Ngập úng tại đô thị và bài toán phát triển bền vững

Thứ năm, 08/08/2024 09:18 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Liên tiếp các vụ sạt lở đất, mưa lớn gây ngập úng tại nhiều khu vực trên địa bàn cả nước, đặc biệt tại TP. Hà Nội đặt ra yêu cầu về những giải pháp cấp bách trước mắt cũng như lâu dài để phát triển bền vững.

Sự kiện: Hà Nội

Thiên tai hay nhân tai?

Theo báo cáo mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai; từ đầu năm 2024 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai với 636 trận thiên tai gồm cả lũ quét, sạt lở đất, giông lốc, sét,...

Tính đến ngày 5/8/2024, thiên tai làm 111 người chết, mất tích. Đây là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Miền Bắc là khu vực thiệt hại nhiều nhất về người với con số lên tới 77 người chết, mất tích (gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Các đô thị vùng cao như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Đà Lạt đến các đô thị ven sông, ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Quốc đều xảy ra ngập lụt.

Tại Thủ đô Hà Nội tình trạng ngập úng ở các khu vực lõi diễn biến phức tạp, nhiều huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai nhiều tuyến đường đường ngập sâu chia cắt, thậm chí cô lập cả một khu vực dân cư.

ngap ung tai do thi va bai toan phat trien ben vung hinh 1

Nước bủa vây, cô lập cả một khu dân cư tại huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) trong tháng 7 vừa qua.

Ngoài nguyên nhân khách quan tới từ sự biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu thì tác động tiêu cực, thậm chí là thô bạo của con người vào tự nhiên, xây dựng ồ ạt, phá vỡ quy hoạch cũng khiến hậu quả của thiên tai thêm nặng nề. Điển hình là vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng ngày 29/6/2023 tại hẻm 15/2 Yên Thế (phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) khiến 2 người tử vong.

Đô thị có động lực phát triển rất lớn, tạo ra 70% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng các đô thị của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như nước biển dâng, ngập lụt, sạt lở đất, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường..., tạo ra thách thức lớn trong phát triển đô thị bền vững.

Thực tiễn thay đổi quy hoạch luôn theo kiểu thu hẹp các lợi ích công cộng và tăng mật độ xây dựng, nâng chiều cao chung cư không còn là chuyện lạ với các đô thị của nước ta.

Hạ tầng thoát nước, giao thông thiếu đồng bộ và nguồn lợi ích khổng lồ từ chênh lệch địa tô trong quá trình phát triển, mở rộng đô thị đã vô tình trở thành bàn tay vô hình phá vỡ quy hoạch. Nhưng sự “vô tình” này đã lặp lại ở nhiều địa phương, đặc biệt là hai đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sau đó là Sa Pa, Đà Lạt, Phú Quốc.

KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, chất lượng quy hoạch không đồng bộ hoặc quy hoạch còn chủ quan; công tác dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Quy hoạch thoát nước là một thành phần quan trọng trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được nghiên cứu, tính toán phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên và cấp loại đô thị nên nhìn chung quy hoạch thoát nước đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển đô thị.

Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào chất lượng của tư vấn lập quy hoạch, vào quá trình quản lý, vận hành và vấn đề tác động của thời tiết cực đoan, bất thường, biến đổi khí hậu.

Phát triển bền vững đô thị

Đảng, Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quan điểm chỉ đạo thống nhất phát triển đô thị Việt Nam cũng dựa trên nền tảng phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

ngap ung tai do thi va bai toan phat trien ben vung hinh 2

Cần những giải pháp tổng thể để phát triển đô thị một cách bền vững, giảm thiểu thiệt hại trước những tác động tiêu cực của thời tiết.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một Nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Qua đó khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nghị quyết xác định đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Mục tiêu cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh hàng đầu so với các nước ASEAN, nước ta đã đạt tiêu chuẩn khoảng 42 - 43%. Hiện Việt Nam là một quốc gia 100 triệu dân với khoảng 43 triệu dân nằm trong hệ thống đô thị.

Cả nước đang có gần 900 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội và khoảng 23 đô thị loại I. Việc phát triển đô thị là công việc hết sức quan trọng; muốn phát triển đô thị trước hết phải làm công tác quy hoạch.

Quy hoạch phải đi trước và phải có chất lượng. Nếu công tác này không chất lượng, chúng ta phải phá đi làm lại và ảnh hướng lớn đến nền kinh tế. Nếu công tác quy hoạch tốt, đô thị sẽ phát triển tốt; nếu chất lượng kém thì đô thị đó phải trả giá rất nhiều. 

Có một nghịch lý đang diễn ra đó là đô thị càng phát triển thì mức độ ngập úng càng nghiêm trọng. Những đô thị cũ trước đây không ngập thì nay lại xảy ra ngập úng; có đô thị trước chỉ ngập ở mức độ nhẹ thì nay ngập nặng hơn. Nhiều khu đô thị mới, dự án bất động sản được xây dựng nhưng lại kéo theo tình trạng ngập úng nghiêm trọng cho cả một khu vực dân cư.

Ngập úng đô thị ngày càng có xu hướng gia tăng cả về mặt không gian lẫn thời gian và lo ngại về mức độ úng ngập đô thị ngày càng trở nên nghiêm trọng là có cơ sở nếu không có những giải pháp phù hợp trước mắt cũng như lâu dài.

Bảo Ngọc

Bình Luận

Tin khác

Hà Nội: Cháy lớn tại một xưởng in trên địa bàn quận Nam Từ Liêm

Hà Nội: Cháy lớn tại một xưởng in trên địa bàn quận Nam Từ Liêm

(CLO) Chiều 19/9, đám cháy lớn đã bùng phát tại một xưởng in trên đường Quang Tiến (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) với cột khói bốc cao hàng chục mét, thiêu rụi khoảng 400m2 nhà xưởng.

Đời sống
Bão số 4 đã qua, miền Trung vẫn tiếp tục mưa lớn hết ngày mai

Bão số 4 đã qua, miền Trung vẫn tiếp tục mưa lớn hết ngày mai

(CLO) Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 4 đã nằm trên khu vực phía Nam Lào. Dự báo, mưa lớn vẫn còn tiếp tục ở vùng Thanh Hoá đến Quảng Trị trong đêm nay kéo dài đến hết ngày 20/9, mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Đời sống
Hai bố con ở Nghệ An thoát chết sau khi bị cây to gãy đè lên người

Hai bố con ở Nghệ An thoát chết sau khi bị cây to gãy đè lên người

(CLO) ​​Khi phát hiện hai người trên xe máy bị cây to đè trúng người, người dân Nghệ An đã tri hô, hỗ trợ chặt cành cây, đưa hai nạn nhân thoát ra ngoài an toàn.

Đời sống
Dự báo thời tiết ngày 20/9: Khu vực Thanh Hoá đến Quảng Trị mưa lớn

Dự báo thời tiết ngày 20/9: Khu vực Thanh Hoá đến Quảng Trị mưa lớn

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 20/9, khu vực Thanh Hoá đến Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn, có nơi trên 350mm. Dự báo đến ngày 21/9, mưa lớn ở Trung Bộ sẽ giảm dần.

Đời sống
Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ công tác thu gom, tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3

Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ công tác thu gom, tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3

(CLO) Hiện nay, việc thu gom, tiêu thụ cây rừng gãy đổ do bão gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, ngày 19/9 UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp với người dân và các sở ngành liên quan để bàn giải pháp hỗ trợ liên quan đến nội dung này.

Đời sống