Nghịch lý hay “xu thế thời đại”?

Thứ tư, 13/06/2018 09:55 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Làng báo giờ đây dường như chẳng còn mấy xa lạ chuyện nhật báo chạy theo Facebook, các tạp chí bỏ chuyên ngành “xé rào” để kiếm views, độc giả và quảng cáo còn mạng xã hội (MXH) - thứ vốn sinh ra để chuyển tải chia sẻ, trao đổi mang tính cá nhân, lại đã và đang âm thầm vận hành chức năng y chang một tờ báo điện tử. Những nghịch lý ấy, người ta mặc nhiên cho rằng là xu thế thời đại, giữa sự “bùng nổ và thức tỉnh về công nghệ, thông tin” (!?)

Báo chính thống đuối sức

Lượng người dùng Facebook đã đạt tới 3,3 tỷ, là 43% dân số thế giới. Theo thống kê của We Are Social, 58 triệu Facebooker Việt dành tới 3 tiếng/ngày cho Facebook (gấp đôi thời gian xem tivi). Phải chăng Facebook News Feed hấp dẫn hơn và dần thay thế báo chí chính thống?

Từ 5, 7 năm về trước tới nay, đã có hàng trăm, hàng ngàn tọa đàm, tham luận về tác động của MXH với báo chí, chưa một chuyên gia, nhà quản lý nào chứng minh được rằng MXH sẽ thay thế được vai trò của báo chí. Nhưng, sự thụt lùi của báo giấy, báo mạng rất dễ kiểm chứng.

Nhà báo Lê Tuấn Anh (Báo điện tử Dân Việt) đã chia sẻ rằng, từ chỗ chỉ là nơi kết nối, chia sẻ mang tính cá nhân, nay phải thừa nhận MXH như một hình thức báo chí công dân. Và bất ngờ, các nhà báo, tòa soạn bị cuốn theo những dòng tin trên MXH, trong đó có cả những tờ báo lớn.

Đáng nói, khi sử dụng MXH như nguồn tin ban đầu, quy trình thẩm định thông tin, tiếp xúc nhân vật, tiếp cận đơn vị được “bêu tên” thường bị bỏ qua…, rồi báo chí vô tình trở thành công cụ. Hơn thế nữa, sự cẩu thả ấy có đất sống vì còn “đường lùi”, đó là khả năng chỉnh sửa, gỡ bỏ…, nếu sai sót. Yêu cầu đính chính, xin lỗi "bị hại" hiếm khi được thực hiện sòng phẳng.

Về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp thẳng thắn: “Tôi coi nhà báo là đại diện của dân chủ trí tuệ, dân chủ đẳng cấp, dân chủ dẫn dắt... Họ hoàn toàn có thể tham gia môi trường mạng, thậm chí phải tham gia nhiều hơn; nên coi đây là nơi thể hiện tốt nhất trách nhiệm với xã hội, đưa thông tin, định hướng, dẫn dắt thông tin,... nhằm tạo ra xu thế xã hội lành mạnh”.

Nhưng Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm lại lo ngại xu hướng người làm báo tham gia MXH với tư cách công dân, nhưng quên mất mình còn là nhà báo… “Các hành vi, phát ngôn trên MXH ấy có vi phạm 10 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam? Có vi phạm những quy định khác của pháp luật... hay không?”, ông đặt vấn đề.

Cũng theo ông Lâm, một bộ phận người làm báo tham gia MXH thường xuyên vi phạm các quy định và biết mình vi phạm mà vẫn làm. Bởi họ cảm thấy mình có một dạng quyền lực khác. Quyền lực đó, ảnh hưởng đó cũng có thể được quy ra những lợi ích vật chất cụ thể. Nhiều nhà báo coi việc tham gia MXH là hoạt động chính và thậm chí là mang lại thu nhập chính.

 Theo công bố của Bộ TT&TT, cả nước có 849 cơ quan báo chí, tạp chí in, 171 cơ quan báo chí, tạp chí thực hiện loại hình báo chí điện tử… Bên cạnh đó, hiện có khoảng 360 MXH của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép ở đa dạng các lĩnh vực: Văn hóa, giải trí, du lịch, kinh doanh, công nghệ, thể thao…

 

Báo Công luận
 

Tạp chí lạc lối, MXH năng động như báo điện tử

Từ khoảng 2015 tới nay, trong khi báo giấy, báo điện tử bị siết chặt quản lý, thì lại là dịp các Tạp chí điện tử bung nở. Tạp chí điện tử có thể là ấn phẩm điện tử của một Tạp chí chuyên ngành, hoặc đứng độc lập.

Ở thời điểm mà báo giấy, báo điện tử lao đao vì Facebook, Google, thì các Tạp chí điện tử chuyên ngành cũng không ngoài cuộc, một số phải “xé rào” để kiếm views, độc giả và quảng cáo. Từ đó, đã nảy sinh ra chuyện Tạp chí chuyên về showbiz lại săn lùng tin tức cướp, giết, hiếp; Tạp chí tiểu thủ công nghiệp lê ống kính đi tìm sai sót, thiếu sót của các dự án nhà ở, hàng tiêu dùng; Tạp chí về doanh nghiệp, doanh nhân lại thường xoáy vào sai sót của doanh nhân, mà ít thấy giúp họ phản biện chính sách, hay chặn đứng sự o ép của một vài cán bộ hải quan, thuế biến chất, hay kẻ dấu mặt bất lương…(?)

Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã nói thẳng vào những hạn chế của báo chí, rằng: Nhiều báo, Tạp chí điện tử chủ yếu tập trung khai thác phát tán những vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp và cá nhân. Đặc biệt, tình trạng thông tin phản cảm, câu khách về những vụ việc liên quan đến người nổi tiếng hoặc miêu tả hành vi tội ác, vụ án với nhiều chi tiết tỉ mỉ, rùng rợn... vẫn tiếp diễn. Thực tế là nhiều năm qua, các cơ quan quản lý vẫn ra rả phê bình, nhưng chưa có một biện pháp hữu hiệu nào để chấn chỉnh tôn chỉ, mục đích, thậm chí là “động cơ” của một số Tạp chí đang chệch hướng (?!)

Tạp chí điện tử đã phức tạp, thì tình trạng MXH biến tấu từ trang chia sẻ cộng đồng thành loại website na ná báo điện tử đã và đang khiến doanh nghiệp và độc giả “vò đầu bứt tóc”.

Ngày 22/5/2018 vừa qua, tại Hội nghị phổ biến Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng), hiện tượng mạng xã hội lách luật tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin như cơ quan báo chí điện tử đã được nêu ra.

Cụ thể, chính Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do đã "lật tẩy" việc một số trang lách luật, sản xuất tin, bài và đăng tải dưới hình thức các thành viên. Thậm chí, có MXH thiết kế giao diện, phân chuyên mục không khác gì báo điện tử, gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Và điều này, theo nhà chức trách, là hoạt động báo điện tử không phép! Ngoài vấn đề sản xuất tin bài “chui”, Cục cũng đã phát hiện vi phạm trên một số MXH: Thông tin dung tục, phản cảm; Thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân…

Để đối phó với tình trạng này, Nghị định 27/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về đình chỉ, thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử, MXH…, trong đó có nội dung: Đình chỉ giấy phép 3 tháng khi tổ chức, doanh nghiệp vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Các cơ quan quản lý có lẽ sẽ thấu hiểu việc báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn, chịu sức ép rất lớn về lượng độc giả, nguồn thu bởi các MXH nước ngoài; các Tạp chí điện tử chuyên ngành lập ra thường phải tự chủ tài chính, tự lo chi phí từ phòng ốc, trang thiết bị, lương thưởng. Nhưng, dù con đường tự chủ tài chính đi theo hướng nào, thì yêu cầu cao nhất, với tất cả những loại hình truyền thông đang lãnh trọng trách mang thông tin đến cho công chúng, là phải đảm bảo tính chính thống, tính trung thực, tính trách nhiệm và yêu cầu về đạo đức - những đặc trưng và yêu cầu bắt buộc của nghề báo.

Đại tá Trần Trọng Dũng, TBT Báo Công an TP.HCM cho rằng, một tờ báo có đạo đức báo chí thì đầu tiên đòi hỏi TBT phải có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn sâu rộng và sự tử tế. Ông nói:“Nếu TBT cổ súy hay thấy các phóng viên có những biểu hiện vi phạm đạo đức trong quá trình tác nghiệp… mà không kịp thời uốn nắn thì phóng viên có vi phạm sẽ coi là sếp đã “bật đèn xanh” cho làm”.

 

An Nhiên - Kiên Giang

Tin khác

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo
Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

(CLO) Theo quyết định của T.Ư Đoàn, nhà báo Lê Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/5/2024; Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ phụ trách Báo Tiền Phong từ ngày 1/5/2024 cho đến khi kiện toàn chức danh Tổng Biên tập.

Nghề báo
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo