(CLO) Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguồn cung mía có thể dư thừa do các doanh nghiệp ngành mía đường vẫn đang tồn kho, cộng với hạn ngạch nhập khẩu lên đến vài trăm ngàn tấn đường. Tuy nhiên, trên thị trường, người tiêu dùng vẫn đang phải mua đường với giá cao.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, khoảng 416.000 tấn, cộng với lượng đường chuyển từ Lào về Việt Nam của Hoàng Anh Gia Lai hơn 30.000 tấn, 85.000 tấn đường phải nhập hàng năm theo cam kết với WTO và 100.000 tấn được Chính phủ đồng ý chủ trương nhập bổ sung chưa thực hiện. Theo đó khả năng thời gian tới có thể dư thừa hơn 200.000 tấn đường. Bên cạnh đó, lượng đường nhập lậu năm nay có giảm nhưng vẫn cao, khoảng 200.000 tấn.
[caption id="attachment_116768" align="aligncenter" width="665"]
Hiện tại, ngành mía đường ở Việt Nam còn khá bấp bênh từ khâu nguyên liệu cho đến tiêu thụ. (Ảnh: Internet)[/caption]
Đáng chú ý, trong khi nguồn cung không thiếu nhưng giá đường vẫn duy trì ở mức cao so với hồi đầu năm. Theo ghi nhận, tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá đường chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Đầu năm nay giá đường trắng mới chỉ ở mức 12.000 - 13.000 đồng/kg nhưng đến tháng 5 đã tăng lên mức 15.000 - 17.000 đồng/kg. Hiện, giá đường kính trắng xuất khẩu bán tại các siêu thị hiện là 21.000 đồng/kg. Giá đường bán lẻ 19.000 - 21.000 đồng/kg. Giá đường neo ở mức cao trong khi nguồn cung không thiếu là một nghịch lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất cần sử dụng tới đường.
Được biết, giá đường hiện ở mức cao trước hết là do sản lượng mía giảm nhiều do hạn, mặn. Đầu niên vụ 2015-2016, để khuyến khích nông dân trồng mía, nhiều nhà máy đường đã tăng giá thu mua mía lên khá nhiều. Vì thế, các nhà máy đang buộc phải điều chỉnh giá đường bán ra theo hướng tăng lên để bù chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá đường trên thế giới tăng do ảnh hưởng của El Nino. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như trên thì việc một số doanh nghiệp, nhà buôn trung gian tranh thủ găm hàng, đầu cơ cũng khiến giá đường bị đẩy lên cao.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân giá cao trong khi tồn kho lớn cũng là do còn quá nhiều khâu trung gian phân phối đường đã tạo điều kiện cho các tư thương gom hàng tạo khan hiếm giả, tăng giá bán để trục lợi bất chính. Một số công ty sản xuất sữa, bánh kẹo và nước giải khát đã phản ánh lên Bộ Công Thương việc không mua được đường để sản xuất và đề nghị cho nhập khẩu.
Giá cả trên thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu, khi cầu tăng mà cung không đáp ứng được thì chắc chắn giá sẽ biến động. Nguồn cung đường hiện nay dư thừa nhưng lại đang bị “gom” lại thay vì tung ra thị trường. Do đó, để kéo giá đường xuống, cân đối cung cầu thì phải loại bỏ tình trạng đầu cơ. Phải tổ chức lại khâu phân phối, cắt bớt các khâu trung gian không cần thiết để đường từ nhà máy có thể đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Nếu không làm được điều này thì dù hạn ngạch nhập khẩu đường có tăng lên nữa thì giá đường vẫn khó giảm.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường găm hàng đợi giá đường tăng đã gián tiếp khiến giá đường sốt ảo, gây khó khăn trong công tác quản lý và gây tác động bất lợi với sản xuất mía đường trong nước. Do đó, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện các doanh nghiệp cố tình đầu cơ trục lợi.
[su_note note_color="#c5f5f0" text_color="#020202"]
Kết thúc vụ sản xuất mía đường 2015 - 2016, diện tích mía cả nước đạt khoảng hơn 284.000 ha, sản lượng hơn 18 triệu tấn, giảm 8% so với niên vụ trước. Hầu hết mía ở các vùng nguyên liệu đều đã được các nhà máy thu mua, đưa vào chế biến, với giá thu mua tại ruộng tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, diện tích và năng suất mía của vùng liên tục giảm từ 20 - 30% do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Nếu tình hình này tiếp diễn thì trong niên vụ mới, tình hình thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường sẽ căng thẳng hơn, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đường rất khó có thể hạ giá thành.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầy đủ, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng để đáp ứng nhu cầu đường trong nước, giảm tổn thất sau thu hoạch”.[/su_note]
Thanh Tân