(CLO) Tuyến cao tốc kết nối từ Viêng Chăn đến Hà Nội có thể thông qua 6 cặp cửa khẩu. Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải đã đề xuất nghiên cứu hướng kết nối Viêng Chăn - Hà Nội qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An).
Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu hai phương án kết nối Viêng Chăn - Hà Nội qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An), hoặc cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Dự án được triển khai sẽ mở ra tuyến đường cao tốc kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Viêng Chăn, đồng thời tạo kết nối thuận lợi với Thái Lan và Myanmar.
[caption id="attachment_61732" align="aligncenter" width="640"]
Cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội có thể thông qua 6 cặp cửa khẩu. (Ảnh minh hoạ)[/caption]
Tại cuộc họp về tuyến cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội diễn ra từ ngày 10/11, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) cho biết, dự án cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội dự kiến dài 760 km, có điểm đầu trên quốc lộ 13 thuộc thủ đô Viêng Chăn (Lào), điểm cuối là vành đai 3, thủ đô Hà Nội.
Theo đại diện TEDI, cao tốc kết nối từ Viêng Chăn đến Hà Nội có thể thông qua 6 cặp cửa khẩu. Song để tuyến đường ngắn nhất, cơ quan này đã đề xuất nghiên cứu hướng kết nối Viêng Chăn - Hà Nội qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An).
Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư tuyến cao tốc kết nối với cửa khẩu Thanh Thủy nhằm khai thác tiềm năng của tuyến Vinh - Thanh Thủy.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề nghị TEDI nghiên cứu hai phương án là hướng kết nối Viêng Chăn - Hà Nội qua cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (BolyKhămxay) và qua cặp cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) - Nậm Phao (BolyKhămxay).
Cụ thể, Thứ trưởng Thọ yêu cầu: “Hai phương án trên phải thể hiện được các tiêu chí về hướng tuyến, địa hình, tổng mức đầu tư và kết nối vùng, đồng thời xác định quy mô theo phương án 6 làn xe, chức năng của tuyến đường để kết nối, từ đó phân kỳ đầu tư cho phù hợp, hiệu quả”.
Cùng đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đề nghị TEDI cập nhật đưa vào báo cáo các chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là thỏa thuận kết nối giao thông vận tải giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào.
TEDI cũng được chỉ đạo hoàn chỉnh báo cáo trong tháng 11 để lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam làm việc với Bộ Giao thông Vận tải Lào nhằm triển khai các công việc tiếp theo.
Bảo Ngân (T/h)