Người Dao Tiền ở Hoài Khao

Thứ sáu, 20/01/2023 17:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong chuyến công tác tìm hiểu, khám phá văn hóa và con người tỉnh Cao Bằng, tôi có dịp đi qua nhiều vùng đất tuyệt đẹp ở cực Đông Bắc của Tổ quốc, trải từ huyện Trùng Khánh, đến Bảo Lạc rồi qua Nguyên Bình.

Mỗi nơi, mỗi bản làng đều để lại trong tôi những xúc cảm khó tả. Có nhiều câu chuyện về lịch sử, văn hóa vô cùng thú vị, hấp dẫn… như sự tích về xóm cổ Hoài Khao của người Dao Tiền ở xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình.

Hoài Khao, vẻ đẹp thuần khiết

Từ thành phố Cao Bằng để đến được Hoài Khao, chúng tôi phải trải qua một chặng đường núi dài hun hút, gập ghềnh toàn dốc với cua. Sau vài tiếng đồng hồ xe hết chồm lên cao vút, rồi lại lao xuống sâu thăm thẳm, chúng tôi cuối cùng cũng tới Hoài Khao, một xóm cổ của người dân tộc Dao Tiền, nằm nép mình bên một thung lũng bạt ngàn cây rừng thuộc Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén. Chặng đường đi vất vả nhưng bước chân xuống xe, không còn ai thấy mệt mỏi khi trước mắt là một khung cảnh nguyên sơ, đẹp đến lạ.

nguoi dao tien o hoai khao hinh 1

Nhà gỗ lợp ngói đỏ âm dương của người Dao Tiền. Ảnh: Đỗ Hùng

Chúng tôi đến Hoài Khao lúc hoàng hôn vừa buông xuống. Những tia nắng còn sót lại trong ngày dần tắt sau rặng núi phía xa vẫn kịp chiếu rọi vào những đụn mây bảng lảng ven cánh rừng trước mặt, khiến chúng như những dải lụa được nhuộm đỏ rực, tạo ra cảnh sắc vô cùng độc đáo. Trong không gian yên bình của núi rừng, tiếng Hạnh - một nhân viên của Phòng Văn hóa huyện Nguyên Bình làm nhiệm vụ hướng dẫn cho đoàn, cứ lảnh lót như rót từng lời rành rọt chuyện về Hoài Khao và người Dao Tiền.

“Hoài Khao là cách đọc chệch của từ Vài Khao, trong tiếng Dao có nghĩa là Trâu trắng. Tên gọi này có nguồn gốc từ câu chuyện truyền thuyết về con Trâu trắng được một bà tiên ban tặng… còn tên gọi Dao Tiền xuất phát từ việc ở cổ áo (phía sau) có đính chín đồng tiền bạc, tượng trưng cho vía của thần Ðế Mẫu, vị thần đã có công che chở, nâng đỡ cho người Dao Tiền từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ cho đến khi người Dao Tiền trở về với tổ tiên…”, Hạnh vừa đi vừa kể về Hoài Khao khi dẫn chúng tôi vào bản của người Dao Tiền.

Hạnh cũng cho biết, Hoài Khao mới có điện từ đầu năm 2022 và con đường bê tông đủ rộng cho xe 16 chỗ cũng chỉ được đưa vào sử dụng khoảng hai năm trước. Sóng điện thoại rất yếu, gần như không có. Cuộc sống ở đây chỉ có sự thuần khiết của thiên nhiên mà chưa hề bị pha trộn với bất cứ một thứ tạp chất nào của cuộc sống hiện đại, của sự ồn ào, xô bồ nơi phố thị.

nguoi dao tien o hoai khao hinh 2

Phụ nữ Dao Tiền xúng xính trong trang phục truyền thống chuẩn bị đi chợ phiên. Ảnh: Đỗ Hùng

Độc đáo nghề thêu, in hoa văn sắp ong của người Dao Tiền

Xóm cổ Hoài Khao là nơi sinh sống của 34 hộ dân tộc người Dao Tiền. Ở đây, người dân vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa đậm đặc. Nhà của người Dao Tiền là kiểu nhà trệt, nền đất, vách gỗ và được lợp bằng ngói âm dương, thường có 3 hoặc 5 gian. Mỗi gia đình đều có một kho thóc làm bằng gỗ tách biệt với nhà chính. Kho thóc của người Dao Tiền là một nét văn hóa riêng biệt so với những dân tộc khác. Xưa kia, nhà của người Dao Tiền làm bằng gỗ và lợp bằng mái gianh nên dễ xảy ra hỏa hoạn, vì vậy người dân không để thóc trong nhà mà làm một kho thóc nhỏ bên cạnh ngôi nhà, để đề phòng nếu có cháy nhà, thì kho thóc vẫn còn và họ vẫn có thóc gạo để ăn.

Hạnh kể, theo phong tục truyền thống, con gái Dao Tiền trước khi đi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để làm trang phục cho mình và người thân trong gia đình. Bởi vậy, ngay từ lúc nhỏ, các cô gái đã được các bà, các mẹ truyền dạy cách nhuộm vải, khâu vá, thêu thùa. Từ đôi bàn tay khéo léo, người phụ nữ dùng sáp ong vẽ lên mặt vải những họa tiết hình học, cỏ cây, hoa lá, chim, thú thể hiện sự sáng tạo, tỉ mỉ trước khi nhuộm chàm.

Việc sử dụng sáp ong để in hoa văn trên vải chàm của người phụ nữ Dao Tiền là truyền thống văn hóa độc đáo ở nơi đây. Dụng cụ để in hoa văn bao gồm 1 tấm đá phẳng và nanh lợn dùng để mài vải cho nhẵn và mịn. Tùy theo các mẫu hoa văn đã định sẵn, người ta sẽ dùng các ống tre hoặc que hình tam giác với kích thước khác nhau chấm vào sáp ong sau đó chấm lên vải để tạo hoa văn theo ý muốn. Việc in ấn được làm liên tục khi nào hết khổ vải mới thôi. Trong quá trình chấm sáp ong, sáp ong được đun bằng than để có độ loãng vừa phải, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt. Sau khi sáp ong khô, vải sẽ được đem đi nhuộm, mỗi ngày khoảng 2 lần, mỗi lần ngâm khoảng 30 phút sau đó đem phơi nắng. Cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi có được màu vải ưng ý. Để nhuộm hoàn chỉnh một tấm vải cần khoảng 25 ngày để hoàn thành. Sau khi nhuộm xong, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong gặp nóng sẽ tan ra và các hoa văn sẽ hiện lên trên nền tấm vải.

nguoi dao tien o hoai khao hinh 3

Một ngôi nhà truyền thống của người Dao Tiền với một nhà kho được làm tách biệt với nhà chính. Ảnh: Đỗ Hùng

Ngoài việc in hoa văn sáp ong, vào những lúc rảnh rỗi hay nông nhàn, người phụ nữ Dao Tiền nơi đây thường ngồi thêu các họa tiết hoa văn trang trí cho tấm vải của mình. Một điểm đặc trưng trong cách thêu của người Dao Tiền là khi thêu họ sẽ đếm cẩn thận số lượng các sợi vải và thêu luồn chỉ theo mắt sợi vải, do đó các hoa văn được thêu rất chính xác. Thêu ở mặt trái nhưng các họa tiết lại nổi lên ở mặt phải của tấm vải.

Hoa văn trên các sản phẩm thêu thổ cẩm của người Dao Tiền rất đa dạng, với ý nghĩa khác nhau thể hiện đời sống văn hóa và tín ngưỡng phong phú của người Dao Tiền. Như hoa văn hình ngôi sao 8 cánh tượng trưng cho 4 phương, 8 hướng thể hiện sức mạnh của vũ trụ; họa tiết cây cỏ, hoa lá, con vật… thể hiện cuộc sống gắn với thiên nhiên.

Trang phục của người Dao Tiền không sặc sỡ như các dân tộc khác, nhưng lại vô cùng cuốn hút và ẩn chứa sâu bên trong là cả một kho tàng văn hóa lâu đời, là sự biết ơn đối với lịch sử và nguồn cội.

Trang sức bằng bạc trên người phụ nữ Dao Tiền

Cùng với nghề thêu, in hoa văn sáp ong, người Dao Tiền còn nổi tiếng với nghề chạm khắc bạc. Theo quan niệm của người Dao Tiền, bạc tượng trưng cho ánh sáng, đeo bạc không chỉ làm đẹp trên trang phục của mình mà còn thể hiện sự giàu sang của mỗi gia đình và là nét văn hóa trong đời sống tâm linh của người Dao tiền. Một bộ trang sức hoàn chỉnh của người Dao Tiền gồm có vòng cổ, vòng tay, vòng tai, khuy áo, nhẫn, xà tích, trong đó điểm nhấn trên trang phục chính là bộ vòng cổ. Đây là đồ trang sức có giá trị nhất, với nhiều kích thước to nhỏ khác nhau.

nguoi dao tien o hoai khao hinh 4

Phụ nữ Dao Tiền nấu sáp ong Khoái để in hoa văn lên áo chàm - Ảnh: Đỗ Hùng

Phụ nữ Dao Tiền thường đính hai bên nẹp áo trước ngực 10 nửa đồng bạc trắng, bán kính mỗi đồng bạc khoảng 2,5cm, trạm trổ công phu, giữa có hình sao tám cánh. Khi cài cúc áo thì hai hình bán nguyệt của đồng bạc đính ở hai nẹp thân áo ngoắc vào nhau thành hình tròn của đồng bạc. Đặc biệt, mỗi cô gái khi về nhà chồng, ngoài váy, áo tự làm, còn có của hồi môn là những đồ trang sức bằng bạc do cha mẹ chồng tặng. Mỗi bộ phải chế tác trong khoảng 1 tháng. Những đồ trang sức này sẽ được giữ lại như bảo vật của gia đình, dòng họ và sẽ trao truyền cho con cháu sau này. Việc phân biệt người phụ nữ Dao Tiền có chồng hay chưa cũng có thể nhận biết qua số vòng trên cổ (người đeo nhiều vòng chứng tỏ đã có chồng).

Phụ nữ Dao Tiền thường đeo bộ dây xà tích, một bên cài vào thắt lưng, một bên để trễ xuống bên hông. Bộ xà tích nổi bật, duyên dáng trên nền áo chàm của người phụ nữ, làm cho mỗi bước đi phát ra âm thanh vui tai. Đây chính là một trong những nét tạo nên bản sắc dân tộc, nét riêng trong thẩm mỹ của người Dao Tiền.

Trời về khuya, trong ánh lửa bập bùng, làn điệu Páo dung da diết cùng men rượu lá thơm nồng, các thành viên trong đoàn chúng tôi ai nấy đều ngất ngây theo tiếng nhạc, điệu múa nhịp nhàng, duyên dáng của người Dao Tiền. Hoài Khao yên bình, xinh đẹp đang chuyển mình. Nghị quyết phát triển du lịch cộng đồng của huyện ủy Nguyên Bình giúp xóm cổ này ngày được biết đến nhiều hơn và người dân nơi đây cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập. “Người Dao Tiền ở đây giờ vui vẻ và hạnh phúc lắm. Làm du lịch không chỉ giúp có thêm việc làm, mà sự góp mặt của những vị khách làm người dân ý thức hơn trong việc gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, giới thiệu cảnh đẹp ở Nguyên Bình”, Hạnh trò chuyện.

Hoài Đức

Bình Luận

Tin khác

Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Dao tại Hoà Bình, Bắc Kạn

Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Dao tại Hoà Bình, Bắc Kạn

(CLO) Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể của dân tộc Dao tại hai tỉnh Hoà Bình, Bắc Kạn.

Đời sống văn hóa
Trả gấu trúc về nơi tặng vì chi phí nuôi quá tốn kém

Trả gấu trúc về nơi tặng vì chi phí nuôi quá tốn kém

(CLO) Một vườn thú ở Phần Lan thông báo sẽ trả 2 con gấu trúc “sứ giả ngoại giao” do không đảm bảo được chi phí nuôi dưỡng.

Đời sống văn hóa
Lai Châu tổ chức Liên hoan hát then - đàn tính và xòe Thái lần thứ VI

Lai Châu tổ chức Liên hoan hát then - đàn tính và xòe Thái lần thứ VI

(CLO) Liên hoan hát then - đàn tính và Nghệ thuật xòe Thái tỉnh Lai Châu năm 2024 có sự tham gia 125 nghệ nhân, diễn viên, hạt nhân văn nghệ quần chúng.

Đời sống văn hóa
Tăng cường quản lý quảng cáo trên môi trường mạng

Tăng cường quản lý quảng cáo trên môi trường mạng

(CLO) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo nhằm bổ sung quy định về quảng cáo trên mạng, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh đang diễn ra khá sôi động trên môi trường mạng hiện nay.

Đời sống văn hóa
Biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai được bảo tồn bằng cách nào?

Biệt thự cổ 100 tuổi ở Đồng Nai được bảo tồn bằng cách nào?

(CLO) Sau khi Tỉnh ủy Đồng Nai có chủ trương giữ lại biệt thự cổ 100 tuổi bên sông Đồng Nai, Sở Xây dựng tỉnh này đã đề xuất các phương án bảo tồn căn biệt thự để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc.

Đời sống văn hóa