Người lao động tự do tại Hà Nội bắt đầu nhận tiền hỗ trợ do đại dịch Covid-19

Thứ bảy, 31/07/2021 11:06 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều người lao động tự do như thợ cắt tóc, bán hàng nước và cả các hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bắt đầu nhận được tiền hỗ trợ.

Lãnh đạo phường Kiến Hưng đến tận nhà trao kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng. Ảnh: Phương Chi

Lãnh đạo phường Kiến Hưng đến tận nhà trao kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng. Ảnh: Phương Chi

Bài liên quan

Ngày 30/7, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông và UBND phường Kiến Hưng đã tiến hành chi trả kinh phí hỗ trợ cho những người lao động đầu tiên gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo thông tin từ UBND quận Hà Đông, tính đến ngày 29/7, UBND quận đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 26 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thuộc trường Mầm non tư thục Đức Trí (phường Phúc La), mức 3.710.000 đồng/lao động và 10 trẻ em dưới 6 tuổi là con người lao động, mức 1.000.000 đồng/trẻ, tổng số tiền 106 triệu 460 nghìn đồng; đồng thời phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 17 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) thuộc các khu vực bị phong tỏa và một số ngành nghề dừng hoạt động theo các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố thuộc địa bàn phường Kiến Hưng, Dương Nội, mỗi lao động 1,5 triệu đồng, tổng kinh phí 25,5 triệu đồng.

Là một trong những lao động đầu tiên của quận Hà Đông được nhận hỗ trợ trong đợt này, chị Nguyễn Thị Ngọc Sáng - Giáo viên trường Mầm non tư thục Đức Trí xúc động cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch nên tôi phải nghỉ dạy ở nhà, cuộc sống đã khó khăn nay không có việc làm lại càng thêm khó khăn, khi được thông báo sẽ được nhận tiền hỗ trợ bản thân tôi cảm thấy rất vui và xúc động trước sự quan tâm của Chính phủ, thành phố Hà Nội đối với các trường hợp như tôi, đặc biệt hôm nay được nhận số tiền 3 triệu 710 nghìn đồng thực sự là sự động viên lớn giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống”.

Nhận được 1.500.000 đồng hỗ trợ trong đợt này, chị Lê Thị Huyền – lao động tự do làm nghề cắt tóc, gội đầu (phố Mậu Lương, tổ dân phố 10, phường Kiến Hưng) chia sẻ: “Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, thực hiện chỉ thị của UBND TP Hà Nội, vợ chồng tôi đã đóng cửa tiệm để phòng chống dịch. Ở nhà, không có nghề phụ, chúng tôi dùng số tiền tích cóp để duy trì cuộc sống, nhưng nay nguồn đã cạn. Trong lúc khó khăn lại được  TP, quận, phường quan tâm chi trả tiền hỗ trợ, tôi rất xúc động và cảm thấy an ủi, động viên”.

Người lao động nhận kinh phí hỗ trợ tại bộ phận

Người lao động nhận kinh phí hỗ trợ tại bộ phận "Một cửa" quận. Ảnh: Phương Chi

Là trụ cột gia đình, phải nghỉ làm ở nhà do dịch bệnh, anh Trần Văn Lâm (39 tuổi)  chia sẻ, khi chưa có dịch, mỗi ngày anh Lâm cắt tóc, gội đầu thu được 200.000 – 300.000 đồng, đã trừ tiền thuê cửa hàng. Mấy tháng nay, không mở tiệm nhưng anh vẫn phải trả 5,5 triệu đồng thuê/tháng, khiến cuộc sống khó khăn hơn. “Chúng tôi chi tiêu rất tiết kiệm, chỉ phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày và hai con nhỏ. Với số tiền Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi cố gắng tằn tiện để vượt qua đợt dịch này” – anh Trần Văn Lâm bày tỏ.  

Được biết, ngoài các đối tượng NLĐ và người sử dụng lao động  được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642 của UBND TP Hà Nội, quận Hà Đông đã hỗ trợ 278 hộ cận nghèo, mỗi hộ 1.500.000 đồng để vượt qua giai đoạn giãn cách xã hội (quận không còn hộ nghèo). Cho đến ngày 30/7, 278 hộ cận nghèo trên địa bàn quận Hà Đông đã rất phấn khởi khi được đủ nhận kinh phí hỗ trợ.

Tại buổi trao tiền hỗ trợ, nhiều người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo, làm nghề bán hàng nước tâm sự, mấy tháng nay phải ở nhà, không kiếm ra tiền, lại không có nguồn thu từ đồng ruộng.

Bà Lê Thị Xuân (64 tuổi), một trong những hộ cận nghèo ở phố Đa Sỹ, chỉ sống bằng nguồn 700.000 đồng bảo trợ/tháng (con trai bị bại não) và 350.000 chăm nuôi con. Chỉ với 1.050.000 đồng/tháng nên các bữa ăn hàng ngày của hai mẹ con bà Xuân chỉ có cơm và lạc rang muối vừng. Bà Lê Thị Xuân cho biết: Số tiền 1,5 triệu đồng được hỗ trợ hôm nay, tôi sẽ đóng tiền điện, còn lại để mua gạo.

Đ/c Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng LĐ-TBXH quận trao kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do phường Kiến Hưng. Phương Chi

Đ/c Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng LĐ-TBXH quận trao kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do phường Kiến Hưng. Phương Chi

Còn đối với gia đình hộ cận nghèo bà Trần Thị Loan, ai nấy đều thương cảm. 71 tuổi, sức khỏe yếu nhưng bà Loan phải chăm nuôi con gái bị bệnh trầm cảm và 3 cháu ngoại. Năm 2020, quận Hà Đông đã trích ngân sách hỗ trợ 50 triệu đồng và nguồn xã hội hóa để xây cho gia đình bà Loan ngôi nhà 2 tầng có diện tích mặt bằng 28 m2 để các thành viên trong gia đình có chỗ ở khang trang.

“Thực hiện giãn cách xã hội, mấy tháng nay tôi ở nhà, không có nguồn thu. Tôi đã phải đi đong chịu gạo; bữa ăn chỉ có rau, còn thịt thì không dám nghĩ tới. Với số tiền quận hỗ trợ 1.500.000 đồng, tôi sẽ dùng hết để mua gạo. Tôi chân thành cảm ơn quận Hà Đông và lãnh đạo phường Kiến Hưng đã giúp đỡ hộ gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này” – bà Loan cho biết.

Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết: Các phường trên địa bàn quận vừa đồng thời triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Các phường đã tiến hành tuyên truyền, phát đơn, hướng dẫn người dân, NLĐ, người sử dụng lao động làm hồ sơ. Và, trong thời gian tới, các đơn vị đồng loạt gửi hồ sơ lên quận Hà Đông để thẩm định, xét duyệt.

Theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP  Hà Nội, các nhóm lao động tự do được hỗ trợ thuộc các ngành nghề kinh doanh không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động được cụ thể hóa trong 7 văn bản chống dịch ban hành từ 30/4 - 18/7.

Theo đó, các nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ gồm: nhân viên quán karaoke, bar, vũ trường, game; phục vụ quán ăn, uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè; nhân viên nhà hàng, quán bia, bia hơi; người làm việc trong các cửa hàng ăn uống khu vực bị phong tỏa, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ bị mất việc khi thành phố chỉ cho bán hàng ăn uống mang về; nhân viên cắt tóc, gội đầu, spa..; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng theo công điện 15 hôm 18/7...

Người lao động lập hồ sơ, gồm: đơn đề nghị hỗ trợ (tên tuổi, quê quán, số căn cước, công việc chính, nơi làm và thời điểm mất việc); bản phô tô sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Người lao động có thể chọn hình thức nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bưu điện hoặc chi trả trực tiếp.

Nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại.

Tối đa 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền hai cấp xã, huyện phải rà soát, thẩm định và chi trả tiền tới tay người lao động. Danh sách người đủ điều kiện được niêm yết công khai. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.

Minh Chí

Tags:
Bình Luận

Tin khác

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.

Tin tức
Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPT tiếp tục xem xét, nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp sản phẩm (cột điện - PV) tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3 nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực thiết kế, công nghệ, quy trình kiểm chuẩn, kiểm soát chất lượng và có cam kết trách nhiệm.

Tin tức