam, cũng như về thủ tục hải quan. Đó là việc doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện, bản chất là chất thải về một số cảng biển Việt Nam, dẫn tới việc tốn kinh phí xử lý, gây ảnh hưởng môi trường; hay dấu hiệu làm giả chứng nhận đủ điều kiện trong nhập khẩu phế liệu…

Để xử lý, ngăn chặn tránh tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác thải, trên cơ sở văn bản pháp luật hiện có, Tổng cục Hải quan đã ban hành chỉ đạo tăng cường kiểm soát phế liệu, đặc biệt đưa ra một số giải pháp trước đó chưa thực hiện và triển khai quyết liệt tới các đơn vị Hải quan. Đó là yêu cầu hãng tàu, Hải quan kiểm tra lô hàng đáp ứng đủ điều kiện NK, có giấy chứng nhận bảo lãnh ngân hàng mới cho phép dỡ hàng xuống cảng biển, tức là chỉ phế liệu “sạch”, đủ điều kiện mới được dỡ hàng, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng đưa chất thải vào sau đó để ở cảng biển Việt Nam gây tốn chi phí, ảnh hưởng đến môi trường.

Hay như qua quá trình kiểm tra, rà soát cơ quan Hải quan đã phát hiện thủ đoạn gian lận lợi dụng kẽ hở trong chính sách. Chẳng hạn với hàng nhập khẩu, mặc dù nhập từ nước ngoài nhưng trên sản phẩm đã ghi sẵn “Made in Vietnam” để tiêu thụ trong nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, hoặc doanh nghiệp không dán nhãn nhập khẩu mà chỉ dán phụ khâu lưu thông và khi đó ghi sai xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng… Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời cũng kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi quy định về xuất xứ, một mặt tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, một mặt đưa ra các quy tắc đảm bảo các doanh nghiệp không lợi dụng cơ chế chính sách để thực hiện hành vi gian lận.

“Dấu ấn” trong công tác phòng, chống buôn lậu ma túy

Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, diễn ra trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, cảng biển, sân bay quốc tế và bưu điện quốc tế.

Trong lĩnh vực Hải quan, tội phạm ma túy thường sử dụng một số thủ đoạn như: Lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước trong thông quan hàng hóa, nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như sử dụng khai báo hải quan điện tử, áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, miễn kiểm tra thực tế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất, nhập cảnh để cất giấu ma túy. Các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng là: khai báo sai tên hàng hóa, số lượng, chủng loại hàng hóa; lợi dụng các doanh nghiệp được ưu tiên để trà trộn, cất giấu ma túy vào hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, cất giấu trong người, hành lý để đưa ma tuý vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ….

Đây là thách thức đối với lực lượng Hải quan: vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại theo chủ trương của Chính phủ nhưng cũng phải tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát hải quan để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, trong đó có ma túy.

Tuy nhiên, ngành Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đem lại hiệu quả trong công tác phòng chống ma túy như: tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy, nâng cao công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế…

Nhờ đó, trong 5 năm gần đây, ngành Hải quan đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ 175 vụ/100 đối tượng; thu giữ: 7,5 kg và 1.240 bánh Heroin; 17kg cần sa; 10,3kg thuốc phiện; 72kg ma túy; 195,7kg ma túy đá; 302.732 viên ma túy tổng hợp; 500kg Ketamin; 48,8kg Cocain. Điển hình là vào tháng 5/2019, Hải quan đã phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phát hiện, bắt giữ đường dây vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới bằng đường biển, thu giữ 500kg Ketamin và bắt giữ 4 đối tượng. Hay như vào ngày 28/8/2019, Hải quan chủ trì xác lập Chuyên án MT619 đấu tranh đối với đường dây vận chuyển trái phép ma túy, xuyên quốc gia do người Đài Loan điều hành. Tháng 11/2019, chuyên án được phá thành công. Kết thúc Chuyên án đã thu giữ 446 bánh heroin với ước lượng giá trị gốc theo đối tượng khai nhận là trên 100 tỷ đồng), bắt giữ 2 đối tượng cùng nhiều vật chứng có liên quan… Các đối tượng vi phạm trong các chuyên án, vụ án kể trên đều bị khởi tố hình sự; hồ sơ vụ việc được cơ quan Hải quan hoàn thiện và chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Với thành tích xuất sắc trong trận chiến chống buôn lậu ma túy trong giai đoạn 2015 – 2020, đã có nhiều tập thể, cá nhân của ngành Hải quan được vinh dự đón nhận Thư khen của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các hình thức khen thưởng cao quý khác như: Huân chương Chiến công các hạng; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công an… Điều này cho thấy ngành Hải quan đã được ghi nhận trong việc đã đóng góp một phần công sức cho công tác phòng, chống ma túy ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Minh Quân

Tin khác

PC Bắc Kạn: Nỗ lực giảm tổn thất điện năng

PC Bắc Kạn: Nỗ lực giảm tổn thất điện năng

(NB&CL) Những năm qua, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã tập trung nhiều giải pháp như đầu tư nâng cấp và cải tạo sữa chữa lưới điện, tính toán các chế độ vận hành lưới điện tối ưu, ứng dụng công nghệ thông tin đo đếm điện năng... với nỗ lực giảm tổn thất điện năng.

Đời sống
“Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với ngư dân Thanh Hóa

“Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với ngư dân Thanh Hóa

(CLO) Chiều 26/4, Báo Pháp Luật TP HCM phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Đời sống
Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines kỷ niệm 65 năm thành lập

Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines kỷ niệm 65 năm thành lập

(CLO) Sáng 26/4, Đoàn bay 919 thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919, đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm thành lập.

Đời sống
EVNGENCO1 nỗ lực vận hành các nhà máy điện đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống

EVNGENCO1 nỗ lực vận hành các nhà máy điện đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống

(NB&CL) Trong tháng 3/2024, phụ tải hệ thống điện tăng 10,96% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 2,14% so với kế hoạch năm 2024 của Bộ Công Thương. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng, EVNGENCO1 đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2024, nỗ lực vận hành các nhà máy đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống điện quốc gia.

Đời sống
Đầu tháng 5, miền Bắc có thể đón không khí lạnh, mưa rào, giông lốc

Đầu tháng 5, miền Bắc có thể đón không khí lạnh, mưa rào, giông lốc

(CLO) Chuyên gia khí tượng dự báo, từ những ngày đầu tháng 5, miền Bắc sẽ có khả năng xuất hiện mưa rào và giông trở lại, còn miền Nam gió tây nam cũng có xu hướng xuất hiện, gây mưa giông.

Đời sống