(NB&CL) Nhà báo Đức Tám từng nhiều năm đảm nhận nhiệm vụ PV ảnh chuyên trách của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hiện anh đã “lui” về làm công tác quản lý, biên tập tại Ban Biên tập ảnh- TTXVN. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, anh chia sẻ về nghề, về công việc của mình. Không chấp nhận lý do “máy hỏng” + Sau gần 20 năm làm PV ảnh, nay anh đã lui về với công tác quản lý, biên tập. Công việc mới của anh ra sao, có “khó khăn” lắm không? - Khó khăn thì không nhưng lúc đầu cũng bí chân, không được bay nhảy. Trước đây, hồi còn làm PV mình đi suốt, có thể nói hơn 200 trên tổng số 365 ngày trong năm là đi và đi nên hồi mới về cũng thấy khó chịu, nhớ cảm giác được chạy. Nhưng sau rồi cũng dần quen. [caption id="attachment_169268" align="alignnone" width="640"]

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa Gs. Ngô Bảo Châu. Ảnh Đức Tám- TTXVN (Ảnh đoạt giải A khoảnh khắc vàng lần thứ 2)[/caption] Trước đây mình làm PV thì gửi ảnh về để anh em chọn lọc, biên tập sau đó phát lên mạng, thì nay mình thay thế đúng vào vị trí đó. Ngoài ra, mình còn tham gia quản lý PV, nhận sự chỉ đạo từ Ban Biên tập ảnh rồi điều phối anh em đi làm theo định hướng của cấp trên, đồng thời Phòng ảnh Thời sự cũng phải cập nhật các sự kiện để phân công công việc cho từng PV. Công việc tưởng đơn giản nhưng thực ra áp lực cũng tương đối lớn bởi có khi trong một ngày diễn ra tới hơn 100 sự kiện, phòng ảnh thời sự phải đảm bảo các sự kiện quan trọng đều có hình ảnh, rồi các ngày lễ, các hoạt động lớn của đất nước… PV của phòng cũng phải có mặt để tác nghiệp. Với 11 PV, việc đảm bảo những yêu cầu trên cũng khá là vất vả. Nhưng ngược lại mình cũng rất tự hào vì PV của Phòng ảnh Thời sự đều rất “thiện chiến”, đã được cử đi thì bắt buộc phải có ảnh gửi về. Phòng Thời sự chúng tôi không chấp nhận các lý do “hôm nay máy hỏng”, “không vào được” hay những kiểu đại loại như thế.
+ Ồ, vậy PV phải có bí quyết gì chứ? - Cũng chẳng có bí quyết gì đâu. Nếu có vướng mắc, PV của chúng tôi sẽ đến gặp Ban tổ chức hoặc bộ phận an ninh, giới thiệu là PV của TTXVN và trình bày rõ rằng sự kiện này TTXVN cần có ảnh. Vậy là họ cho vào thôi. Tuy nhiên, khi vào chụp ảnh, PV luôn “đọc” được sự kiện, phán đoán được tình huống sẽ diễn ra. Là phóng viên thời sự phải luôn “biết người biết ta”, tác nghiệp nhanh gọn và làm sao ít ảnh hưởng đến người khác nhất. Đó cũng là tác phong làm việc chuyên nghiệp. Hơn nữa, hiện nay PV ảnh của TTXVN đã được trang bị tốt, một bộ đồ nghề của PV thường phải cỡ vài ba trăm triệu đồng nên khó có thể nói máy móc có vấn đề được.
Từng tranh cãi căng thẳng về 1 bức ảnh + Có người nhận xét rằng, những người có kinh nghiệm về ảnh thường áp đặt cái tôi của mình lên ảnh của người khác. Là người có thâm niên chụp ảnh, khi về biên tập, anh có “áp đặt” đối với các PV trẻ? Và nếu có thì sự “áp đặt” đó liệu có làm thui chột đi sự sáng tạo cũng như phong cách riêng của từng người chụp? - Nói “áp đặt” thì hơi nặng nề nhưng ở phòng ảnh Thời sự cũng thường có sự tranh luận về nghiệp vụ và trong những cuộc tranh luận đó mình cũng thường có ý kiến khá quyết liệt. Chẳng hạn, trong ngày PV gửi về 10- 15 ảnh, mình sẽ xem và loại ngay những ảnh mất nét hoặc có những lỗi về kỹ thuật, sau đó là những ảnh trùng lặp rồi mới xét đến nội dung ảnh, bố cục, ánh sáng... Nếu PV cảm thấy việc loại ảnh của mình là chưa đúng, chưa hợp lý thì có quyền kiến nghị vào sáng hôm sau và khi đó người biên tập phải hồi âm, giải thích và Trưởng ban là người quyết định cuối cùng. Ở TTXVN cứ 6 tháng lại có một kỳ thi ảnh tốt, ảnh được bình chọn theo thứ hạng A, B, C để tiến cử đi thi các giải. Những bức ảnh này được xem xét kỹ lưỡng ở nhiều góc độ, thế nên việc có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện hết sức bình thường, thậm chí đã từng có bức ảnh phải tranh luận căng thẳng mới xong. [caption id="attachment_169269" align="aligncenter" width="640"]

Nhà báo Đức Tám.[/caption] Đối với PV trẻ mà nhất là lại chụp ảnh thời sự thì việc quan tâm đến từng chi tiết nhỏ phải được coi là chuyện đương nhiên cần thiết. Chẳng hạn, bức ảnh chụp hai vị nguyên thủ bắt tay nhau thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị thì không thể có chi tiết bàn tay nắm hờ hững, mà bức ảnh đó phải thể hiện được hai bàn tay nắm chặt. Bố cục, đường nét trong bức ảnh cũng phải chắc chắn, không nghiêng lệch; ánh sáng phải cân đối, hài hòa; phải chú ý từ ánh mắt, đầu tóc, nét mặt các nhân vật trong ảnh… PV phải tuyệt đối không được để “phạm quy” đối với những yêu cầu cơ bản đó, rồi thì sau đó được quyền thỏa sức sáng tạo. Tôi không chấp nhận chuyện PV chụp một bức ảnh lộn xộn, không cân bằng và có những chi tiết “thừa” trong khuôn hình, không có ý đồ rồi bắt mình phải chọn với lý do “sáng tạo” hay “bố cục mới”. Nói tóm lại, người chọn ảnh, dù là Đức Tám hay ai, cũng phải giải thích được ảnh, nói rõ lý do tại sao lại loại ảnh đó ra mà cả người chụp, người nghe đều thấy có lý và quan trọng hơn, để người chụp lần sau có thêm kinh nghiệm khi bấm máy.
+ Trong những cuộc tranh luận và “đọc ảnh” đó, ý kiến của anh có được nhiều người ủng hộ? - Sau mỗi lần bình chọn như vậy đều có lấy biểu quyết. Thường thì anh em thấy ý kiến của mình có lý, nên ngay cả PV có ảnh bị loại cũng tâm phục, khẩu phục. Tuy nhiên, mình nhấn mạnh rằng, việc chọn ảnh là rất khó, người biên tập ảnh cũng giống như người chấm thi hoa hậu, khó có thể rạch ròi được. Vì vậy, việc loại bỏ ảnh luôn phải được cân nhắc rất kỹ, nó đòi hỏi người chọn ảnh phải có hiểu biết sâu sắc về sự kiện mà bức ảnh phản ánh.
PV “ba trong một” + Hiện nay ở nhiều tòa soạn vẫn đang có xu hướng chưa coi trọng sử dụng ảnh như một tác phẩm báo chí độc lập mà thường sử dụng ảnh để “minh họa”. Anh có chia sẻ gì về điều này? - Có những ảnh đủ làm riêng một tin nhưng cũng có những ảnh phải gắn với bài viết, trước hết đó là do chủ ý của PV. Bởi nếu PV đi làm tin, làm bài thì họ quan tâm trước hết đến phần tin bài, việc đầu tư cho ảnh chưa được coi trọng ngay trong tư duy của họ nên việc sử dụng ảnh để “minh họa” là điều tất yếu. Mặt khác, cũng khó có thể đòi hỏi PV làm tốt được cả mấy công việc này. Như ở TTXVN, PV hiện nay là “ba trong một”, vừa viết bài, vừa chụp ảnh, vừa quay phim. Thế nên, ngày xưa ảnh của TTXVN rất “nuột” nhưng nay có những tấm ảnh mà chúng tôi chọn phát cũng không quá khắt khe như trước nữa. Đối với PV chuyên trách về ảnh, dù đã nhiều năm trong nghề, nhưng đến giờ tôi vẫn thấy việc làm ảnh tin, nhất là tin thời sự để nổi bật, để đứng riêng được là rất khó. Ví dụ, muốn đưa thông tin đến bạn đọc về tình hữu nghị Việt Nam- Cu ba thì chụp ảnh thế nào đây? Hoặc thể hiện tình cảm của một vị lãnh đạo đối với đồng bào các dân tộc thì phải chọn góc máy thế nào? Vì khó chọn, khó làm nên nhiều tòa soạn đã dùng phương án nhóm ảnh, phóng sự ảnh để nói lên một sự kiện thay vì chỉ dùng một ảnh duy nhất. Nhưng nếu có một bức ảnh đứng độc lập thì đòi hỏi bức ảnh phải có giá trị về nhiều mặt và chắc chắn người biên tập chẳng ngại gì mà không sử dụng ảnh đó như một tác phẩm độc lập.
+ Hiện nay loại thiết bị chỉ việc “đưa lên và bấm” ngày càng phổ biến, theo anh đây có phải là nguyên nhân khiến người chụp ảnh trở nên dễ dãi và không có tác phẩm tốt? - Thiết bị luôn luôn là quan trọng bởi thiết bị càng hiện đại thì việc bỏ lỡ những thời cơ “vàng” càng ít đi. Điều này vô cùng ý nghĩa bởi nhiếp ảnh là bắt được những khoảnh khắc vàng. Nhưng dù thiết bị hiện đại đến đâu, nhiếp ảnh vẫn cần bố cục, ánh sáng, cần sự hợp lý hài hòa và sự đa dạng về phong cách. Chính sự bùng nổ của các thiết bị chụp ảnh số hiện nay đã làm nên sự phong phú, đa dạng của nhiếp ảnh. Để có một tấm ảnh tốt, thường người chụp phải đầu tư trí tuệ, phải có tính kiên nhẫn để chờ đợi nhưng cũng cần cả sự may mắn nữa. Theo tôi, cái thiếu để cho PV hiện nay có những bức ảnh gây tiếng vang đó là ít có những sự kiện nổi bật để PV hòa mình vào đó tác nghiệp, thay vào đó, hiện nay PV vẫn chỉ chụp những sự kiện diễn ra thường ngày. Nếu có những sự kiện như vậy, tôi tin PV của ta sẽ có nhiều tác phẩm tốt.
+ Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này! T.Toàn (Thực hiện)