Việt Nam hiện Bộ Y tế đã soạn thảo dự thảo Luật chuyển đổi giới tính… Trước đó, điều 37 Bộ Luật dân sự 2015 của Việt Nam cũng đã chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính… dù hiện tại, vẫn chưa có hành lang pháp lý để thực thi Luật chuyển đổi giới tính. Song Việt Nam và những người soạn thảo Luật có thể tự tin thực hiện các bước đi đầu tiên của mình.
Bị bắt nạt, lạm dụng lời nói, từ chối chăm sóc sức khoẻ…
+ Bà có nhận xét chung như thế nào về người chuyển giới?
Người chuyển giới ở mọi nơi trên thế giới đều có nguy cơ cao bị bạo lực, quấy rối và phân biệt đối xử. Vi phạm nhân quyền bao gồm từ bắt nạt và lạm dụng bằng lời nói, cho tới từ chối chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công việc, nhà ở, cho tới hình sự hóa, bắt bớ và giam giữ tùy tiện, bạo lực, tấn công, tra tấn, cưỡng hiếp và giết hại.
Nguy cơ phải đối mặt với những vi phạm này cũng như với các hành vi lạm dụng khác có thể gia tăng do các yếu tố khác như tuổi tác, sắc tộc, nghề nghiệp, tầng lớp kinh tế xã hội và tình trạng khuyết tật.
Khi trẻ em là người chuyển giới không thể tới trường một cách an toàn dưới tên gọi và bản dạng giới mình mong muốn, học bạ, đồng phục, đội thể thao và các cơ sở vật chất thường xuyên không đáp ứng được một cách thỏa đáng nhu cầu của các em.
Thiếu giáo dục, thiếu hòa nhập xã hội và kỳ thị ngăn cản những người chuyển giới trưởng thành để tìm kiếm/duy trì công việc, gây ra tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao. Từ đó, người chuyển giới có thể phải đối diện với sự lề hóa và nghèo đói.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện văn phòng UN Women tại VN
+ Còn với người chuyển giới tại Việt Nam cũng như các vấn đề đang gặp phải hiện nay, bà có góc nhìn như thế nào?
Tại Việt Nam, chỉ có một số ít các nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu tình hình về người chuyển giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ ra rằng người chuyển giới đối mặt với sự phân biệt đối xử và kỳ thị rất lớn:
+ 86,7% chuyển giới nam và 75% chuyển giới nữ bị buộc phải thay đổi ngoại hình, 47,3% chuyển giới nam và 60,7% chuyển giới nữ bị bắt nạt tại trường học, 65,8% chuyển giới nam và 68,8% chuyển giới nữ nghe hoặc chứng kiến các nhận xét tiêu cực từ đồng nghiệp (nghiên cứ của iSEE năm 2016)
+ 85,9% người chuyển giới có trải nghiệm áp lực từ bên ngoài để thay đổi ngoại hình, cử chỉ; Một trong ba chuyển giới nữ (33,3 %) bị từ chối cho thuê nhà và buộc phải rời đi trong thời hạn thuê (nghiên cứ của iSEE năm 2016)
Bên cạnh đó còn có các mối quan ngại lớn về vấn đề sức khỏe. Việc bị xã hội chối bỏ và lề hóa do biểu lộ bản dạng giới của mình có thể dẫn tới trầm cảm, lo lắng, sử dụng ma túy và rượu, tự hại và tự tử.
Tuy nhiên, các dịch vụ y tế nói chung lại không đáp ứng được nhu cầu của người chuyển giới do không dễ để phân loại những nhu cầu này vào nhóm tình trạng sức khỏe nữ giới hay nam giới. Một khảo sát cũng cho thấy chỉ 46% người chuyển giới nữ có bảo hiểm y tế (Nghiên cứu Healthy Market của USAID/PATH năm 2016).
Do thiếu các dịch vụ chuyển giới an toàn và hợp pháp tại Việt Nam, những người tìm kiếm dịch vụ này phải ra nước ngoài hoặc trải qua các quy trình không an toàn. Họ cũng gặp phải khó khăn trong việc điều trị các biến chứng mà có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Hơn nữa, mặc dù dữ liệu về nguy cơ HIV ở người chuyển giới nữ và nam còn hạn chế, nghiên cứu qua tài liệu của 15 quốc gia cho thấy nguy cơ lây nhiễm HIV ở người chuyển giới nữ cao hơn 49 lần so với tất cả người trưởng thành trong độ tuổi sinh đẻ.
Nghiên cứu của CARMAH năm 2015 với 205 người chuyển giới nữ tại TP. HCM cho thấy 18% có HIV+ và giang mai và 42% cho biết có mức độ trầm cảm nặng.
Cộng đồng người chuyển giới VN
+ Như bà đã biết, dự thảo Luật chuyển đổi giới tính hiện đang được Bộ Y tế chủ trì biên soạn, bà có góp ý/khuyến nghị gì đối với Bộ Y tế?
Theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, mọi người đều có quyền được công nhận trước pháp luật. Liên Hợp Quốc đã xác nhận quyền của người chuyển giới để được công nhận pháp lý với bản dạng giới của mình và thay đổi giới tính trong các giấy tờ chính thức, bao gồm giấy khai sinh, mà không phải chịu các yêu cầu phiền hà và ngược đãi.
Người chuyển giới tại Việt Nam chưa có được các giấy tờ nhận dạng chính thức phản ánh bản dạng giới của mình. Thiếu thừa nhận giới tính làm gia tăng loại trừ xã hội rộng khắp, kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực.
Do vậy, nhu cầu thiết lập quy trình xác định, chuyển đổi giới tính là rất cấp bách và các nỗ lực của Bộ Y tế được hoan nghênh mạnh mẽ.
Tuy nhiên, có một số quan ngại liên quan tới vấn đề nhân quyền trong dự thảo luật hiện nay. Ví dụ, đề xuất hiện tại áp đặt rất nhiều yêu cầu đối với những người mong muốn thay đổi giới tính ban đầu của mình, bao gồm phải trải qua chẩn đoán y khoa và các quy trình chuyển đổi giới tính, cũng như phải là người độc thân và trên 18 tuổi.
Những điều kiện tiên quyết này có thể dẫn tới việc người chuyển giới bị buộc phải từ bỏ một hoặc một số quyền con người để có được một quyền khác như toàn vẹn thể chất, gia đình hay chẩn đoán sức khỏe tâm thần.
Đồng thời, các quy trình y tế theo yêu cầu của pháp luật có thể không thể tiếp cận được hoặc quá đắt đỏ cho một số người chuyển giới tại Việt Nam.
Các tiêu chuẩn quốc tế kêu gọi quy trình hành chính đơn giản dựa trên sự tự nhận diện mà không có những yêu cầu mang tính ngược đãi để thay đổi giới tính ban đầu của một người.
Tôi hy vọng rằng quá trình xây dựng luật sẽ xem xét các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và các thực hành tốt từ các quốc gia khác.
Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 Hương Giang gửi thư ngỏ lên Bộ Y tế và Quốc hội
+ Vậy, theo bà cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam cần làm gì để vận động cho quyền của họ?
Điều quan trọng nhất là những người chuyển giới chịu ảnh hưởng nhất bởi luật chuyển giới được tham vấn trong quá trình xây dựng luật và có thể tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Sự tham gia một cách có ý nghĩa đòi hỏi mọi người có thể lên tiếng ý kiến của mình.
Để làm được điều đó, một người cần có phương tiện để đưa ra quan điểm – nói cách khác, họ cần được cung cấp thông tin đầy đủ. UN Women cùng với các tổ chức LHQ khác sẽ hỗ trợ cộng đồng vì sự tham gia tích cực và có ý nghĩa nhằm hướng tới việc Luật chuyển giới phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế được thông qua.
Linh Linh (Thực hiện)