(CLO) Trong quý I/2017, theo báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), Việt Nam xuất khẩu tôm tới 68 thị trường, 10 thị trường lớn nhất gồm: Nhật, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan, Thụy Điển. Các thị trường này chiếm tới 95.4% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Nhật Bản vươn lên đứng đầu
Có sự thay đổi về vị trí đứng đầu trong các nước nhập khẩu, Nhật Bản thay thế Hoa Kỳ trở thành nước nhập khẩu lớn nhất, trong khi EU thay thế vị trí cũ của Nhật trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thứ 3.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật tăng 29.6% đạt 135.4 triệu USD, mức tăng trưởng mạnh đã đưa thị trường Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Nguyên nhân do đồng Yên tăng đã khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu tôm. Một nguyên nhân khác khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng là do người tiêu dùng Nhật Bản hiện chuyển sang lựa chọn các sản phẩm thủy hải sản giá rẻ, khiến nhu cầu tôm tăng lên so với các loại hải sản khác như cá ngừ, cá hồi và mực ống.
[caption id="attachment_164717" align="aligncenter" width="650"]
Ngành sản xuất tôm Việt Nam có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nhưng lĩnh vực này đối mặt với thách thức về sản xuất quy mô nhỏ và hạn chế về giống tôm. (Ảnh Internet)[/caption]
Đại diện Vasep cho biết, đầu năm nay giá tôm xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Nhật là 12 USD/kg, trong khi giá của Indonesia là 11 USD và Thái Lan là 10 USD. Mặc dù giá cao hơn các nước đối thủ nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn hẳn so với cả 2 nước còn lại, Thái lan tăng trưởng 13.9%, Indonesia chỉ tăng 2.4%. "Hiện nay, ngành sản xuất tôm Việt Nam có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nhưng lĩnh vực này đối mặt với thách thức về sản xuất quy mô nhỏ và hạn chế về giống tôm. Việt Nam có khoảng 1,800 cơ sở nuôi tôm trên cả nước nhưng rất ít trong số đó đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sinh học. Hơn 90% các giống tôm nuôi chân trắng Việt Nam phải nhập khẩu, trong khi giống tôm lớn (prawns) phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên", phía Vasep cho hay. Chủ động sản xuất tôm giống chất lượng Phạm Anh Tuấn – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Đặt mục tiêu đến trước 2025 đạt 10 tỷ USD XK tôm, giá trị XK tôm tăng gấp 3,12 lần trong 7-8 năm tới, hàng năm tốc độ tăng trưởng giá trị XK tôm phải đạt khoảng 14%, và tốc độ tăng sản lượng tôm nuôi phải đạt 11-12 % năm. Tốc độ tăng sản lượng và giá trị XK tôm đều phải tăng gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2016. Theo dõi giá tôm XK giai đoạn 2011-2016 thấy có sự biến động theo nguồn cung, giá cao thấp phụ thuộc mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản lượng tôm nuôi, sản lượng tôm biển đánh bắt nhiều hay ít.
Trong các năm tới trong bối cảnh Việt Nam sẽ sản xuất tăng thêm 1,2-1,8 triệu tấn tôm trong khi các nước sản xuất tôm lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc cũng đặt kế hoạch cho các mục tiêu sản lượng lớn, chắc chắn việc sản xuất tôm với giá thành thấp, làm tốt công tác phát triển thị trường sẽ là các yếu tố quyết định đến mục tiêu 10 tỷ USD XK tôm. Theo ông Tuấn, để thực hiện được kế hoạch trên, trước hết cần đảm bảo chủ động sản xuất tôm giống có chất lượng. Hai vấn đề lớn cần giải quyết là tôm bố mẹ đưa vào sản xuất ở các trại tôm giống phải là giống tốt (tôm chọn giống và sạch các tác nhân gây bệnh) và các trại sản xuất tôm giống phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị và được quản lý vận hành đảm bảo an toàn sinh học. "Việc xây dựng các quy chuẩn về tôm bố mẹ, các yêu cầu kỹ thuật với trại sản xuất tôm giống đảm bảo an toàn sinh học là việc làm cần thiết đầu tiên", ông Tuấn nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng: Dưới góc độ quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quyết tâm cao hơn, phải kiên quyết để nhanh chóng không còn tình trạng sử dụng tôm bố mẹ kém chất lượng, không còn các trại sản xuất tôm giống không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học vẫn sản xuất tôm giống. Cần nhanh chóng chuyển từ quản lý chất lượng tôm giống thông qua kiểm dịch từng lô hàng tôm giống, thiếu hiệu quả, cản trở sản xuất và không đủ năng lực kiểm dịch trong thực tế, sang quản lý điều kiện và quá trình sản xuất-đó là phương pháp quản lý hiện đại đang được áp dụng hiệu quả ở hầu hết các nước có ngành tôm phát triển. Theo TS Phạm Anh Tuấn, các nước vốn sản xuất nhiều tôm sú như Thái Lan, Ấn Độ…đã chuyển sang nuôi tôm chân trắng là chính, Việt Nam là trong số ít các nhà cung cấp tôm sú, thị trường tôm sú mức độ cạnh tranh ít gay gắt hơn.Tôm sú là loài bản địa, thích hợp với nhiều hệ thống nuôi tôm khác nhau, đặc biệt ưu thế khi nuôi tôm trong hệ thống canh tác tôm-rừng, tôm-lúa. Phát huy lợi thế của nuôi tôm sú từ góc độ môi trường nuôi và thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần tiếp tục phát triển nuôi tôm sú, đặc biệt nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn, vùng ruộng lúa bị xâm nhập mặn, các sản phẩm tôm sú là ưu thế cạnh tranh thị trường. "Ngành tôm hướng đến thị trường xuất khẩu, tuy nhiên hiện nay công tác xây dựng thị trường, xúc tiến thương mại còn hạn chế do nguồn lực cho phát triển thị trường phụ thuộc vào ngân sách nhà nước dành cho thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng rất có hạn, đóng góp từ xuất khẩu theo dạng bị động theo từng vụ việc. Công tác xúc tiến thương mại tôm cần phải được chú trọng hơn nữa. Trước hết, cần sớm xây dựng cơ chế để chủ động tạo đủ nguồn lực cho nghiên cứu thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng thị trường tôm từ đóng góp tài chính của chính ngành tôm", ông Tuấn nhận định.
Bảo Quyên