Cuộc thi diễn ra trong 3 ngày (chiều 11 – 13/6). Tham dự hội thi gồm 27 chủ diều đến từ 11 đội diều, trong đó có 9 đội thuộc huyện Lộc Hà và 2 đội thuộc huyện Thạch Hà.
Không khí chuẩn bị thả diều tại gò Thạch Kim vui nhộn
Theo đó, các đối tượng tham gia là công dân nam đang sinh sống, công tác trên địa bàn 2 huyện Lộc Hà và Thạch Hà. Các đơn vị, địa phương được đăng ký tối đa 3 con diều sáo (gồm trưởng đoàn và các chủ diều).
Ban tổ chức cũng quy định, diều tham gia thi có thể mang logo, biểu tượng nhưng phải đăng ký và được sự chấp nhận của Ban tổ chức.
Đến dự thi, các đội mang theo nhiều loại diều với đủ kiểu dáng, kích thước, màu sắc
Có những cánh diều được tậu với giá 6 triệu đồng
Các đội diều tham gia tranh tài bao gồm: Diều sáo thả một dây buộc cố định hoặc cầm tay ở độ cao 100 m.
Những cánh diều phải có chiều dài tối thiểu 3,0 – 3,5m, rộng 0,8 – 1m
Ban Giám khảo sẽ chấm điểm trên 3 tiêu chí: kích thước diều, số lượng sáo diều theo quy định, độ lên cao thẳng đứng vuông góc với mặt đất; độ vang, ngân của sáo.
Sáo được làm từ chất liệu gần gũi với thiên nhiên là tre, trúc và ngày càng được làm một cách tinh xảo để vừa tạo ra tiếng kêu hay, có độ ngân xa, vừa tạo tính thẩm mỹ cho diều.
Ban tổ chức sẽ trao 3 giải (Nhất, Nhì, Ba) cho 3 tập thể và 5 giải cá nhân (1 giải Nhất, 2 Nhì, 3 Ba).
Thả diều cũng phải chớp thời cơ
Muốn diều đạt được thành tích cao, diều phải bay cao, bay đứng, sáo kêu to
Chiều hè tại gò Thạch Kim, chấp chới những cánh diều và vi vu tiếng sáo
Đây là lần đầu tiên, trò chơi dân gian này được đưa vào thi đấu tại lễ hội nên thu hút sự quan tâm của đông đảo người chơi diều với mong muốn giao lưu, trải nghiệm về cách làm diều.
Trần Phong