Nguồn cơn cuộc bạo loạn ở thủ đô Brazil

Thứ tư, 11/01/2023 10:18 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hàng nghìn người Brazil ủng hộ cựu tổng thống Jair Bolsonaro đã xông vào đập phá Tòa án Tối cao, Dinh Tổng thống và Nhà Quốc hội ở Thủ đô Brasilia của nước này hôm 8/1, một sự kiện gần giống với cuộc bạo loạn ở Điện Capitol tại Mỹ vào năm 2021.

Những người biểu tình là ai, và họ muốn gì?

Những người biểu tình là những người ủng hộ cực đoan của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, người thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống trước ứng cử viên Inacio Lula da Silva ngày 30/10. Ngay sau cuộc bầu cử, những người ủng hộ ông Bolsonaro đã bắt đầu tụ tập bên ngoài các căn cứ quân sự trên khắp Brazil, kêu gọi can thiệp quân sự để lật ngược kết quả.

nguon con cuoc bao loan o thu do brazil hinh 1

Những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đứng trên nóc tòa nhà Quốc hội Brazil. Ảnh: AP

Trong những ngày tiếp theo, những tài xế xe tải nằm trong số những người ủng hộ ông Bolsonaro đã chặn đường trên khắp đất nước để phản đối kết quả bầu cử. Đến tháng 11, những người ủng hộ ông Bolsonaro đã tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp đất nước, yêu cầu sự can thiệp của lực lượng vũ trang.

Mọi chuyện dần trở nên quá tầm kiểm soát khi đến ngày 8/1 vừa qua, những người ủng hộ ông Bolsonaro vượt qua rào chắn của cảnh sát dọc theo đại lộ chính của Thủ đô Brasilia, xông vào các tòa nhà chính phủ vốn là biểu tượng của nền dân chủ của Brazil. Họ đập vỡ cửa sổ, lục tung bàn làm việc của các nhà lập pháp và đập phá các văn phòng trong một cơn thịnh nộ kéo dài hàng giờ trước khi trật tự được lập lại.

Vụ bạo loạn tại Brasilia diễn ra chỉ vài ngày sau lễ nhậm chức của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva hôm 1/1. Ông Lula vượt qua ông Bolsonaro sau một cuộc bầu cử căng thẳng và giành được chỉ 50,9% số phiếu bầu. Kết quả này cũng khiến ông Bolsonaro trở thành tổng thống đầu tiên của Brazil thất bại trong cuộc tái tranh cử.

Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva mô tả những kẻ phá hoại hôm Chủ nhật là "những kẻ phát xít cuồng tín", những kẻ "đã làm điều chưa từng được làm trong lịch sử của đất nước này". Phát biểu tại một cuộc họp báo trong chuyến công du chính thức tới bang Sao Paulo, ông Lula nói thêm: “Tất cả những kẻ đã làm điều này sẽ bị tìm ra và sẽ bị trừng phạt”.

Cựu Tổng thống Bolsonaro có vai trò gì?

Khi những người biểu tình gây ra sự hỗn loạn ở thủ đô Brazil, Jair Bolsonaro đang “tá túc” ở Florida (Mỹ), quê hương của đồng minh của ông, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo hãng tin AP, Bolsonaro đã bay tới Florida hai ngày trước lễ nhậm chức của Lula dù tổng thống sắp mãn nhiệm theo truyền thống sẽ trao khăn choàng tổng thống cho người kế nhiệm.

Bolsonaro không nêu rõ lý do ra đi của mình nhưng các nhà phân tích đã suy đoán rằng nó đánh dấu một nỗ lực để tránh khả năng bị truy tố liên quan đến một số cuộc điều tra đang diễn ra nhắm vào ông, hoặc chịu trách nhiệm về hành động của những người ủng hộ. Theo hãng tin AP, Bolsonaro đã đến thăm Trump tại Mar-a-Lago. Cả hai sau đó cùng dự bữa tối tại nhà của Steve Bannon, cựu chiến lược gia của Trump.

nguon con cuoc bao loan o thu do brazil hinh 2

Ông Bolsonaro đang nằm viện ở Florida, Mỹ vì các vấn đề đường ruột. Ảnh: Instagram/Bolsonaro

Bannon đã khuếch đại những tuyên bố mang tính ngờ vực của Bolsonaro về hệ thống bỏ phiếu điện tử tại Brazil và gọi những kẻ gây bạo loạn tại Brasilia là “những người đấu tranh cho tự do Brazil” trong một video trên mạng xã hội. Những sự kiện này càng làm tăng thêm sức nặng cho những cáo buộc rằng Bolsonaro đã châm ngòi cho ngọn lửa bất đồng chính kiến và cuối cùng tạo ra cuộc bạo loạn tại quê nhà.

Trong suốt thời gian cầm quyền, Bolsonaro từng nhiều lần chỉ trích các thẩm phán của Tòa án Tối cao vì đã mở các cuộc điều tra nhắm vào ông và các đồng minh của mình. Ông cũng liên tục chỉ trích Alexandre de Moraes, người đứng đầu cơ quan bầu cử, và đã có lúc đẩy Brazil đến bờ vực khủng hoảng thể chế bằng cách đe dọa không tuân theo bất kỳ phán quyết nào trong tương lai của De Moraes.

Sau cuộc bầu cử năm 2022, Bolsonaro và đảng của ông đã đòi vô hiệu hóa hàng triệu phiếu được bầu trên phần lớn các máy bỏ phiếu có lỗi phần mềm. Yêu cầu không cho biết lỗi này ảnh hưởng đến kết quả như thế nào trong khi các chuyên gia độc lập nói rằng nó sẽ không làm giảm độ tin cậy của thiết bị. Chủ tịch cơ quan bầu cử Brazil đã nhanh chóng bác bỏ yêu cầu và áp đặt khoản tiền phạt nhiều triệu USD đối với đảng của Bolsonaro.

Bolsonaro sau đó từ chối nhận thất bại và nhắn nhủ những người ủng hộ mình rằng họ nắm quyền lực trong tay, đồng thời tuyên bố ông vẫn kiểm soát các lực lượng vũ trang. Những người ủng hộ Bolsonaro vì thế vẫn hy vọng cựu Tổng thống Brazil hoặc lực lượng vũ trang sẽ dẫn đầu một cuộc can thiệp để lật ngược kết quả. Những sự kiện diễn ra sau đó, vào ngày 8/1, chỉ như giọt nước tràn ly sau những căng thẳng chính trị sau cuộc bầu cử.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hiện tại, quân đội và cảnh sát Brazil đã vãn hồi trật tự ở Brasilia, dỡ bỏ lều trại của những người biểu tình và bắt giữ khoảng 1000 người để thẩm vấn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới cũng lên án các cuộc bạo loạn tại Brazil hôm 8/1. Về phần mình, ông Bolsonaro mới lên tiếng phủ nhận việc kích động những người ủng hộ và nói rằng những kẻ bạo loạn đã “vượt quá giới hạn”.

nguon con cuoc bao loan o thu do brazil hinh 3

Hình ảnh một em nhỏ có mặt trong cuộc bạo loạn hôm Chủ nhật vừa rồi nói lên nhiều điều. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AP, nhiều khả năng ông Bolsonaro đã nhập cảnh vào bằng thị thực A-1, vốn dành cho các nguyên thủ quốc gia, nhà ngoại giao và các quan chức chính phủ khác. Chính quyền Mỹ hiện vẫn từ chối bình luận về vấn đề này và cho biết họ vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ Chính phủ Brazil liên quan đến tình trạng của Bolsonaro.

Bằng cách lưu trú lại Mỹ, Bolsonaro đang khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden khó xử. Họ có thể bị chỉ trích rằng đang chứa chấp một người đang mang cáo buộc xúi giục bạo lực phản dân chủ. Nhưng việc trục xuất cựu tổng thống của một quốc gia đồng minh, người đã nhập cảnh vào Mỹ một cách thiện chí với thị thực hàng đầu, cũng đặt ra những câu hỏi khó xử về thủ tục tố tụng.

Trong lúc mọi thứ đang rối ren, ông Bolsonaro mới đây đã được đưa vào một bệnh viện ở Florida với tình trạng đau bụng. Theo người thân của cựu tổng thống Brazil, đây là hệ quả của việc ông từng bị tấn công bằng dao trong chiến dịch tranh cử năm 2018. Bác sĩ Antonio Luiz Macedo, người đã điều trị cho ông Bolsonaro cho biết, sau vụ tấn công, Bolsonaro bị tắc ruột non nhưng không cần đến phẫu thuật.

Tương lai của ông Bolsonaro và sự bất ổn chính trị tại Brazil vẫn sẽ là một chủ đề đáng quan tâm sắp tới trong xã hội không chỉ của nước này, mà còn ở cả châu Mỹ nói chung. Mới đây, các nguyên thủ Chile và Colombia đã kêu gọi khẩn cấp một cuộc họp giữa các thành viên của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), gồm 35 thành viên, để bàn về vụ việc.

Đặc biệt, việc châu Mỹ phải chứng kiến tới 2 vụ bạo loạn tấn công vào thế chế dân chủ rất giống nhau ở Mỹ và Brazil bởi những người theo chủ nghĩa cực đoan chỉ trong 2 năm qua, cùng hàng loạt sự bất ổn chính trị ở các quốc gia khác trong khu vực (từ Peru, Jamaica, El Salvador, Haiti, Ecuador... đến Argentina), hẳn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho “tân thế giới”!

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

(CLO) Một tháng rưỡi sau cuộc tấn công vào khu vực Kursk phía tây nước Nga, Ukraine phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc nên triển khai lực lượng hạn chế của mình ở đâu. Bởi Nga bắt đầu phản công tại Kursk trong khi vẫn tiến quân mạnh mẽ ở mặt trận phía đông Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế
Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

(CLO) Chỉ trong vòng 2 tháng, nước Mỹ đã trải qua 2 sự cố và cả 2 đều nhằm vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Vậy liệu vụ ám sát lần này có tạo hiệu ứng tích cực như lần trước và giúp ông Trump chiếm nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng?

Tiêu điểm Quốc tế
Hành lang biên giới Philadelphi, rào cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Hành lang biên giới Philadelphi, rào cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

(CLO) Hành lang Philadelphi, một dải đất nhiều bụi rậm và cồn cát hẹp ở phía nam Gaza, giáp biên giới với Ai Cập đang nổi lên như trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Israel - Hamas và giải thoát hàng loạt con tin.

Tiêu điểm Quốc tế
Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

(CLO) Từ ngày 11-12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga. Cũng trong thời gian này, lần lượt Thủ tướng Tây Ban Nha và Na Uy đều có chuyến thăm tới Trung Quốc. Điều này cho thấy hình ảnh tích cực, chủ động của Trung Quốc, xét ở góc độ an ninh.

Tiêu điểm Quốc tế
Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

(CLO) Nga đang quyết tâm hơn trong việc kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk ở phía đông Ukraine, sau khi Kiev bất ngờ tấn công vùng biên giới của Moscow. Trong đó, hai thị trấn Pokrovsk và Chasiv Yar là những “cửa ải” quan trọng nhất mà các lực lượng Nga đang nhắm đến.

Tiêu điểm Quốc tế