Nguy cơ dịch bệnh tăng cao sau bão lũ: Mỗi người cần đề cao ý thức phòng bệnh!

Thứ năm, 12/09/2024 09:07 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo chuyên gia, bão lũ luôn đi kèm với dịch bệnh. Tới đây nguy cơ dịch bệnh bùng phát sẽ xảy ra nếu người dân không có ý thức phòng bệnh.

Tai nạn do bão lũ tăng cao

Bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và tính mạng cho người dân. Đến các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E… số ca nhập viện, cấp cứu do tai nạn trong bão lũ gia tăng mạnh.

Những ngày này, các bác sĩ  của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức phải luôn trong tình trạng mổ cấp cứu, cứu chữa các bệnh nhân nặng được chuyển từ các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh từ các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Sơn La... đến. Chỉ tính riêng chiều ngày 8/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục tiếp nhận và điều trị cho gần 100 người bệnh gặp tai nạn do ảnh hưởng của bão. Hầu như ánh đèn trắng của phòng cấp cứu luôn sáng. Bác sĩ Quách Văn Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết số ca liên quan đến hậu bão số 3 tăng gấp 5 lần so với ngày xảy ra bão (7/9), phần lớn đều chuyển từ tuyến dưới lên.

nguy co dich benh tang cao sau bao lu moi nguoi can de cao y thuc phong benh hinh 1

“Chúng tôi được biết tuyến dưới cũng trong tình trạng quá tải, nhưng vì di chuyển khó khăn nên không thể chuyển bệnh nhân ngay trong ngày” – bác sĩ Quách Văn Kiên nêu. Trong khi đó,  bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1 cho biết, khoa cũng trong tình trạng quá tải. Đến sáng 9/9, khoa có gần 130 bệnh nhân, tăng 150% so với số giường có thể tiếp nhận được, nhân viên phải xếp giường cáng kín lối đi hành lang tại khoa.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, công tác y tế cũng gặp áp lực lớn khi người bệnh được chuyển về viện ngày một đông. Riêng khoa chống độc cuối ngày và đêm 7/9, rạng sáng 8/9 khi bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, Trung tâm đã tiếp nhận, điều trị cho 9 bệnh nhân bị rắn độc và các động vật gây độc khác cắn. Các bác sĩ cảnh báo bên cạnh việc phòng chống thiên tai, người dân cũng cần đề cao cảnh giác với các loài động vật có độc như rắn, rết, một số bọ… Theo bác sĩ  Nguyễn Trung Nguyên cho biết, thời điểm mưa, bão kết hợp thời tiết không lạnh, ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để các loài rắn, côn trùng,… ra khỏi nơi trú ẩn, tìm kiếm thức ăn. Bên cạnh đó, hiện môi trường sống tự nhiên của động vật bị phá vỡ và thu hẹp lại, nhiều loài rắn như rắn hổ, rắn lục và các động vật gây hại buộc phải tới sống xen kẽ với khu vực dân cư. Như vậy, rất dễ xảy ra tiếp xúc với con người và xảy ra các tai nạn đáng tiếc.

Tại các bệnh viện tuyến Trung ương áp lực điều trị đã lớn, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện áp lực còn lớn hơn. Những nơi có thiên tai như sạt lở, lũ ống, nước ngập như Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai… đều xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện, nhân viên y tế căng sức để cứu chữa cho các bệnh nhân.

Bão lũ thường đi kèm với dịch bệnh

Theo dự đoán của các chuyên gia, những khủng hoảng về y tế mới chỉ bắt đầu. Bởi vì, hiện mưa vẫn lớn, nước ngập trên diện rộng, hiện tượng lũ ống, sạt lở đất vẫn đang xảy ra. Hiện chưa thể đánh giá hết những tác động của bão số 3 và mưa lũ sau bão đối với sức khỏe của người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, sau bão lũ các dịch bệnh truyền nhiễm và bệnh liên quan đến lũ lụt sẽ khó tránh khỏi. “Khi bão lũ xảy ra, ngập  úng khắp nơi, gây ra ô nhiễm môi trường, do phân, chất thải của người, súc vật chết, cây cối thối rữa gây ô nhiễm môi trường nặng. Vì thế vi rút, vi khuẩn phát sinh và phát triển gây nên bệnh truyền nhiễm gia tăng” – vị chuyên gia này phân tích. Bên cạnh đó, mưa lũ khiến tình trạng thiếu nước sạch, người dân không sử dụng được nước sạch và thiếu nhiều thứ liên quan đến thực phẩm sạch… dẫn đến bệnh đường tiêu hóa, bệnh da liễu, đau mắt đỏ… Các  bệnh về hô hấp, cúm, cảm lạnh cũng sẽ tăng, tai nạn, chấn thương, đuối nước cũng rất dễ xảy ra.

Không chỉ vậy, theo ông Trần Đắc Phu, việc mưa lũ khiến người dân không được tiếp cận kịp thời các dịch vụ y tế, do vậy dự báo sau đợt bão lũ, lượng người đi khám bệnh sẽ tăng cao. Các bệnh cấp cứu ngoại khoa, đa khoa, đẻ rơi, tai biến sản khoa, các bệnh mãn tính, cấp tính cũng theo chiều hướng phức tạp. “Việc sức khỏe người dân sẽ yếu hơn do lao động, mệt mỏi dẫn đến mắc bệnh, lâu ngày thiếu dinh dưỡng, do ăn uống không đủ chất cũng là nguyên nhân” – ông Trần Đắc Phu lo lắng.

nguy co dich benh tang cao sau bao lu moi nguoi can de cao y thuc phong benh hinh 2

Tai nạn sau bão lũ tăng cao khiến nhiều bệnh viện quá tải.

Chuyên gia Trần Đắc Phu cảnh báo một số dịch bệnh có thể xảy ra sau bão lũ, phổ biến là dịch tiêu hóa, tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn, ngộ độc thực phẩm. Về hô hấp có viêm phổi, cúm, ngoài ra cũng cảnh giác với sốt xuất huyết, sốt rét.

Trước nguy cơ dịch bệnh sau bão lũ, ông Trần Đắc Phu khuyên người dân cần phòng chống. Cụ thể, hạn chế chấn thương, đuối nước, thực hành ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch (nước sát khuẩn cloramin), giữ ấm cơ thể để không bị cảm lạnh, dùng bảo hộ lao động, không ngâm nước, tắm nước mưa… Mọi người cần tới cơ sở y tế khi có vấn đề sức khỏe nhất là nguy cơ các bệnh tật cần cứu chữa kịp thời.

Cũng liên quan đến phòng bệnh sau bão lũ, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân cần thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Khi mưa lũ chưa chấm dứt thì nhiều bệnh viện đã quá tải. Chính vì thế, nguy cơ nếu dịch bệnh xảy ra thì áp lực đè nặng lên ngành y tế càng  mạnh, việc tiếp cận dịch vụ y tế của người dân vì thế cũng gặp khó khăn. Do đó, điều cần kíp lúc này là phòng bệnh hơn chữa bệnh, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế và các chuyên gia, vì sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

VNVC tiêm hàng ngàn mũi vắc xin trong ngày đầu chiến dịch tăng cường vắc xin sởi cho trẻ

VNVC tiêm hàng ngàn mũi vắc xin trong ngày đầu chiến dịch tăng cường vắc xin sởi cho trẻ

(CLO) Với lợi thế hơn 400 dây chuyền khám và tiêm tại 39 trung tâm VNVC ở TP. HCM, cùng gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống VNVC đã tiêm hàng ngàn mũi vắc xin trong ngày đầu triển khai chiến dịch tăng cường vắc xin sởi cho trẻ, trong đó có gần 200 mũi tiêm miễn phí.

Sức khỏe
Hà Giang: 55 học sinh nhập viện sau khi ăn liên hoan Trung thu ở trường

Hà Giang: 55 học sinh nhập viện sau khi ăn liên hoan Trung thu ở trường

(CLO) Sau khi ăn tiệc liên hoan Trung thu được tổ chức tại trường, 55 học sinh xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn nghi bị ngộ độc và phải nhập viện ngay trong đêm.

Sức khỏe
Gia Lai: Điều tra, xử lý vụ 21 học sinh đau bụng, nôn ói sau khi uống trà sữa tại trường

Gia Lai: Điều tra, xử lý vụ 21 học sinh đau bụng, nôn ói sau khi uống trà sữa tại trường

(CLO) Liên quan đến vụ 21 em học sinh Trường THCS Tôn Đức Thắng đau bụng, nôn ói sau khi uống trà sữa, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động cơ sở và điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Sức khỏe
Gia Lai: Hàng chục học sinh đau bụng, nôn ói sau khi liên hoan tại trường

Gia Lai: Hàng chục học sinh đau bụng, nôn ói sau khi liên hoan tại trường

(CLO) Trong số 34 em học sinh uống trà sữa nhân dịp Tết Trung thu tại Trường Trường THCS Tôn Đức Thắng, có đến 21 em có các biểu hiện đau bụng, nôn ói.

Sức khỏe
Hệ thống tiêm chủng VNVC chủ lực tiêm vắc xin an toàn trong chiến dịch bao phủ sởi tại TP.HCM

Hệ thống tiêm chủng VNVC chủ lực tiêm vắc xin an toàn trong chiến dịch bao phủ sởi tại TP.HCM

Từ 16/9, gần 2000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của 39 trung tâm VNVC tại TP.HCM tham gia chiến dịch tiêm vắc xin sởi miễn phí cho trẻ 1-10 tuổi trên địa bàn thành phố, đặc biệt chú trọng đảm bảo tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả cao phòng bệnh sởi bên cạnh đạt chỉ tiêu về độ phủ vắc xin.

Sức khỏe