Nhà báo Danish Siddiqui: Từ những bức ảnh đoạt giải Pulitzer đến sự tận hiến cuộc đời trên chiến trường Afghanistan

Thứ hai, 04/07/2022 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sự nghiệp của Danish Siddiqui giống như một khúc bi tráng trong thế giới báo chí. Phóng viên ảnh người Ấn Độ đã vượt qua rất nhiều hiểm nguy để giúp thế giới có những hình ảnh về các cuộc chiến lớn nhất, đáng sợ nhất…

Phóng viên ảnh người Ấn Độ đã vượt qua rất nhiều hiểm nguy để giúp thế giới có những hình ảnh về các cuộc chiến lớn nhất, đáng sợ nhất… nhưng cuối cùng vẫn phải thiệt mạng trên chiến trường Afghanistan ở tuổi 38, trước khi lần thứ hai đoạt giải báo chí danh giá nhất thế giới Pulitzer vào tháng 5/2022.

Khúc bi tráng trong thế giới báo chí

Vào những ngày cuối tháng 4/2021, cả thế giới dù đang quay cuồng trong đại dịch COVID-19, song vẫn không thể không sửng sốt trước các bức ảnh vô số bệnh nhân tử vong trong đại dịch ở Ấn Độ bị thiêu tập thể bằng những vụn củi khô tại một bãi đất trống của thủ đô New Dehli. Khung cảnh đó khiến cả thế giới hiện đại phải rùng mình về sự tàn khốc của đại dịch COVID-19. Những xác người được thiêu một cách đơn sơ cho thấy COVID-19 có thể làm nhòa đi nền văn minh nhân loại...

nha bao danish siddiqui tu nhung buc anh doat giai pulitzer den su tan hien cuoc doi tren chien truong afghanistan hinh 1

Một trong những bức ảnh xúc động nhất từ ​​trước đến nay, bức ảnh này cho thấy một bãi hỏa táng hàng loạt người chết do COVID-19 vào ngày 22 tháng 4 năm 2021. (Bức ảnh nằm số loạt ảnh giúp Siddiqui đoạt giải Pulitzer 2022).

Những bức ảnh đầy ám ảnh đó là của nhà báo Danish Siddiqui mà chúng ta đang nhắc đến!

Không quá khi nói, sự nghiệp của Siddiqui giống như bản hùng ca bi tráng trong giới báo chí. Anh bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh báo chí với tư cách là phóng viên của Thời báo Hindustan tại Ấn Độ, trước khi chuyển sang TV Today Network. Anh được hãng tin Reuters tuyển mộ vào năm 2010. Kể từ đó, Siddiqui đã trở thành một phóng viên ảnh chiến trường xông pha trên khắp các mặt trận nguy hiểm nhất tại Nam Á hay Trung Đông - những khu vực có thể nói đáng sợ nhất đối với bất cứ nhà báo nào.

Siddiqui đến Afghanistan để đưa tin về cuộc chiến này chỉ 2 năm sau khi đầu quân cho Reuters, cũng như có mặt trong hầu hết các điểm nóng nhất trong khu vực từ Trận chiến Mosul (2016-2017) ở Iraq, trận động đất lịch sử ở Nepal năm 2015, cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya năm 2015, cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 và 2020.

Nhưng trên tất cả, cuộc chiến lớn nhất của anh chính là đại dịch COVID-19 trên chính quê nhà Ấn Độ của mình. Nhìn những bức ảnh đáng sợ đó, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được sự dũng cảm, sự dấn thân của Siddiqui trong công việc báo chí, bởi xung quanh anh là những xác chết và vô vàn hiểm họa từ virus.

nha bao danish siddiqui tu nhung buc anh doat giai pulitzer den su tan hien cuoc doi tren chien truong afghanistan hinh 2

Một người đàn ông theo đạo Hindu đeo khẩu trang trước lễ ngâm mình trong sông Hằng vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát khủng khiếp tại Ấn Độ vào ngày 12 tháng 4 năm 2021. (Bức ảnh nằm trong số loạt ảnh giúp Siddiqui đoạt giải Pulitzer 2022).

Pulitzer thứ hai cho Siddiqui

Thực ra, ngay trước khi những bức ảnh nổi bật, kinh hoàng của Siddiqui về đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ đến với thế giới thì anh đã tạo ra nhiều tiếng vang. Nhà báo người Ấn Độ này đã giành một loạt giải thưởng tầm vóc khu vực và quốc tế trong những năm trước đó, đặc biệt anh còn trở thành người Ấn Độ đầu tiên cùng với Adnan Abidi giành giải Pulitzer vào năm 2018 cho hạng mục Nhiếp ảnh Tiêu biểu, vì đã ghi lại cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya 2015.

nha bao danish siddiqui tu nhung buc anh doat giai pulitzer den su tan hien cuoc doi tren chien truong afghanistan hinh 3

Bức ảnh này của Siddiqui về một người tị nạn Rohingya, nằm trong loạt ảnh giúp anh đoạt giải Pulitzer 2018.

Nhưng Siddiqui không hề thỏa mãn với những thành công đã có. Không lâu sau khi dấn thấn vào cuộc chiến COVID-19 đầy ám ảnh ở quê nhà, tháng 7/2021, anh tiếp tục lên đường sang Afghanistan để ghi lại tình hình chiến sự đang rất khốc liệt và rủi ro tại nước này - thời điểm quân đội Mỹ đã bắt đầu rục rịch rút khỏi Afghanistan.

Và vào ngày 16/7/2021, điều tồi tệ đã xảy ra. Trong một chuyến đi cùng lực lượng quân đội Afghanistan để đưa tin về các hoạt động giao tranh với Taliban, Siddiqui đã thiệt mạng. Cái chết của anh cũng thật đau thương và đầy màu sắc báo chí. Nhiều nguồn tin sau này xác nhận rằng, anh đã bị lực lượng Afghanistan bỏ lại trong lúc tháo chạy khỏi sự tấn công của Taliban. Siddiqui phải ẩn nấp trong một nhà thờ Hồi giáo, nhưng bị quân Taliban truy lùng và bắt được. Dù biết Siddiqui là nhà báo, nhưng họ vẫn quyết định hành quyết anh.

Thậm chí, thi thể của Siddiqui khi được trả về cho Hội Chữ thập đỏ cũng không còn nguyên vẹn, nhiều cáo buộc cho rằng lực lượng Taliban tra tấn và dùng xe cán qua người anh. Cái chết của Siddiqui đã làm rúng động giới báo chí. Các tờ báo lớn như Reuters (nơi anh làm việc), Washington Post, New York Times… cũng như các tổ chức báo chí lớn trên thế giới đều lên án và tiến hành điều tra vụ việc.

nha bao danish siddiqui tu nhung buc anh doat giai pulitzer den su tan hien cuoc doi tren chien truong afghanistan hinh 4

Siddiqui tự chụp trong lúc tháo chạy khi tác nghiệp vào ngày 13/7/2021 ở Afghanistan, không lâu trước khi anh bị bắt và sát hại.

Siddiqui mất ở tuổi 38 và khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp, trở thành nhà báo quốc tế đầu tiên thiệt mạng tại Afghanistan kể từ khi quân đội Mỹ quyết định rời bỏ cuộc chiến kéo dài 20 năm này. Nhưng vào ngày 9/5 vừa qua, anh vẫn tiếp tục bước lên một nấc thang nữa trong sự nghiệp dù đã qua đời, khi một lần nữa giành giải Pulitzer cho hạng mục Nhiếp ảnh tiêu biểu cho loạt ảnh về đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ hồi tháng 4/2021, cùng với 3 đồng nghiệp khác là Adnan Abidi, Sanna Irshad Mattoo và Amit Dave.

Không như năm 2018 khi lần đầu đoạt giải, Siddiqui đã không thể đến tham dự sự kiện trao giải Pulitzer 2022, song tên tuổi và những bức ảnh đầy ám ảnh của anh vẫn in đậm trong tâm trí những người làm báo và cả hàng triệu độc giả trên thế giới! Siddiqui đã ra đi nhưng anh đã có cho mình một cuộc đời làm báo đầy tận hiến.

Trần Hòa

Tin khác

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

Khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8 năm 2024

(CLO) Sáng 29/3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8), Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Sở VH-TT TP Đà Nẵng tổ chức khai mạc Giải Quần vợt phong trào toàn quốc Cup VTV8-2024.

Nghề báo
Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo