Nhà báo Hà Thành - Báo điện tử VTC News: Từ phóng viên thể thao đến niềm đam mê sáng tác tranh cổ động

Thứ năm, 01/10/2020 09:58 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Gần 15 năm gắn bó với nghề báo, nhà báo Hà Thành - Báo điện tử VTC News được biết đến là một phóng viên thể thao năng động, sáng tạo. Những sự kiện thể thao lớn, nhỏ trong nước và quốc tế đều được thể hiện sắc nét qua từng bài báo, tấm ảnh.

Nhưng ở một niềm đam mê khác người ta bắt gặp anh luôn lặng lẽ làm việc và cho ra đời những tác phẩm tranh vẽ mang giá trị và dấu ấn riêng.

Làm báo giúp anh vừa được sống bằng nghề vừa được sống với niềm đam mê

Tốt nghiệp ngành văn hóa tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2007, tuy nhiên anh đã lựa chọn con đường đi tìm hiểu văn hóa từ thực tế thay vì tập trung học lý thuyết. Khi đến các vùng miền giúp anh tích góp được nhiều kiến thức về văn hóa.

Nghề báo như là lựa chọn hoàn hảo cho con đường anh đã chọn, anh hy vọng nghề báo sẽ cho anh có cơ hội đi nhiều và tìm đến những nền văn hóa đặc trưng ở mỗi địa phương trong nước. Làm báo giúp anh vừa được sống bằng nghề vừa được sống với niềm đam mê và quan trọng hơn hết nó sẽ mang lại những trải nghiệm đáng quý về cuộc sống, con người.

Nhà báo Hà Thành đưa tin về Seagame 2009 diễn ra tại Lào.

Nhà báo Hà Thành đưa tin về Seagame 2009 diễn ra tại Lào.

Nhưng nếu phóng viên chỉ theo dõi văn hóa đơn thuần thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu thiết thực, vì phải chạy theo thị hiếu bạn đọc, nhiều cơ quan báo chí sẽ tập trung đọc những vấn đề nóng như: thể thao, bóng đá, giải trí… nhiều hơn là về tìm hiểu các công trình văn hóa, các giá trị văn hóa cổ truyền ở mỗi địa phương.

Nhà báo Hà Thành nhớ lại: “Thời đó, làm văn hóa thì rất kén người đọc, số lượng người đọc về lĩnh vực này ít, ở môi trường năng động như Báo điện tử VTC News - mạnh về tin tức thời sự, những bài viết về văn hóa mang tính nghiên cứu sâu về văn hóa chỉ thích hợp với tạp chí nghiên cứu chuyên ngành nhiều hơn. Lúc đó tôi xác định làm văn hóa của một báo điện tử phải tập trung vào lĩnh vực thể thao giải trí để thu hút độc giả và đó như là văn hóa ngày”.

Và anh bén duyên với nghề phóng viên thể thao cũng tình cờ như thế, thể thao giúp anh có cơ hội để tiếp tục cầm bút, tiếp tục cống hiến bằng những tác phẩm của mình và hơn hết thể thao cho anh được tiếp tục đi và trải nghiệm ở những vùng miền đất mới.

Nghề báo là nghề vất vả, phóng viên theo dõi thể thao càng cực hơn. Nhưng điều quan trọng nhất của một phóng viên thể thao vẫn là phải có đam mê thể thao, nhất là bóng đá môn thể thao vua, nếu không mê rất khó có thể theo được. Để có hình ảnh hấp dẫn buộc phóng viên thể thao phải sử dụng công nghệ, không chỉ là máy ảnh cỡ lớn, đó còn là những thiết bị truyền thông tin dữ liệu để trong khi sự kiện thể thao đang diễn ra, thông tin hình ảnh được đăng tải kịp thời. Nhà báo Hà Thành chia sẻ: “Có thể người theo thể thao không có đủ sức khỏe để trực tiếp tham gia môn thể thao đó, nhưng ít nhất anh cũng phải hiểu về môn đó. Như môn bóng đá, các trận đấu diễn ra chủ yếu là buổi tối, nửa đêm, nếu không có đam mê chắc chắn người làm tin đó không thể thức cả đêm theo dõi diễn biến cũng như phát hiện ra điều gì thú vị trong toàn bộ trận đấu”.

Nhà báo Hà Thành và tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhà báo Hà Thành và tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Để thu hút độc giả, ngoài việc hiểu biết về môn thể thao, đội tuyển, vận động viên đó thì người làm tin tức thể thao cũng cần đổi mới cách làm để thu hút bạn đọc và cạnh tranh với những sự kiện khác. Không chỉ giật tít thật hay mà đòi hỏi thông tin chính xác. Theo nhà báo Hà Thành: “Hấp dẫn mà không đúng với bản chất dẫn đến sai hay gây hiểu lầm cho người đọc là điều không nên chút nào”.

Nhớ lại lần đưa tin về SeaGames 2009 diễn ra tại Lào, anh cho rằng: Đây cũng là kỳ SeaGames đầu tiên anh tham dự và đưa tin. Do chưa có chi phí cho chuyến đi, anh đã tự cầm cố chiếc xe máy của mình để dùng tiền đó mua vé ô tô di chuyển sang thủ đô Viên Chăn để tác nghiệp. Một sự kiện thể thao lớn kéo dài, xen lẫn thời gian nghỉ ngơi đã giúp anh có cơ hội khám phá văn hóa của đất nước chùa Tháp nổi tiếng này. May mắn là khi trở về với số tiền nhuận bút của mình anh đã lấy được xe ra. Nhớ lại thời kỳ khó khăn đó, anh cho rằng: “Điều quan trọng là máu nghề, khi vào nghề bạn cảm thấy yêu nghề và cảm thấy gắn bó với nghề luôn thì mọi lý do, mọi khó khăn, thiếu thốn sẽ dễ dàng vượt qua, khi ấy là dấn thân thực sự”.

Vẽ để tuyên truyền được trực diện, hiệu quả cao nhất

Trong quá trình làm báo, ngoài sáng tạo những bài viết về văn hóa, thể thao, nhà báo Hà Thành còn thường xuyên thiết kế trình bày báo, đặc biệt là bìa báo. Với kỹ năng thiết kế đồ họa, sử dụng đồ họa máy tính thành thạo đã giúp anh có những tác phẩm hấp dẫn, đầy sáng tạo. Hay những năm gần đây, chuyển đổi theo xu hướng báo chí hiện đại, anh thường xuyên sử dụng cách trình bày mới như: long-form, e-magazine hay megastory vào trong những bài báo điện tử của mình.

Trong những ngày lễ, dịp kỷ niệm hay sự kiện lớn của dân tộc, các báo đều có những thay đổi về giao diện hay có một khẩu hiệu trên báo mới nhằm thu hút độc giả và tăng hiệu quả tuyên truyền. Anh Hà Thành nhớ lại, trong dịp Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (năm 2011), anh có vẽ một loạt tranh cổ động về đề tài Bác Hồ để đăng trên báo mình. Loạt tranh nói về quá trình ra đi tìm đường cứu nước đã thu hút lượng xem lớn và có sức lan tỏa cao. Ngay sau đó, phía Bảo tàng Hồ Chí Minh đã liên hệ để xin bản quyền những bức tranh đó để trưng bày.

Tranh Covid-19 của nhà báo Hà Thành.

Tranh Covid-19 của nhà báo Hà Thành.

Hay gần đây nhất trong Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà báo Hà Thành là tác giả trẻ tuổi nhất, cũng là người sở hữu nhiều giải thưởng nhất của cuộc thi. Học tập và làm việc tại Thủ đô nghìn năm văn hiến đã tạo cho anh cơ hội tìm hiểu văn hóa truyền thống nơi này và anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, di sản Thủ đô.

Anh cho biết: “Từ khi học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tôi đã rất say mê tìm hiểu văn hóa truyền thống của mảnh đất hơn nghìn năm tuổi, dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, di sản Thủ đô. Cuộc thi sáng tác lần này là cơ hội để tôi thể hiện tình cảm của mình”. Và bằng chất liệu văn hóa dân gian, những công trình kiến trúc đặc trưng hay hình ảnh biểu tượng cho bề dày lịch sử Thăng Long - Hà Nội đều được anh khai thác, thể hiện một cách súc tích, cô đọng, dễ hiểu nhất bằng ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của dòng tranh cổ động.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế có kêu gọi tất cả họa sỹ gửi các tác phẩm tranh cổ động về phòng chống dịch Covid-19 về để lựa chọn trưng bày trên các tấm áp-phích đường phố… Chỉ có vài ngày để thiết kế và vẽ, Hà Thành đã gửi nhiều tác phẩm về ban tổ chức. Ngay sau đó, hàng loạt tranh của anh được trưng bày ở khắp nơi, từ công sở đến ngoài đường phố. Những bức tranh đã tác động trực tiếp thị giác người dân, thông qua những bức tranh cổ động chính là vũ khí làm nên chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Nhắc đến nhà báo Hà Thành, nhiều người sẽ hình dung anh là một phóng viên chuyên trách thể thao, còn đối với lĩnh vực văn hóa người ta biết đến anh như một người họa sỹ đa tài. Nhưng dù là phóng viên thể thao hay người họa sỹ trong anh vẫn có một điểm chung là tình yêu quê hương đất nước và mong muốn được sáng tạo, cống hiến. Viết về thể thao để khơi thêm sức mạnh dân tộc và đam mê vẽ tranh giúp anh tìm về ký ức, hiểu hơn những giá trị trường tồn của dân tộc.

Lê Tâm

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo