(CLO) “Hôm nay Hà Nội là rừng cờ hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô"- đó là những dòng viết đầy xúc cảm của Trung tướng Vương Thừa Vũ, người trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, đã có một vinh dự hiếm có "ngày về trong chiến thắng", đưa đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 và cũng là một trong rất ít người đã đặt để những dấu son đáng nhớ lên hành trình phát triển của Hà Nội.
Từ trọng trách Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa
Cuối tháng 9/1946, khi cuộc đàm phán trên đất Pháp đã tan vỡ, Thường vụ Trung ương nhận thấy khả năng hòa hoãn ngày càng giảm, khả năng nổ ra xung đột toàn cục giữa ta và Pháp ngày càng tăng...
Những ngày cuối năm 1946, Hà Nội ráo riết chuẩn bị kháng chiến. Dự báo quân Pháp sẽ nổ súng, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ định Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, còn gọi là Chiến khu XI.
Các tư liệu ghi lại rằng, lúc này, đồng chí Vương Thừa Vũ đang làm công tác huấn luyện quân sự ở Khu II thì nhận được thư của Khu trưởng Văn Tiến Dũng cho biết có điện của Thường vụ Trung ương gọi về nhận nhiệm vụ mới. Tới nơi, đồng chí Vương Thừa Vũ mới biết Thường vụ Trung ương đang họp ở Dinh Tổng đốc Hà Đông cũ.
Tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi. Trong cuốn “Những chặng đường chiến đấu”, chính ông đã ghi lại sự ra đời của cái tên Vương Thừa Vũ. Đó là sau khi trốn thoát khỏi nhà tù Nghĩa Lộ tháng 3/1945, ông lạc vào núi Pá Hu. Người trong bản tưởng ông là tay chân của Pháp nên bắt và định đem xử bắn. May thay, ông nghe và hiểu tiếng của người dân tộc. Trước lúc bị hành hình, ông lắng nghe những người trong bản nói chuyện và biết rằng họ đều mang họ Vương. Do đó, khi được hỏi “mày họ gì”, ông buột miệng trả lời là họ Vương, cùng họ với người trong bản, nên được đón chào và giúp đỡ nuôi giấu một thời gian. Từ đó ông lấy tên là Vương Thừa Vũ để hoạt động cách mạng.
Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư Trường Chinh nói, đại ý: “Thường vụ gọi đồng chí đến để giao một nhiệm vụ mới, rất quan trọng. Lúc này, quân Pháp đang ráo riết chuẩn bị, sớm muộn thế nào chúng cũng sẽ gây hấn, sẽ đánh úp Hà Nội, chiếm thủ đô… Trung ương Đảng giao cho đồng chí làm Chỉ huy trưởng Khu XI-Khu đặc biệt Hà Nội và tin rằng đồng chí có thể gánh vác được…”.
Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì lưu ý: “Công việc lớn và không ít khó khăn. Anh hãy cùng anh Thái và cơ quan tham mưu nghiên cứu chuẩn bị khẩn trương nhưng vững chắc từng bước, cố gắng chuẩn bị thật đầy đủ để bảo đảm chiến đấu thắng lợi ngay từ trận đầu…”.
Xứng đáng với trọng trách được giao phó, Vương Thừa Vũ đã đề xuất cách đánh địch theo chiến thuật “cài then cửa” hay còn gọi “trùng độc chiến”. Đó là cách đánh du kích, khi ẩn, khi hiện trong từng căn nhà, từng góc phố, kết hợp phục kích tổ, đội với bắn tỉa từng cá nhân; trong đánh, ngoài vây, kết hợp tiến công với phòng ngự nhằm tiêu hao, ngăn chặn địch từng bước… Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ luôn theo dõi sát sao hàng ngày, hàng giờ từng trận chiến đấu để có những chỉ đạo kịp thời, linh hoạt nhất.
Chính nhờ sự sát sao, với thế trận “trong đánh, ngoài vây”, cách đánh thiên biến vạn hóa của chiến tranh nhân dân, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ cùng quân dân Thủ đô lập nên kỳ tích: Bằng một lực lượng vũ trang non trẻ, quân dân ta đã chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy đông khoảng 6.500 binh sĩ của Pháp trong Thành phố suốt 60 ngày đêm (gấp đôi thời gian quy định), thực hiện xuất sắc chủ trương diệt địch đi đôi với bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài cho ngày toàn thắng. Đặc biệt là việc sau đó, đồng chí Vương Thừa Vũ cùng với các cộng sự đã chỉ huy thành công cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô.
Tới Người dẫn dắt Đại đoàn Quân tiên phong trở về tiếp quản Thủ đô
Sau mặt trận Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ được cử vào Liên khu 4 với cương vị khu phó. Đến năm 1949, Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, ông đã được tin tưởng giao nhiệm vụ là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn. Dưới sự dẫn dắt của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn 308 đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện xuất sắc khẩu hiệu “Hễ đánh là thắng, hễ đánh là quyết định chiến trường”, đặc biệt là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho Đại đoàn là “đi tiên phong trên con đường vận động chiến”. Từ đó, đại đoàn được mang danh hiệu “Quân Tiên Phong” còn Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, ngày 28/9/1954, được thăng hàm Thiếu tướng.
Tháng 8/1954, Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân tiên phong được giao nhiệm vụ trở về tiếp quản Thủ đô. Về vinh dự này, trong Hồi ký "Trưởng thành trong chiến đấu", tướng Vũ đã chia sẻ:
"Tháng Tám năm 1954, lại một vinh dự lớn nữa đối với chúng tôi. Hồ Chủ tịch, Trung ương Ðảng và Chính phủ trao cho Ðại đoàn 308 nhiệm vụ vẻ vang, tiến về tiếp quản Thủ đô.
Nói sao cho hết niềm vui sướng này? Vui sướng nhất, cảm động nhất là những đồng chí từng chiến đấu ở Hà Nội những ngày đầu kháng chiến, rồi từ Hà Nội ra đi với lời nguyền "ta thề Thủ đô chiến thắng quân thù". Những đồng chí chưa từng đến Hà Nội bao giờ đều tha thiết với Hà Nội, đều náo nức với "ngày về", về nơi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh ra Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông-Nam Á, nơi Người phát lệnh "Toàn quốc kháng chiến" và khẳng định kháng chiến nhất định thắng lợi".
Tuy nhiên, là vị tướng tài ba dạn dày kinh nghiệm trận mạc, bên cạnh niềm vui, tướng Vũ cũng hiểu rằng sự trở về này không hề dễ dàng. "Tiếp quản một thành phố hàng chục vạn dân, một nơi mà trong nhiều năm qua bọn xâm lược Pháp đã lấy làm trung tâm chống phá cách mạng thì đâu phải chỉ là một cuộc tiến quân về trong cờ hoa muôn sắc, kèn trống tưng bừng"- tướng Vũ cho biết.
"Từ tháng sáu, tháng bảy, trong khi Hội nghị Geneva đang tiến triển còn chưa ngã ngũ, bọn đế quốc Pháp - Mỹ đã thúc đẩy các đảng phái chính trị phản động do chúng nặn ra, tiến hành hoạt động chống phá. Giữa tháng 7, tại Hà Nội, bọn Việt gian hô hào "quốc dân bình tĩnh", chúng tung dư luận xảo trá "Việt Minh chia cắt đất nước, nhường Nam Việt cho Pháp để độc chiếm Bắc Việt", chúng nặn ra cái gọi là "Ủy ban bảo vệ Bắc Việt" và cái "trung đoàn thủ đô" để tập hợp lực lượng phản động. Cũng từ tháng bảy, ở Hà Nội mọc lên những "trại di cư". Cả bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng thống nhất với nhau trong âm mưu cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam. Báo chí của bọn Việt gian lại một dịp làm chiến tranh tâm lý, đưa ra luận điệu "Không thể sống với cộng sản". Kẻ địch ráo riết thực hiện âm mưu trao trả chúng ta một Hà Nội tan hoang, xơ xác, rỗng tuếch, một Hà Nội với đầy cạm bẫy của chúng gài lại"- tướng Vương Thừa Vũ nói rõ thêm về tình thế không dễ dàng tại Hà Nội thời điểm đó.
Trong nhìn nhận Đại đoàn trưởng Đại đoàn Quân Tiên phong, việc tiếp quản Hà Nội là một cuộc đấu tranh rất phức tạp trên nhiều mặt trận chính trị, tư tưởng, kinh tế và phải có sự phòng bị về quân sự. Cuộc đấu tranh ấy không chỉ diễn ra khi ta đến, địch đi, mà từ ngày địch cuốn gói từng bước; và một khi ta đến, phải tạo ngay được một không khí mới tin tưởng phấn khởi, vui tươi, xua tan những lo âu, mặc cảm.
Tuy nhiên, những người lính Đại đoàn 308 vẫn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hiếm có. "Chúng tôi đã có một số kinh nghiệm tiếp quản. Nhưng nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội lại khác hẳn. Một mặt phải đề phòng âm mưu tráo trở và mọi hành động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ tài sản của Nhà nước cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân. Mặt khác phải mang về Thủ đô một luồng không khí phấn khởi tự hào với chiến thắng của dân tộc; một tinh thần đoàn kết, cách mạng; một phong cách sinh hoạt văn minh, lành mạnh.
Ðảng ủy và Bộ chỉ huy đại đoàn xác định đây là một cuộc chiến đấu hết sức phức tạp giữa cách mạng và phản cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, ta quyết thắng và phải thắng trọn vẹn. Toàn đại đoàn phấn khởi triển khai thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này với một tinh thần khẩn trương nghiêm túc và rất cụ thể.
Cơ quan tham mưu cử cán bộ đi trước, cùng với các đội công tác của Chính phủ vào thành phố nghiên cứu các cơ quan, công sở, nhà máy, mà ta sẽ tiếp nhận, đồng thời nắm tình hình mọi mặt để đặt kế hoạch cho bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô, luôn luôn giữ thế chủ động.
Cơ quan hậu cần lo chuẩn bị vật chất từ gạo, củi, thức ăn đến các nhu cầu lặt vặt khác, bảo đảm cho hàng vạn con người trong một tháng không phải ra mua ở ngoài phố, ngoài chợ. Cơ quan chính trị soạn thảo các tài liệu, in các điều quy định các chính sách vùng mới giải phóng của Chính phủ để giáo dục sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần và động viên nhắc nhở bộ đội nghiêm chỉnh chấp hành"- Tướng Vũ cho biết.
Đặc biệt, vị Đại đoàn trưởng đặc biệt nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ đề cao cảnh giác, tích cực rèn luyện giữ vững phẩm chất cách mạng, rằng "Trong chiến tranh anh đã anh dũng xông pha lửa đạn, không ngã trước viên đạn bằng đồng, nhưng hãy cẩn thận trong hòa bình, nếu không giữ được phẩm chất cách mạng, anh có thể "chết" vì những viên đạn bọc đường. Trước kẻ thù hung dữ, trang bị đến tận răng, anh có thể là một anh hùng, nhưng đi vào một xã hội xa hoa, phù phiếm, nếu không giữ vững phẩm chất cách mạng chưa chắc anh đã có dũng khí vượt qua...".
Sau những chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt cho "trận chiến đấu đặc biệt", 5 giờ sáng ngày 10/10/1954, dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn 308 tiến vào Hà Nội thực hiện nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
"Không khí ngày hội khải hoàn bắt đầu đổ về vùng ngoại thành, bên ngoài các cửa ô.
Bộ đội tấp nập kéo về, người, xe xếp thành đội ngũ chỉnh tề, dọc các đường cái lớn đi vào Thủ đô.
Trong các làng, các thôn xã thuộc huyện Từ Liêm, Thanh Trì nhà nào nhà nấy sáng đèn, đỏ lửa, quân dân hội họp ca hát, trò chuyện thâu đêm.
Ngày 9-10-1954, tại sở chỉ huy đại đoàn đặt ở bên đường Hà Ðông - Hà Nội, chúng tôi vui sướng, hồi hộp theo dõi từng bước đi của ba cánh quân tiến về Hà Nội theo kế hoạch đã được Bộ Tổng tư lệnh chuẩn y. Mỗi cánh quân là một tiểu đoàn:
Cánh thứ nhất, qua ô Cầu Giấy vào vườn hoa Cửa Nam rồi quay sang trái vào tiếp nhận Thành Hà Nội, nhà máy nước, phủ toàn quyền.
Cánh thứ hai, theo đường số 6 qua Cầu Mới vào đến Ngã Tư Sở rẽ phải vào tiếp quản sân bay Bạch Mai, bệnh viện Bạch Mai, khu ga Hà Nội.
Cánh thứ ba, tiếp nhận các công sở từ khu vực Việt Nam học xá, Ðồn Thủy, khu hồ Hoàn Kiếm.
Ðúng 16 giờ 30 phút, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên cùng với viên đại tá Ðắc-giăng-xơ sang Gia Lâm thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa, sắc áo, như một vườn hoa gặp tiết xuân nở rộ. Băng vải các mầu căng ngang đường với những khẩu hiệu được cắt theo các kiểu chữ cầu kỳ: "Hồ Chí Minh muôn năm !", "Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về!",
"Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm !",v.v... Cổng chào mọc lên san sát suốt dọc các phố lớn, phố nhỏ, lối vào một ngõ ngang khuất nẻo cũng có cổng chào, giăng đèn kết hoa.
Mới trước đó ít phút, Hà Nội còn là thành phố vắng tanh với những lo âu, mặc cảm, cửa từng nhà đóng kín, thì sau đó ít phút, cả Hà Nội bừng dậy, hồi sinh, sôi động, náo nhiệt.
Ðêm hôm đó Hà Nội nghiêm chỉnh chấp hành lệnh giới nghiêm của Ủy ban quân chính thành phố. Nhưng cũng là một đêm giới nghiêm đặc biệt, ra ngoài khuôn khổ của từ này. Ðường phố sáng rực những dây đèn kết hoa, cờ bay phấp phới, nhân dân không ai ra khỏi nhà, nhưng nhà nào cũng mở cửa đến khuya, nhiều nhà chong đèn đến sáng, mỗi lần có đội tuần tra đi qua, các cánh cửa sổ lại mở hé, bà con trìu mến nhìn bộ đội ta hiền lành giản dị, dễ thương. Ðã hơn ba nghìn đêm, kể từ tháng 9 năm 1945 quân Tưởng vào, rồi tháng 3 năm 1946 quân Pháp đến, cho đến bây giờ, Hà Nội mới có một đêm sạch bóng quân xâm lược, nên ai cũng muốn thức thật khuya để hưởng không khí thanh bình, êm ả của đêm giải phóng, ai cũng mong có được một đêm nay để làm kỷ niệm trong đời mình đã từng sống ở Thủ đô"- tướng Vương Thừa Vũ nhớ lại diễn biến tại Hà Nội ngày 9/10/1954.
Ngày hôm sau, 10/10/1954 cũng vẹn nguyên trong ký ức vị tướng tài ba:
"5 giờ sáng hết giới nghiêm, cả Hà Nội nhộn nhịp, vừa có cái không khí thiêng liêng của ngày Tết vừa có cái tưng bừng rạo rực của ngày hội lớn - Hội chiến thắng - Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Nhân dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ từng đoàn, từng đoàn đông nghịt trên hè phố, các con đường được báo trước là có bộ đội sẽ đi qua...
Sáng nay sở chỉ huy đại đoàn di chuyển vào sân bay Bạch Mai cùng với các đơn vị bộ binh cơ giới, pháo binh, pháo cao xạ. Phía tây, Trung đoàn Thủ đô tập trung ở trại Quần Ngựa. Phía đông Trung đoàn 36 và Trung đoàn 88 tập trung ở Việt Nam học xá.
Ðại đoàn tiến vào Hà Nội theo ba hướng, tất cả gặp nhau ở Hồ Gươm. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, tiếp theo là Trung đoàn 36, Trung đoàn 88.
Hôm qua Hà Nội rợp bóng cờ. Hôm nay Hà Nội là rừng cờ và hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Nhất là các cán bộ, chiến sĩ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội "sẽ trở về", lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật "ra đi hẹn một ngày về, Ba Ðình còn đó, Người thề còn đây". Những tốp thiếu nhi tay vốc từng nắm hoa giấy tung lên như thả những đàn bươm bướm muôn mầu nhỏ li ti bay sà vào những chiếc xe trận đang từ từ lăn bánh đi qua. Nhân dân hò reo phất cờ, vẫy hoa. Bộ đội đi giữa rừng cờ, rừng hoa, rừng người tươi như hoa...
Từ Hồ Gươm, đoàn quân chiến thắng tiến qua phố Hàng Ðào, Hàng Ngang, Ðồng Xuân lên Cửa Bắc, vào Thành Hà Nội, tập trung tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội. Cả Hà Nội dồn về Cột Cờ chờ đón giây phút lịch sử. Ðã 70 năm kể từ ngày Hà Thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết, cột cờ do nhà Nguyễn xây dựng hết phải treo cờ Tây, cờ Nhật, cờ Tàu Tưởng rồi lại cờ Tây, giờ đây mới được mang cờ Tổ quốc. Tối qua, bộ đội công binh của đại đoàn đã lắp lên đó một ống thép nặng hai tạ, cao 12 mét, cao vút, nâng lá cờ Tổ quốc sừng sững hiên ngang.
15 giờ, còi Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Ðoàn quân nhạc cử Quốc thiều theo sự điều khiển của đồng chí Ðinh Ngọc Liên, người nhạc trưởng già rất quen thuộc với nhân dân Hà Nội.
Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng - cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội".
Buổi chiều hôm đó, tại sân Cột Cờ Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng đứng chủ lễ chào cờ. Cùng với Đại đoàn 308, họ đã vinh dự thay mặt cho quân và dân cả nước chào lá cờ chiến thắng của Tổ quốc bay trên đỉnh cột cờ của Thủ đô trong ngày đầu giải phóng.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng.
"Thư Bác đọc vừa chấm dứt thì tiếng hô "Hồ Chủ tịch muôn năm" lại đồng thanh vang động trong sân vận động, qua loa truyền thanh truyền lan qua các đường phố, mang lại trong lòng mỗi người dân Thủ đô một luồng gió mới, một không khí mới, thanh thản, vui tươi, tin tưởng, ấm áp tình người để ngày mai bắt tay vào xây dựng lại Thủ đô to đẹp, xứng đáng là vị trí trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước"- Chủ tịch Ủy ban Quân chính của Thủ đô giải phóng Vương Thừa Vũ nhớ lại. Và, "làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh"- lời Bác dạy đã trở thành mệnh lệnh cho hành trình tiếp bước của Thủ đô với những người lãnh đạo cũng là những người con toàn tâm toàn ý vì Thủ đô yêu dấu, như tướng Vương Thừa Vũ, như bác sĩ Trần Duy Hưng...
Nguyễn Hà
Trung tướng Vương Thừa Vũ còn gắn với Hà Nội ở mốc lịch sử lớn khác. Năm 1972, khi Mỹ thực hiện đổ bộ đường không đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn, cùng với Trung tướng Phùng Thế Tài, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng Đại tướng Văn Tiến Dũng, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã chỉ đạo việc xây dựng phương án tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không. Đồng chí đã có nhiều quan điểm chỉ đạo về chiến thuật đối với lực lượng phòng không, góp phần giúp quân ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành thắng lợi trong Chiến dịch “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”.
(CLO) Chính phủ Canada hôm thứ Bảy đã xin lỗi người thổ dân Inuit ở phía bắc Quebec vì vụ giết hàng loạt chó kéo xe trong những năm 1950 và 1960, khiến cộng đồng bị tàn phá khi tước đi khả năng săn bắn, sinh kế và khả năng đi lại của họ.
(CLO) Đại diện cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, trong năm 2025 sẽ triển khai xây dựng nhà ga hàng hóa, xây dựng hạ tầng khu đất còn lại phía Bắc sân bay và mở rộng nhà ga T1.
(CLO) Chính quyền Tổng thống Joe Biden chuẩn bị công bố các hạn chế xuất khẩu mới đối với Trung Quốc sớm nhất là vào tuần tới, Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo với các thành viên trong một email tuần này.
(CLO) Đại diện Cục Viễn thông cho biết, nhà mạng đã khóa 2 số điện thoại có cuộc gọi lừa đảo, gọi đến cho phụ huynh thông báo con đang cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, cần tiền để mổ gấp.
(CLO) Vào thứ Bảy tại hội nghị COP29 về biến đổi khí hậu, các quốc gia đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập các quy định cho một thị trường toàn cầu nhằm mua bán tín chỉ carbon.
(CLO) Nhiều người yêu thích các dòng xe đến từ Mỹ sẽ phải đối mặt với thực tế không mấy dễ chịu: nhiều mẫu xe “đậm chất Mỹ” lại không thực sự được sản xuất tại Mỹ.
(CLO) Tuyển Việt Nam đã có mặt tại Hàn Quốc để tập huấn chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Tại xứ sở Kim chi, đoàn quân áo đỏ có 3 trận giao hữu với CLB Ulsan Citizen (K-League 3), Deagu FC và Jeonbuk Hyundai Motors FC (K-League 1). Nhưng cả hai đội bóng đang chơi ở K-League 1 nhiều khả năng sẽ không thể tung ra sân đội hình mạnh nhất để đấu tuyển Việt Nam.
(CLO) Một nghiên cứu mới đây về dữ liệu tai nạn giao thông tại Mỹ giai đoạn 2018-2022 đã tiết lộ tỷ lệ tai nạn chết người cao bất thường của Tesla, trong đó Model Y được xếp vào nhóm xe nguy hiểm nhất, làm dấy lên lo ngại về hệ thống tự lái của hãng.
(CLO) Theo dữ liệu của trang batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản tại hầu hết các tỉnh miền Trung có xu hướng tăng mức độ quan tâm trong quý 3-2024 so với quý 1-2024.
(CLO) Các gia đình, giáo viên và cả học sinh đã biểu tình tại Valencia của Tây Ban Nha vào thứ Bảy, để yêu cầu hành động đối với các trường học bị hư hại do trận lũ lụt khiến hơn 220 người thiệt mạng và hàng nghìn học sinh không thể đi học.
(CLO) Ngày 24/11, thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hưng Yên cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị đã xử lý 24 vụ vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, nộp ngân sách nhà nước hơn 400 triệu đồng.
(CLO) Các cơ quan an ninh Philippines đã tăng cường các giao thức an toàn vào thứ Bảy, sau khi Phó Tổng thống Sara Duterte tuyên bố bà sẽ ám sát Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nếu chính bà bị giết.
(CLO) Tối 23/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
(CLO) Vòng 12 Ngoại hạng Anh 2024/25 chứng kiến những chiến thắng quan trọng của Arsenal và Chelsea. Trong khi Arsenal đánh bại Nottingham với tỷ số 3-0 để chấm dứt chuỗi trận thất vọng, thì Chelsea vượt qua Leicester 2-1 trên sân khách để cùng nhau trở lại top 4 đầy ấn tượng.
(CLO)Thời điểm cuối năm, nhu cầu hành khách đến bến xe đi lại gia tăng gây ùn tắc giao thông, khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn. Các lực lượng chức năng siết chặt hoạt động vận tải để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm
(CLO) Chiều 23/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia từ 21 - 23/11/2024, theo lời mời của Thủ tướng Malaysia và Phu nhân.
(CLO) Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, nêu rõ, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc.
(CLO) Tối 22/11, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024). Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tham dự và chia vui với nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
(CLO) Sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
CLO) Chiều 22/11, Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký quyết định số 1458 giao ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2021-2026.
(CLO) Dự kiến tỉnh Hà Nam có 19 đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025. Sau sắp xếp sẽ dôi dư 143 cán bộ, công chức (cán bộ 92 người, công chức 51 người).
(CLO) Ngày 22/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông và lãnh đạo các sở, ngành thành phố đi kiểm tra tiến độ thi công và thực hiện Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
(CLO) Chiều 22/11, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Lễ trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Đinh Thế Huynh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư khóa XII.