Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Sơn Hải
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, TS. Trần Bá Dung- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Trong sự phát triển của báo chí thế giới, cùng với phát thanh, truyền hình, báo in và gần đây là báo điện tử, ảnh báo chí có một vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt, có ưu thế đặc biệt trong việc truyền tải thông điệp tới công chúng. Thông điệp bằng ảnh có thể có sức mạnh không ngôn từ nào thay thế được và nó tác động tới nhận thức, tình cảm cũng như hành vi của hàng triệu công chúng.
Những bức ảnh đã đoạt giải của Tổ chức Ảnh báo chí thế giới hàng năm đều đã nói lên điều đó. Tuy nhiên để có thể có được bức ảnh có chất lượng tốt đòi hỏi nhiều yếu tố, như là phương tiện, thiết bị, điều kiện tác nghiệp, kỹ năng tác nghiệp, kiến thức về ảnh báo chí và đặc biệt đòi hỏi về đạo đức của người cầm máy.
“Chính vì thế, trong khuôn khổ kỷ niệm 45 năm hợp tác hữu nghị Việt Nam và Hà Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức “Triển lãm ảnh báo chí thế giới năm 2018”, đồng thời tổ chức tọa đàm “Nghề báo ảnh trong thế giới hiện đại”. Đây chính là cơ hội để những nhà báo, phóng viên ảnh Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ các kinh nghiệm về các vấn đề xung quanh lĩnh vực ảnh báo chí…”, TS. Trần Bá Dung nhấn mạnh.
Ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Sơn Hải
Bày tỏ niềm vui mừng được tham dự cuộc tọa đàm này, bà Nienke Trooster - Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ: Cùng với “Triển lãm ảnh báo chí thế giới 2018”, cuộc tọa đàm hôm nay chính là cơ hội để một lần nữa tôi cảm ơn sự hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Đại sứ quán Hà Lan là những hoạt động rất ý nghĩa nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam- Hà Lan chúng ta.
Chúng ta đã có buổi khai mạc triển lãm rất thành công và tôi hy vọng rất nhiều người có thể đến thăm quan triển lãm. Triển lãm này đã kể những câu chuyện thông qua các hình ảnh của rất nhiều nhà nhiếp ảnh gia tài năng. Mặc dù, những bức ảnh này có thể không làm hài lòng tất cả mọi người nhưng nó rất thuyết phục và khiến chúng ta phải suy nghĩ về những hoạt động hay hành động mà chúng ta làm tạo ra ảnh hưởng đến thế giới của mình.
“Bằng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Hà Lan, chúng ta cùng nhau tìm cách để làm cho thế giới của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta chia sẻ những câu chuyện về các vấn đề cùng quan tâm, cùng phản biện, suy nghĩ để tìm ra các giải pháp, để hiểu về trách nhiệm của mọi người trong thế giới này”, Đại sứ Vương quốc Hà Lan bày tỏ.
Bà Nienke Trooster - Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ . Ảnh: Sơn Hải
Với vai trò và kinh nghiệm của một chuyên gia có thời gian dài làm việc tại Tổ chức Ảnh Báo chí thế giới, bà Sophie Boshouwers- diễn giả chính của cuộc tọa đàm đã có những chia sẻ rất thú vị về hai chủ đề chính là: “Ghi lại bằng hình ảnh thế kỷ 21: Sự biến đổi của nhiếp ảnh” và “Đạo đức Nghề báo ảnh”.
Khẳng định một bức ảnh báo chí tốt có khả năng tạo ra thay đổi trong quan điểm, nhận thức của công chúng, diễn giả Sophie Boshouwers đã đưa ra những khía cạnh khi xem xét, đánh giá một bức ảnh tốt trong đó nhấn mạnh đến góc chụp của phóng viên là một trong những yếu tố mang tính chất quyết định chất lượng bức ảnh. Bên cạnh đó, vấn đề về bố cục, không gian, thời gian, mầu sắc, ánh sáng, tính thời điểm… là những yếu tố tạo nên sự duy nhất của bức ảnh.
TS. Trần Bá Dung phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Sơn Hải
Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại sứ Vương quốc Hà Lan cho rằng, báo chí có chất lượng tốt có vai trò vô cùng quan trọng trong bất kỳ xã hội nào. Tuy nhiên cũng có một câu hỏi là Báo chí tốt có chất lượng tốt là gì? Làm sao để chúng ta kể được câu chuyện của mình? Chúng ta kể câu chuyện có thật hay không?
“Tôi là một nhà sử gia và tôi được biết rằng không chỉ có một sự thật duy nhất. Ai cũng có quan điểm riêng, góc nhìn riêng và đưa cái gì mà họ nhìn thấy? Như vậy còn câu hỏi nữa: Ai chúng ta tin hơn? Chúng ta tin các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp làm việc cho các cơ quan báo chí chính thống hay tin những bức ảnh của công chúng trên mạng xã hội mà họ đưa lên hàng ngày”, bà Nienke Trooster đặt câu hỏi.
Đồng thời, Đại sứ Hà Lan cho biết, theo một khảo sát của Reuters về đưa tin tức thì người Hà Lan có niềm tin rất cao vào báo chí chính thống và có góc nhìn mang tính chất phản biện đối với những thông tin trên mạng xã hội. Liệu có sự khác biệt nào không và nó như thế nào?
“Tôi hy vọng rằng, triển lãm báo chí thế giới và cuộc tọa đàm hôm nay cũng như một số hoạt động khác nữa sẽ có tác dụng để hiểu về những câu chuyện mà mọi người quan tâm. Đặc biệt là các phóng viên ảnh xem, bày tỏ các suy nghĩ để làm sao đưa những câu chuyện ấy trở nên thuyết phục hơn, làm sao để có những tác phẩm ảnh báo chí chất lượng hơn”, Đại sứ Hà Lan chia sẻ.
Các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao đổi với diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: Sơn Hải
Tại tọa đàm, trao đổi về những thay đổi của ảnh báo chí từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay, các ý kiến đều thống nhất rằng đã có sự thay đổi lớn trong sự thể hiện của ảnh báo chí. Với sự phát triển của công nghệ, công nghệ ảnh kỹ thuật số (digital) thay thế mạnh mẽ công nghệ ảnh phim truyền thống, ảnh đen trắng chuyển sang ảnh mầu, sự góp mặt của ngày càng nhiều phóng viên ảnh là nữ giới so với trước đây khi nghề này chỉ dành cho nam giới… Đặc biệt, phương tiện truyền thông đăng tải ảnh đã có những thay đổi mạnh mẽ với sự ra đời của internet và mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng xã hội.
Đặc biệt, mỗi bức ảnh là góc nhìn chủ quan của người chụp, do vậy để đảm bảo tính chân thực của những bức ảnh, vấn đề đạo đức nghề báo ảnh đã thu hút được sự quan tâm của các nhà báo tham dự tọa đàm.
Bà Sophie đặt ra vấn đề trao đổi liên quan đến việc sắp đặt trong các bức ảnh báo chí, việc sử dụng công nghệ để chỉnh sửa các bức ảnh, việc cung cấp thông tin giả mạo, những bức ảnh giả mạo trên các phương tiện truyền thông đại chúng…
Theo các đại biểu, tại Việt Nam, vấn đề đạo đức báo chí nói chung và đạo đức trong nghề báo ảnh nói chung luôn được quan tâm và coi trọng. Đây là một trong những vấn đề được các trường đại học trang bị, đào tạo cho sinh viên báo chí, tiếp đến là tại các cơ quan báo chí của Việt Nam…
Tại buổi tọa đàm, bà Sophie đã giới thiệu với các đại biểu, nhà báo, phóng viên một số những bức ảnh đạt giải của cuộc thi Ảnh báo chí Thế giới và chia sẻ những nhận xét, phân tích về các yếu tố xung quanh tạo nên một bức ảnh ấn tượng, được đánh giá cao tại cuộc thi...
Diễn giả, bà Sophie Boshouwers- đại diện của Tổ chức Ảnh Báo chí thế giới đã có những trao đổi rất cởi mở với các nhà báo Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Chúng ta đã có một cuộc tọa đàm, trao đổi hết sức cởi mở, sâu sắc và có tính nghề nghiệp rất cao, chắc chắn đã để lại ấn tượng rất tốt đối với các nhà báo Việt Nam. Bên cạnh đó, những đại biểu đến với cuộc tọa đàm mang theo rất nhiều tâm huyết của nghề nghiệp thì chắc chắn từ cuộc tọa đàm này sẽ góp thêm được những kiến thức và kinh nghiệm hết sức bổ ích trong việc làm nghề của các đồng nghiệp báo chí Việt Nam… Cùng với cuộc triển lãm ảnh đang diễn ra và cuộc tọa đàm ngày hôm nay là hai sự kiện tiếp nối nhau, là những hoạt động rất thiết thực thể hiện tình hữu nghị giữa Hà Lan và Việt Nam, giữa báo chí Việt Nam và tổ chức ảnh báo chí thế giới.
“Một lần nữa thay mặt các đồng nghiệp, thay mặt lãnh đạo HNBVN, tôi trân trọng cảm ơn bà Nienke Trooster- Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, bà Sophie Boshouwers- đại diện cho tổ chức ảnh báo chí thế giới đã mang đến Việt Nam một triển lãm ảnh tuyệt vời, đã mang đến đây những kinh nghiệm rất hay mà các vị đã thể hiện trong cuộc tọa đàm ngày hôm nay. Và tôi nghĩ rằng, đó là những bằng chứng rất là sống động để chúng ta kết nối tình hữu nghị giữa hai đất nước Hà Lan- Việt Nam và tình đồng nghiệp giữa báo chí Việt Nam và tổ chức Ảnh báo chí thế giới. Chúng tôi mong muốn không chỉ sau 15 mà có thể chỉ sau 2-3 năm Tổ chức Ảnh báo chí thế giới lại trở về với Việt Nam và hy vọng có những tác phẩm nhiếp ảnh của chính những phóng viên nhiếp ảnh Việt Nam được Tổ chức Ảnh báo chí thế giới lựa chọn. Nhưng đồng thời cũng mong muốn có những bức ảnh về Việt Nam do chính các phóng viên nước ngoài chụp về Việt Nam. Và hy vọng trong những cuộc triển lãm ảnh sau này của Tổ chức Ảnh báo chí thế giới sẽ có những bức ảnh về Việt Nam được chọn để triển lãm….”, ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới được thành lập từ năm 1955 tại Amsterdam, Vương quốc Hà Lan. Đây là nơi kết nối các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với công chúng thông qua những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ hình ảnh. Đến nay Ảnh Báo chí Thế giới đã trở thành cuộc thi ảnh uy tín nhất thế giới, được bảo trợ bởi Hoàng tử Hà Lan Constantijn với sự đồng hành tài trợ từ Canon và Postcode Loterij Hà Lan. |
Ngọc Lành