(CLO) Tháng 6 vừa qua, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Gia Lâm tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Nhiếp ảnh TRẺ. Đặt tên CLB TRẺ là vì trước đây hơn 10 năm, Gia Lâm đã có CLB Nhiếp ảnh mà hầu hết thành viên nay đã trưởng thành, trở thành hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.
Buổi lễ ra mắt CLB thật vui, gần 30 người chụp ảnh và yêu Nghệ thuật nhiếp ảnh với đủ các lứa tuổi, thành phần tham dự. Một triển lãm nhỏ với gần 40 “tác phẩm” ảnh của các thành viên CLB được trưng bày cùng lúc. Tôi thấy thật xúc động thấy huyện Gia Lâm mình sao đẹp thế: Từ quê ông Gióng bên Phù Đổng đến đền thờ Ỷ Lan ở làng Sủi, đây cũng là quê của Cao Bá Quát (thần Siêu, thánh Quát), rồi làng Nành – quê bà chúa Nành, mẹ của Ngọc Hân công chúa, nay là chợ tơ lụa nổi tiếng cả nước. Và Kiêu Kị, làng nổi tiếng với nghề dát vàng quỳ duy nhất của nước ta. Gần đấy là Bát Tràng, làng gốm cổ đất Thăng Long đã hơn 700 năm lịch sử…
Ở buổi họp hôm ấy, tôi gặp lại Nguyễn Văn Toản nguyên Trưởng phòng xây dựng, nay đương nhiệm chức Giám đốc dự án xây dựng huyện Gia Lâm. Toản vẫn thế, gần 60 tuổi mà nom như thanh niên, dáng thư sinh, nói nhỏ nhẹ, vẻ khiêm nhường, nếu không quen anh, tôi đoán Toản chỉ ngoài 40 tuổi.
Tôi biết Toản từ lâu bởi cả hai có chung niềm say mê chụp ảnh nghệ thuật. Là đồng hương và đều là nghệ sĩ nhiếp ảnh nên chúng tôi thường cùng nhau đi sáng tác tại các tỉnh xa và đến những khu di tích, kiến trúc nổi tiếng của cả nước và ở quê nhà: khi thì vụ thu hoạch ở vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) di tích thiên nhiên – văn hóa được xếp hạng Quốc gia, lúc ở Hoàng Su Phì cùng nhau chụp quang cảnh làm đất ở Tú Lệ, Y Tý trên biên giới Việt Trung – nơi “con sông Hồng đổ vào đất Việt”. Trò chuyện cùng Toản dọc các nẻo đường sáng tác tôi biết Toản say mê chụp ảnh ngay khi rời ghế trường Đại học Kiến trúc với mảnh bằng Kỹ sư xây dựng năm 23 tuổi. Trở thành cán bộ phòng xây dựng huyện Gia Lâm, Toản chắt chiu từ đồng lương còn khá khiêm tốn của mình để mua bằng được chiếc máy ảnh NIKON. Toản say mê chụp chi tiết và toàn cảnh các công trình, các di tích lịch sử và kiến trúc được xếp hạng, các cao ốc văn phòng, các khu biệt thự, chung cư cao cấp, các khuôn viên, những cây cầu mới xây dựng trên các dòng sông quê…Cứ thế chiếc máy ảnh cùng những chuyến đi đã lôi cuốn anh vào con đường sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh.
[caption id="attachment_109456" align="aligncenter" width="600"]
Tác phẩm "Mùa lúa chín"[/caption]
Toản được anh bạn đồng môn giới thiệu với cha mình- thầy giáo Nguyễn Gia Tòng, dạy tại trường Trung cấp xây dựng Hà Nội. Thầy giáo Nguyễn Gia Tòng cũng là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, người chuyên chụp ảnh phong cảnh có hạng của Hà Nội. Đồng nghiệp lại chung niềm say mê chụp ảnh nghệ thuật nên thày Tòng đã dành tâm sức trao cho học trò của mình những kinh nghiệm mà ông đã trải qua. Toản tiến bộ nhanh, cứ sau mỗi chuyến đi sáng tác Toản đều chụp được đôi ba tác phẩm ảnh nghệ thuật được chọn treo tại các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội và của các ngành.
Vào những năm đầu Toản chụp ảnh và sáng tác, máy ảnh vẫn chụp bằng phim mà mua phim và làm ảnh thì quá tốn kém, Toản phải nhận chụp các đám cưới, đám hỏi, hội nghị, chụp chân dung lưu niệm v.v..để có tiền đi và chụp. Anh kỹ sư trẻ dành toàn bộ ngày nghỉ trong năm cho những chuyến đi, Tây Bắc có 4 cánh đồng lúa nổi tiếng: Nhất Thanh, Nhì Lô, Tam Than, Tứ Tấc, Toản đã đến đủ, đó là Mường Thanh ở Điện Biên, Mường Lò ở Văn Chấn – Yên Bái, Mường Than ở Lai Châu và Mường Tấc ở Sơn La. Toản luôn có mặt cùng các bạn trên từng cây số, chụp ảnh thành nhà Mạc ở Lạng Sơn, thành nhà Hồ và Lam Kinh – cố đô nhà Lê ở Thanh Hóa, say mê chụp ảnh sông Nho Quế, lặn lội đến ngôi nhà cổ “dinh lũy” của vua Mèo Vương Chí Sình ở Đồng Văn, chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc – Hà Giang). Trong bộ sưu tập của anh, tôi thấy cả ảnh nhà thờ đá Phát Diệm, đền thờ Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành tại kinh đô Hoa Lư…
Khi đã ở tuổi 50, lúc vợ chồng Toảm chắt chiu sắm được chiếc xe con, Toản rủ tôi cùng đồng hành trên những chuyến đi dã ngoại để cùng nhau chụp ảnh Huế “mộng mơ”, lang thang trong đô thị cổ Hội An, chụp ảnh cầu Chùa và Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ nước ra biển biếc. Chúng tôi cũng có dịp cùng nhau bấm máy ở Thánh địa Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Kinh đô Chăm Pa xưa ở Quảng Nam, chụp Tháp chàm Poreme ở miền tây Ninh Thuận và trường Dục Thanh nơi Bác Hồ dạy học ở Phan Thiết trước khi rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
[caption id="attachment_109440" align="aligncenter" width="600"]
Tác phẩm "Trên cao nguyên đá Mèo Vạc" được tác giả chụp tại Hà Giang[/caption]
Nguyễn Văn Toản đi nhiều, nhờ vậy mà anh đã thu nhận được từ thực tế những kiến thức sâu và rộng áp dụng cho công việc xây dựng của mình, làm giàu thêm tâm hồn và bản năng nghề nghiệp mà anh đang phụ trách cũng như hình ảnh của Đất nước với những kiến trúc cổ còn lưu lại đến nay, Toản đưa đến những người yêu ảnh Nghệ thuật thưởng lãm, góp phần nhỏ để làm giàu thêm tâm hồn những người Hà Nội và khách du lịch thập phương.
[caption id="attachment_109437" align="aligncenter" width="600"]
Tác phẩm "Bé chăm học" được tác giả chụp tại Bắc Sơn – Lạng Sơn[/caption] [caption id="attachment_109441" align="aligncenter" width="600"]
Tác phẩm "Vợ và chồng" được chụp tại Hà Giang[/caption]
Hình tượng nghệ thuật trong ảnh Toàn chụp như chính tâm hồn anh: Khoáng đạt, sắc hơi trầm, bố cục đơn giản, dễ hiểu, đường nét sinh động, đẹp, giàu bản sắc Việt như chính những công trình anh từng tham gia xây dựng ở huyện nhà. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Toản đã dành được hơn 10 giải thưởng và bằng khen các loại, trong đó có nhiều huy chương trong nước và quốc tế.
[caption id="attachment_109474" align="aligncenter" width="600"]
Kỹ sư Nguyễn Văn Toản (bên trái) và Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành[/caption]
Hôm gặp Nguyễn Văn Toản ở CLB ảnh Gia Lâm, chúng tôi nắm chặt tay nhau lắc mạnh, cùng hứa hẹn, sớm tổ chức chung một triển lãm ảnh nghệ thuật ngay tại quê nhà,. Nói vậy mà lo, “mang chuông đi đấm xứ người” thế nào cũng dám nhưng bày ảnh nghệ thuật ở quê nhà, nơi quen thuộc từ thủa ấu thơ, tổ chức không khéo là mang tiếng để đời đấy chứ.
Lo là vậy, nhưng đã cùng hứa phải làm thôi. Đó thực sự là một vinh dự lớn, đâu phải ai muốn đều có thể làm.
Bài : Đinh Quang Thành
Ảnh: Nguyễn Văn Toản