Với Nguyễn Uyển, viết không chỉ là sống, mà còn là yêu. Yêu say đắm và mãnh liệt.
Nhưng ở ông còn có một thứ đáng quý khác, không phải ai cũng được sở hữu, ấy là sự cẩn trọng trong quan hệ với bạn bè. Lần đầu tiên gặp ông, qua “môi giới” của thi sĩ Bùi Hoàng Tám, một gã nhà thơ, nhà báo mà ngay từ vẻ mặt đến cách ăn nói đã đầy chất “bụi bặm, ngổ ngáo” (như chính gã tự giễu mình), tôi cứ tự hỏi: Làm sao giữa họ lại vẫn có một sự thân tình đến thế nhỉ? Và rồi tôi cũng tự tìm ra câu trả lời: Nguyễn Uyển không bao giờ đánh giá người khác chỉ căn cứ vào vẻ bề ngoài. Ở ông tiềm ẩn một sự ân cần, đại lượng bẩm sinh của người làm anh chuyên nghiệp. Làm anh khó lắm. Khó nhất là phải chịu thiệt thòi đủ đường. Khó nữa là phải nhường nhịn khi thằng em nào đó hiếu thắng hoặc khùng lên nói hỗn. Chưa kể vì cậy làm em, nó có quyền vòi vĩnh cả những thứ rất khó chiều. Vậy mà Nguyễn Uyển thì chẳng hề có vấn đề gì với những chuyện như vậy. Lúc nào và với bất cứ ai, tính ông vẫn cứ mát như thạch! Còn với đám đàn em, dù làm bất cứ công việc gì, lý lịch bản thân ra sao, ông đều tìm ra một nét đáng yêu nào đó để... thể tất cho mọi thứ trái tai, trái mắt khác còn lại.
Và tôi tin, trong mối quan hệ thâm giao giữa ông và tôi bền bỉ ngần ấy năm, ông cũng “áp dụng” lối ứng xử cao trọng ấy. Bởi một người nho nhã, khuôn thước như ông, hẳn phải thấy ở thói ngông nghênh, tự do, bất cần đời của tôi hàng tá sự khó chịu. Nhưng chưa bao giờ ông thiếu dịu dàng với tôi.
Có lẽ Nguyễn Uyển là người đại diện cuối cùng cho một thế hệ khuôn phép về lễ giáo hiếm hoi còn sót lại. Chỉ nói về việc xưng hô, cũng đủ là một chuyện thú vị mang tính “di sản” của việc ông quyết không ra khỏi quy củ. Cho đến tận giờ này, đã ở tuổi có chắt, ông vẫn giữ thói quen gọi các con là anh, chị, xưng tôi (hoặc thân tình hơn là xưng cậu). Đó là cách xưng hô của các thầy đồ hoặc những ông bố trong những gia đình Việt cổ. Ông bảo, con cái là do mình sinh ra, nhưng chúng nó cũng là bạn của mình. Khi gọi con cái là anh, chị, người cha khuôn thước Nguyễn Uyển muốn truyền đến họ một thái độ sống lấy sự tôn trọng, yêu thương làm cốt lõi. Từ đó mà có lối ứng xử cho hợp đạo hợp lẽ không chỉ với người ruột thịt.
Thân, quen và cộng tác trong công việc với ông ngần ấy năm, chưa bao giờ Nguyễn Uyển coi tôi là chú em về vai vế để tự cho mình quyền suồng sã, mặc dù chính tôi lại thích điều đó. Với ông, đã là nguyên tắc sống thì ở đâu cũng phải giữ nghiêm cẩn. Ông luôn đặt tôi ngang hàng với ông về tuổi tác, cả trong xưng hô cũng như thể hiện thái độ. Vài lần tôi tỏ ý ngượng, khi cứ được ông tôn trọng thái quá, muốn ông theo lẽ thông thường mà mọi người vẫn làm, thì ông bảo: “Anh đừng tìm cách thay đổi tôi. Tôi đã quen thế rồi”.
Trong đời sống Nguyễn Uyển cẩn trọng thế nào, thì trong việc đối xử với tác phẩm văn và báo của mình, của bạn bè, ông cũng y nguyên một thái độ như vậy. Tôi ít thấy người viết nào yêu sách, yêu báo của bạn như Nguyễn Uyển. Ông nâng niu, trân trọng, đặt ngay ngắn trên giá, có thời gian rảnh là đọc cẩn thận và thể nào cũng phải có lời khích lệ. Tôi cũng ít thấy người nào nắn nót, xót xa, cẩn thận với chữ nghĩa của mình như ông! Còn có cơ hội là ông còn sửa. Ông không bao giờ bỏ sót cơ hội quảng bá cho sách, báo của bạn bè bằng sự nhiệt huyết hiếm thấy. Ông cũng có thể say sưa nói hàng giờ về những tác phẩm của mình. Khi đó ông giống như một chú bé lớn tuổi, với tất cả sự hồn nhiên đến dễ thương.
Tôi có thói quen là với một số đồng nghiệp, khi đã thân, là không bao giờ bình phẩm về tác phẩm của họ. Có thể đó không phải là thói quen tốt, nhưng đó là cách sống mà tôi thích. Vì thế, tác phẩm văn và báo của Nguyễn Uyển xin nhường lại mọi sự đánh giá cho bạn đọc. Với tôi, ông là nhà văn, nhà báo nghiêm túc, một người anh, người bạn nhân hậu, có trách nhiệm với cuộc đời. Và chính tôi học được từ ông sự cẩn trọng khi nói về người khác. Rằng ở đời “nhân vô thập toàn”, chả ai hoàn hảo, vì thế hãy nhìn vào mặt tốt của mỗi người mà hướng mình theo. Hãy tìm ra nét đẹp mà bất cứ ai cũng có ít nhiều, để đừng quá cay nghiệt với họ khiến có lúc ân hận.
Nhân 21 tháng 6 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi coi như tìm được cơ hội để nói vài điều về nhà báo - nhà văn Nguyễn Uyển, như một chút bộc bạch tấm lòng với một người anh. Mong ở tuổi trên cả “xưa nay hiếm” ông vẫn trẻ trung, hài hước, tràn trề năng lượng sống, năng lượng làm việc và... yêu, như thời tôi gặp ông. Mới thế mà cũng đã cách đây hơn mấy mươi năm!...
Hà Nội, Tháng 6/2018
Nhà văn Tạ Duy Anh