Sự việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động) bị côn đồ hành hung dã man bằng gạch đá, gậy gộc khiến anh bị thương nặng đã khiến cho cộng động “dậy sóng”. Khó khăn chồng chất, hiểm nguy rình rập, tính mạng bị đe dọa… là những gì mà những người làm báo điều tra như Đỗ Doãn Hoàng đã và đang phải trải qua. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện trực tiếp với anh, ghi lại những kí ức về khoảnh khắc “thập tử nhất sinh” cùng với nhiều tâm sự khó có thể thấu hiểu của chính người trong cuộc.
“Khi ngón tay lành lại, tôi sẽ tiếp tục viết”
* PV: Thưa anh. Anh nhớ mình đã bị tấn công như thế nào?
- Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Có 3 người không nói không rằng, tôi nghĩ là những người bảo vệ chặn đường, không cho tôi khỏi đi vào con đường đang thi công. Tôi lặng lẽ quay lại, tôi quay lại thì có một đối tượng nhảy ra ôm lấy tôi, vật tôi ra, đồng thời 2 đối tượng kia rút gậy rất dài ra đánh tới tấp, tôi không kịp ngẩng mặt lên để nhìn. Đến giờ tôi vẫn không hình dung ra được mặt mũi họ như thế nào nữa. Việc bọn chúng tấn công là rất dã man, có chủ đích chứ không phải là côn đồ tấn công bình thường.
Rất may là tôi đội mũ bảo hiểm, hơn nữa tôi cũng được đào tạo từ nhỏ để biết phải làm gì nên toàn bộ nội tạng không việc gì. Bị đánh vào vai, vào ngực, vào cằm, vào mông thì cũng rất là đau. Nhưng không quá nguy hiểm đến tính mạng.
Chỉ có tay của tôi thì bị thương nặng. Chúng dùng gạch đập. Công an thu được rất nhiều mảnh gạch vỡ vụn trên hiện trường. Ngoài ra, còn thu được những khúc mía to bằng cổ tay người lớn. Chúng đánh tôi dập nát bét những khúc mía. Hiện công an đã thu làm tang vật. Theo trí nhớ của tôi thì có lẽ 2 đối tượng đánh bằng gậy, 1 đánh bằng khúc mía.
Tôi không thể tin nổi mình có thể sống sót, khi hàng loạt cây gậy vụt xuống đầu và người tôi. Tôi hoàn toàn không tin một tí nào. Nhưng tôi đã sống sót một cách may mắn. Tôi hầu như không đi xe máy nữa. Đi ô tô thì rất khó để đánh tôi. Nếu cứ rình thì kiểu gì cũng đánh được. Chúng là ma tôi là người, tránh sao được. Nhưng có một cái may là tôi đội mũ bảo hiểm vì đi xe máy. Mũ bảo hiểm rất tốt. Gậy vụt nhiều như thế mà nó không vỡ. Gậy vụt nhiều thì rất là đau. Trong cái may lại có cái rủi. Là cái mũ trở thành cái thớt, tay tôi như con cá đặt lên cái thớt. Và nó đập nát tay tôi. Nó đập vào tay thì không đập vào đầu.
* Được biết anh bị thương ở tay, vậy thì anh viết báo làm sao bây giờ?
- Chúng đập vỡ xương ngón tay trỏ của tôi, ngón tay bị nát thịt, bay mất móng. Bác sĩ tiêm trực tiếp 2 mũi tiêm xuyên qua ngón tay của tôi để gây mê. Sau đó lóc thịt đi, cắt bỏ móng tay, cạo trơ xương ra, chụp chiếu. Ngày nào tôi cũng phải vào viện thay băng. 3 tiếng tôi phải uống thuốc giảm đau một lần, nếu không thì không chịu được. Đêm không thể ngủ nổi vì đau buốt.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- PV) vừa viết thư cho tôi. Trong thư ông viết cũng trùng khớp với suy nghĩ của tôi, rằng chúng muốn đập nát tay phải của một người cầm bút tay phải như tôi. Và tay cầm bút thì quan trọng nhất là ngón tay trỏ thì nó đánh đúng ngón đó. Tôi nghĩ rằng, phán đoán rằng đây là một hành động trả thù rất tàn ác và tinh vi. Đây không phải là thù oán thường, không phải một người thất học mà của những kẻ có âm mưu, tính toán rất ma lanh.
[caption id="attachment_89148" align="aligncenter" width="640"]
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang được các nhân viên y tế chăm sóc. (Ảnh do nhân vật cung cấp) - Nguồn Soha.vn[/caption]
Khi nó lành lại, tôi sẽ tiếp tục viết chứ.
* Sau khi tỉnh dậy, anh thấy xung quanh mình như thế nào?
- Có một điều tôi rất buồn là khi tỉnh dậy tôi chặn 3 cái xe máy xin đi nhờ nhưng không ai cho tôi đi nhờ để thoát khỏi đó cả, mặc dù tôi nằm ở đó, sắp chết. Xe tôi nằm đó, tôi bị trầy xước, chảy máu, tôi kêu cứu nhưng không một người nào trực tiếp cứu tôi cả. Cuối cùng tôi chặn được một câu sinh viên, tôi phải nói là cho chú đi nhờ, chú sẽ không chạm vào để dây máu vào cháu đâu. Cậu bé đồng ý cho tôi đi. Tôi đi nhờ mấy trăm mét ra đến đường lớn, rồi tôi bắt taxi tự đi cấp cứu. Cậu lái xe tắc xi rất tốt bụng, đưa tôi đi cấp cứu, đến khi tôi bảo tự móc tiền trong túi tôi để trả, đi ra khỏi phòng cấp cứu thì cậu ấy mới đi và rất là lễ phép. Cậu ấy rất thương tôi.
Khi tôi vào phòng cấp cứu của Viện Y học cổ truyền quân đội thì có một thiếu tướng trực tiếp ra giúp đỡ tôi. Điều đó cho thấy rằng bên cạnh những người vô cảm thì xã hội còn rất nhiều người tốt, giúp đỡ những người lâm nạn như tôi.
Sau khi bị đánh, tôi vào chụp phim thì ngón tay tôi bị vỡ xương, toàn thân thâm tím rất nhiều, vai cổ. Đến đêm mới thấy nó đau đến nhường nào. Thực sự tôi đã nghĩ mình không sống được nữa.
“Tôi bị đe dọa rất nhiều”
* Anh nghĩ, lí do gì khiến anh bị tấn công dã man như vậy?
- Gần đây tôi làm điều tra rất nhiều. Có rất nhiều đối tượng đã phải tán gia bại sản, phá dỡ, công an bắt giữ đường dây của chúng. Có những vụ tấn công thẳng vào “sào huyệt”, phá tan đường dây của chúng nên tôi có thể gặp phải những hiểm nguy hiếm người gặp phải.
Tôi chưa bao giờ công bố. Tôi làm điều tra rất nhiều. Trước và sau khi đăng báo thì tôi đều nhận được những lời đe dọa. Trong khi đang tác nghiệp, vừa nhìn thấy chúng tôi, đã dọa đánh, dọa chửi. Trong đối tượng nào là đối tượng dám làm điều vừa rồi thì cần cơ quan điều tra phát hiện, làm rõ. Cơ quan công an sẽ là cơ quan quyết định vấn đề.
* Trong suốt năm tháng làm một nhà báo điều tra, anh đã trải qua những thách thức gì?
- Bản thân tôi luôn có sự đề phòng. Khi làm điều tra, tôi thường xuyên nhận được lời chửi bới, cao hơn là đe dọa, nhắn tin, mày tao, văng tục trong điện thoại, muốn chết à? Muốn nổ tung à? Rất nhiều thành phần tôi đã phỏng vấn đã nhắc đến chuyện xã hội đen. Các đối tượng cầm đầu đường dây xã hội đen. Rất nhiều người có uy tín trong xã hội khi được phỏng vấn cũng nhắc nhở tôi về điều đó.
[caption id="attachment_89147" align="aligncenter" width="640"]
Hiện nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang được bảo vệ tại một nơi an toàn ( Ảnh nhân vật cung cấp) - Nguồn Soha.vn[/caption]
Đặc biệt nhất là Khi tôi điều tra một người mà hắn dùng xã hội đen để tấn công người khác. Tôi viết báo để bảo vệ người bị hại thì những đồng nghiệp của đối tượng ấy đã nhắc đi nhắc lại với tôi rằng có đến năm bảy nhóm côn đồ trong tay. Tôi không dám nghi cho đối tượng nào. Cái việc tôi bị tấn công thì không ai mong muốn trừ những người tấn công tôi hoặc họ thuê tấn công.
Tôi không bất ngờ. Nhưng tôi không thể tính được là nó manh động đến mức đấy. Tôi thường xuyên di chuyển bằng ô tô. Chỉ có khoảnh khắc rất ngắn là tôi ra khỏi xe và chúng rình đúng lúc đó. Chứng tỏ họ đã theo dõi tôi rất lâu để biết lịch trình của tôi.
Thứ nữa là mọi khi tôi đi con đường rất đông nhưng do có việc nhỏ nên tôi đi con đường vắng. Chúng vượt lên chặn đường tôi. Tôi nghĩ là chúng có nhiều nhóm chứ không phải 1 nhóm bám sau đuôi, điều hành bằng điện thoại, nhiều ngả đường khác nhau chọn thời điểm tấn công. Lúc đó là 8h kém 13 phút ngày 23.3.2016.
* Anh nghĩ sao về việc một nhà báo nổi tiếng như anh lại bị tấn công?
- Không chỉ tôi, hang vạn nhà báo khác ở Việt Nam sẽ còn gặp phải nguy hiểm như tôi. Tôi hy vọng rằng tôi sẽ là giọt nước làm tràn ly, để cơ quan chức năng vào cuộc, chấm dứt các hành vi tội ác, để các nhà báo khác được an toàn.
Có quá nhiều vụ mà chúng tôi làm điều tra như công an, đầy đủ tài liệu, bằng chứng, gặp hiểm nguy không kém gì cơ quan công an, trong khi cơ quan công an được trang bị, bảo vệ.
* Cơ quan chức năng đã vào cuộc như thế nào để xử lý vụ việc?
- Ngay sau khi tôi trình báo thì cơ quan công an đã rất tích cực vào cuộc, điều tra vụ này. Họ rất có trách nhiệm. Trong lúc tôi đi cấp cứu thì lực lượng cảnh sát hình sự Hà Nội và cảnh sát quận Hoàng mai đã đến hiện trường đợi tôi. Tôi cấp cứu xong phải đi cắt kính vì đối tượng đập vỡ kính của tôi, tôi không nhìn thấy gì hết. Tôi rất biết ơn cơ quan điều tra đã vào cuộc một cách rất trách nhiệm, rất nghiêm túc. Rất tiếc đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới.
Tôi khá yên tâm vào sự nghiêm túc đó nhưng các đối tượng khá là tinh vi, tôi thấy có rất nhiều khó khăn và thách thức với cơ quan công an. Nhưng tôi tin rằng sự nghiêm túc đó và sự lên tiếng của đông đảo cơ quan báo chí, truyền hình, mạng xã hội thì tôi thấy mình được động viên khá nhiều.
Đâu là niềm tin để tôi chiến đấu tiếp?
* Lần này anh đã trải qua nguy hiểm như thế, anh có chùn bước không?
- Bạn đừng nghĩ rằng bạn sẽ không bị đánh như tôi, cũng đừng tin rằng mai tôi sẽ không bị đánh tiếp. Tôi hoàn toàn có thể bị đánh tiếp, bạn cũng có thể bị đánh, bất kì ai cũng có thể bị đánh. Tôi là người cực kì cẩn thận. Tôi không bao giờ mở cửa xe cho ai mà không biết chắc lí do. Nhưng nó đã theo dõi mình kĩ như vậy, đánh tự tin như vậy rồi bỏ đi một cách cũng tự tin như vậy thì tôi thực sự là thấy hoang mang. Ai cũng có thể thuê một cái hợp đồng đánh mướn. Liệu ngày mai ai sẽ bị đánh như tôi, tôi có bị đánh nữa không, ngày mai tôi có còn chống cự được nữa hay không khi tôi bị ngất ra như vâỵ, chúng có giết tôi không.
Bạn hỏi tôi có chùn bước không? Chắc chắn là tôi chùn bước. Tôi không thấy hèn khi tôi nói như vậy. Có những vụ chưa đăng báo tôi đã bị đe dọa rồi, đăng báo rồi chúng còn đe dọa nữa, nó dám làm như thế này thì tôi cũng phải dừng lại thôi. Vì không ai bảo vệ tôi. Không ai biết tôi ở đâu, làm gì trong một giờ nữa nhưng các đối tượng theo dõi tôi thì chúng biết. Cho nên tôi sẽ dừng lại. Tôi nói vậy mà không xấu hổ, không thấy mình hèn.
Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ điều tra. Tôi sẽ ẩn mình kĩ hơn để điều tra. Bằng cách điều tra theo nhóm để không biết là ai đang điều tra. Thứ hai sẽ có sự hỗ trợ nhiều hơn của cơ quan chức năng. Thứ ba, không để lộ thông tin gì với đối tượng khi hóa trang.
Không biết tôi sơ hở ở đâu để lần này tôi bị như vậy, hoặc đối tượng tinh vi hơn cả những nhà báo điều tra có kinh nghiệm, đang trải nghiệm và đang ẩn mình. Nếu bạn không chùn bước, chúng sẽ không tha cho bạn đâu.
Chừng nào bạn không được bảo vệ một cách an toàn, tôi dám chắc rằng bạn không dám xông lên. Không có một hậu phương vững chắc thì bạn sẽ không bao giờ xông ra tiền tuyến đâu.
* Anh nghĩ sự việc có thể được làm sáng tỏ không, khi mà manh mối về những kẻ tấn công không nhiều?
- Tôi tin sự việc sẽ được làm sáng tỏ. Từ sáng đến giờ tôi nhận được hàng nghìn tin nhắn, hàng trăm cuộc điện thoại và rất rất nhiều email. Trong số đó có các cơ quan quản lý báo chí, các đại biểu quốc hội, các cơ quan công an cấp cao đã động viên và hứa sẽ đưa vụ việc ra ánh sáng. Tôi tin rằng với sự ra quân tổng lực rằng vụ này sẽ có kết quả. Điều tôi vui mừng nhất là đồng nghiệp đã vào cuộc rất đông. Họ viết thì tôi có được gì đâu, tay tôi đã nát rồi. Nhưng tôi thấy rằng họ đi bên cạnh tôi khi tôi gặp khó khăn.
* Anh đã dấn thân trong nghề báo nhưng sự dấn thân của anh đã khiến anh gặp nguy hiểm. Anh có mong muốn gì để thay đổi điều đó?
- Những người làm báo điều tra như tôi luôn muốn bài viết của mình thay đổi cuộc sống, muốn làm gì cho xã hội tốt đẹp hơn. Chúng tôi phải chiến đấu chống tiêu cực. Nhóm những người làm phóng sự như tôi luôn muốn làm gì đó cho xã hội. Chúng tôi cũng muốn xã hội bảo vệ chúng tôi, đồng hành cùng chúng tôi để chúng tôi tiếp tục công việc của mình.
Tôi muốn cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm nghiêm những vụ như thế này. Phải có cơ chế để các nhà báo được bảo vệ. Làm phóng sự điều tra rất nguy hiểm, đấy là lí do tôi luôn bảo vệ mình. Rất khó để bảo vệ mình trước bọn côn đồ được, chúng có dao có súng, còn người lương thiện chúng tôi mà mang dao kiếm thì lại vi phạm luật pháp. Chúng tôi làm nghề chữ nghĩa, không phải vai u thịt bắp mà đánh thắng chúng được. Chúng tôi cần một xã hội mà chúng tôi được bảo vệ, với tư cách là những người lương thiện, để luôn được an toàn. Không thể có chuyện thuê bọn côn đồ đánh chúng tôi như thế được, đó là chuyện không thể chấp nhận nhưng nó đã diễn ra. Không ai mong muốn, cũng chưa kết luận gì khi cơ quan điều tra chưa đưa ra kết luận chính thức. Nhưng sự thật 3 tên côn đồ đã rình rập tôi, túm được tôi trong cái xó xỉnh đó, đánh tôi ngất xỉu nằm đó, giờ vẫn chưa lộ tung tích thì đâu là cái động lực, đâu là niềm tin để tôi chiến đấu tiếp?
* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện đầy đau đớn này! Chúc anh sớm lành vết thương và có thể tiếp tục chiến đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn!
Theo Laodong.com.vn