(congluan.vn) - Khởi nghiệp làm báo từ một phóng viên chuyên viết về lĩnh vực Y tế - Giáo dục của báo Lao động Đồng Nai, với 14 năm trong nghề, nhà báo Bích Phú đã trải qua rất nhiều những buồn vui nghề nghiệp. Hiện tại, mặc dù đang bận rộn với nhiều vai trò “xương sống” của tờ báo, nhưng chị vẫn có những bài viết dành cho công nhân lao động. Với chị, nghề báo không chỉ là viết, mà còn là sự thấu hiểu, là trách nhiệm với xã hội.
Từng thi đậu vào 3 trường đại học, gia đình lại có truyền thống sư phạm nên rất muốn chị tiếp tục theo con đường “phấn trắng bảng đen”. Thế nhưng, như một cái duyên, chị làm hồ sơ nhập học vào khoa báo chí trường Đại học KHXH và NV Hà Nội. Vào nghề đã 14 năm, nhưng nhà báo Bích Phú không thể quên được những ngày mình chập chững bước chân vào nghề. Mười bốn năm làm báo, cũng là 14 năm gắn bó với tờ báo Lao động Đồng Nai, từ một nữ phóng viên chuyên mảng y tế - giáo dục, đến nay nhà báo Bích Phú đã là một thạc sỹ, đảm trách nhiều công việc, chuyên mục quan trọng của tờ báo và là một cây viết mảng công đoàn với những bài viết liên quan đến đời sống công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
[caption id="attachment_22338" align="aligncenter" width="1199"]
Luôn tìm cách thấu hiểu và có trách nhiệm với mỗi bài báo là tâm niệm hàng đầu của nhà báo Bích Phú[/caption]
Công tác tại Báo Lao động Đồng Nai, mặc dù là tờ báo địa phương nhưng áp lực công việc mà cán bộ, phóng viên ở đây không vì thế mà nhẹ nhàng hơn những tòa soạn khác. Là một tờ báo của Liên đoàn lao động tỉnh, với những bài viết liên quan chủ yếu cho người lao động, bởi vậy khối lượng công việc của chị cứ thế ngày càng nhiều lên. Từ mỗi tuần 1 số báo, rồi đến mỗi tuần 3 số, chị ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Vào những ngày ra báo, đó là những ngày chị phải đọc hàng loạt bài viết, hồ sơ liên quan, là những ngày làm việc đến đêm để trực, kiểm tra sai sót. Cứ đều đặn như thế, cứ khi số báo này lên khuôn thì chị lại bắt đầu tất bật cho số báo mới.
Tất bật với công tác tòa soạn như vậy, lại thêm công việc của một Phó bí thư Chi bộ, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, thế nhưng chị vẫn cố gắng học thêm và bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ vào cuối năm 2014 với thành tích xuất sắc nhất khóa học.Nghề báo với nam giới đã khó khăn, nên với phái nữ lại càng khó hơn gấp bội hơn bởi họ còn nặng gánh làm vợ, làm mẹ... “Người nào không thấu hiểu được công việc của nhà báo nữ, sẽ khó cảm thông được với một người vợ, người mẹ thường xuyên vắng nhà. Tôi may mắn khi có được một người chồng thấu hiểu cho công việc của mình, chung sức chia sẻ cùng vợ những công việc trong gia đình và chăm sóc con cái. Đó cũng chính là một trong những động lực để tôi có thể yên tâm làm tốt công việc của mình”, chị chia sẻ.
[caption id="attachment_22337" align="aligncenter" width="3456"]
Nhà báo Bích Phú trong lễ trao giải báo chí nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.[/caption]
Mười bốn năm trong nghề, viết bài và làm công tác biên tập cho các phóng viên, hơn ai hết chị rất hiểu nghề: “ Đã là nhà báo, nhất là nhà báo nữ, tất cả chúng ta đều đã từng trải qua và thấu hiểu cái thuận lợi, khó khăn, vất vả.... của nghề. Khi bước chân vào nghề, công nghệ thông tin không hiện đại như bây giờ, điều kiện tác nghiệp rất khó khăn, thậm chí bài viết nộp cho tòa soạn còn phải viết tay. Tuy nhiên, theo tôi, cho dù ở thời đại nào, muốn làm báo, trước hết phải có cái tâm, sự thấu hiểu. Phải có thiện chí và trách nhiệm trong bài viết, mới có thể mang đến cho độc giả những bài viết phản ánh chân thực cuộc sống, những bài viết mà người lao động cần”.
Chính điều này mà trong suốt thời gian công tác của mình, chị nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành trao tặng cùng với rất nhiều những giải thưởng báo chí. Đặc biệt trong lễ kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 2015 mới đây, bài viết “Công nhân viên chức lao động làm theo lời Bác” của chị và đồng nghiệp đã đạt giải nhì ngòi viết vàng lần thứ 26. “ Là một nhà báo rất khiêm tốn, luôn nghiêm túc và đầy trách nhiệm trong công việc. Có thể sắp xếp chu toàn công việc cơ quan và gia đình để công tác tốt. Hơn nữa, nhà báo Bích Phú lại rất hiểu về công nhân lao động, ở một tỉnh công nghiệp như Đồng Nai, rất cần những nhà báo như vậy để có những tuyến bài viết đồng hành cùng công nhân lao động” - Tổng biên tập báo Lao động Đồng Nai – nhà báo Tôn Hoàn chia sẻ.
Hạ Duyên