Ngược lên miền sơn cước dự hội rằm tháng ba

Thứ năm, 18/04/2019 21:12 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hội rằm tháng ba là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của người dân huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đây cũng là dịp thu hút đông đảo người dân các khu vực lân cận và du khách thập phương ngược lên miền sơn cước tìm hiểu những nét văn hóa, tham dự các hoạt động tín ngưỡng của người Nguồn.

Lễ hội quan trọng của người Nguồn

Người Nguồn là một tên gọi khác của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền Tây Quảng Bình. Người Nguồn bao gồm nhiều tộc người như khùa, mày, rục, sách, kinh… Đây là một cộng đồng người có nền văn hóa phong phú với nhiều nét văn hóa đặc sắc, nổi bật.

Tham gia hội rằm tháng ba Minh Hóa du khách sẽ được hòa chung vào không khí sôi nổi của các hoạt động văn hóa, thể thao, được tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của người Nguồn.

Tham gia hội rằm tháng ba Minh Hóa du khách sẽ được hòa chung vào không khí sôi nổi của các hoạt động văn hóa, thể thao, được tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của người Nguồn.

Người nguồn có giọng nói đặc biệt mà người ngoài vừa nghe đã có thể nhận diện. Bên cạnh đó, cộng đồng này còn được biết đến với những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc, phong cách ẩm thực độc lạ. Trong số đó phải kể đến hội rằm tháng ba, một trong những lễ hội lâu đời, quan trọng bậc nhất của người dân nơi đây.

Hội rằm tháng ba có nguồn gốc gắn liền với câu chuyện cổ, xưa có 2 anh em nhà nọ lên lèn Ông Ngoi ở phía bắc thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa) để tìm mật ong. Lên đến đỉnh, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới bóng cây râm mát có 12 tượng đá giống hình ông Bụt.

Thấy đẹp, người anh đã khiêng một tượng đá mang xuống núi, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi. Kể từ đó, thác Cúi nơi đặt bức tượng đá được gọi là thác Bụt. Và hàng năm, cứ đến rằm tháng ba âm lịch, người dân lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc và tham gia lễ hội chợ rằm.

Từ xa xưa, người dân Minh Hóa đã truyền nhau câu: “Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba”, câu nói phần nào đã khẳng định tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của hội rằm tháng ba đối với người dân địa phương. Đã là người dân huyện Minh Hóa dù làm ăn sinh sống ở xa đến mấy ngày rằm tháng ba cũng sắp xếp về dự lễ bên gia đình, quê hương.

Sinh ra và lớn lên tại xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa anh Quốc Huy hiện đang công tác tại TP. Đồng Hới cho biết, là một người con Minh Hóa từ nhỏ anh đã nghe các cụ thao giảng về tầm quan trọng của lễ hội rằm tháng ba, đến lớn dù đi công tác ở xa nhưng chưa năm nào anh vắng mặt vào dịp lễ quan trọng này.

“Tôi năm nay 25 tuổi cũng chừng ấy lần tôi được dự hội rằm tháng ba. Anh em nhà tôi cũng thế mỗi người một công việc song gần tới ngày này ai cũng sắp xếp việc gia đình, cơ quan để về tham dự. Năm nay tôi còn còn dẫn một số anh em đồng nghiệp cùng về, đây cũng là dịp để mọi người hiểu hơn về truyền thống văn hóa, tình cảm của người dân miền sơn cước chúng tôi”, anh Huy chia sẽ.

Linh thiêng lễ dâng hương thác Bụt

Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa năm nay với chủ đề “Ân tình Minh Hóa quê tôi”, diễn ra từ ngày 10/3 đến 15/3 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức song song.

Cán bộ, người dân và du khách thập phương trang trọng trong lễ dâng hương thác Bụt, nơi bắt đầu của hội rằm tháng ba.

Cán bộ, người dân và du khách thập phương trang trọng trong lễ dâng hương thác Bụt, nơi bắt đầu của hội rằm tháng ba.

Một trong những hoạt động quan trọng nhất là lễ dâng hương thác Bụt, nơi bắt đầu của hội rằm tháng ba. Theo đó, từ sớm tinh mơ ngày 14/3 âm lịch, khi những tia nắng mùa hạ vừa hé qua sườn núi các lãnh đạo chính quyền sở tại, đại diện các bản làng cùng người dân địa phương và du khách thập phương lại cùng nhau đến thác Bụt để dâng hương.

Trong không khí trang nghiêm và linh thiêng giữa miền sơn cước mọi người lần lượt kính cẩn dâng hương lên Bụt, từ nhà thờ chính đến đền thờ phụ rồi ra dòng suối Bụt gần đó gột rửa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, tình hình an ninh trật tự ổn định, mong thần linh phù hộ, bảo vệ cho cho mọi người.

Sau đó, mọi người sẽ đổ về trung tâm Thị Trấn Quy Đạt để tham gia phiên chợ rằm duy nhất trong năm của người Nguồn diễn ra vào ngày 15/3. Phiên chợ chủ yếu bày bán các sản vật của địa phương và các món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...

Đêm trước khi diễn ra phiên chợ, là thời điểm các chàng trai cô gái bản địa đắm mình dưới ánh trăng rằm, đê mê trong men rượu đoác cùng nhau múa hát giao duyên suốt đêm. Nhiều cặp trai gái sau đó đã nên vợ nên chồng, cũng vì thế mà chợ rằm tháng ba còn được gọi là phiên chợ tình.

Đến với Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa người dân và du khách còn được hòa vào không khí sôi nổi giải bóng chuyền nam, nữ thường niên; các trò chơi truyền thống như ném xoang, bắn nỏ, đẩy gậy, cờ thẻ.

Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, trải qua nhiều lần tổ chức hội rằm tháng ba năm nay được huyện tổ chức quy mô hơn những năm trước. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực năm nay còn tổ chức hội chợ thương mại trưng bày các sản phẩm truyền thống địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Minh Hóa đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

“Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và hội rằm tháng ba Minh Hóa năm nay ban tổ chức đã phối hợp với các công ty du lịch trong tỉnh quảng bá du lịch, văn hóa một cách rộng rãi, phát huy những tiềm năng du lịch đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, năm nay hội rằm tháng ba cũng vinh dự được đón tiếp các đoàn đại biểu của tỉnh Khăm Muộn (Lào) tham dự, giao lưu”, ông Đinh Văn Lĩnh cho biết thêm.

Trải qua thăng trầm của thời gian, hội rằm tháng ba Minh Hóa đã có những đổi thay nhưng những giá trị cốt lỗi, tốt đẹp của con người nơi đây vẫn được gìn giữ, phát huy.

Việt Dũng  - Quốc Anh

Tin khác

Chiêm ngưỡng hàng sao đen trăm tuổi ở phố Lò Đúc (Hà Nội)

Chiêm ngưỡng hàng sao đen trăm tuổi ở phố Lò Đúc (Hà Nội)

(CLO) Những cây sao đen trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được trồng từ thời Pháp có tuổi đời khoảng 120 năm mang nhiều giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen quý hiếm, gắn bó từ rất lâu với người dân Thủ đô.

Đời sống văn hóa
Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

(CLO) Cánh rừng sơn tra ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang đua nhau bung nở rực sáng khắp các bản làng. Từ thung lũng đến triền núi đều được bao phủ một lớp màu trắng muốt như điểm tô thêm bức tranh đa sắc màu của miền núi rừng Tây Bắc.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

(CLO) Tối 28/3, tại Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng), UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ qua Chương trình biểu diễn dân gian Holi.

Đời sống văn hóa
Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

(CLO) Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng diễn ra tại chùa Quán Thế Âm trong 4 ngày từ 26 đến 29/3.

Đời sống văn hóa
Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

(CLO) Tối 28/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2024”.

Đời sống văn hóa