(NB-CL) 18 năm làm báo và gắn bó với tờ báo duy nhất như Hoàng Lan Anh kể ra rất ít trong làng báo hiện nay. Điều khác nữa ở Hoàng Lan Anh là trước khi làm báo, chị đã từng bén duyên với văn chương. Giờ đây, chị tâm sự: Dường như văn chương với tôi chỉ là một cuộc dạo chơi của thời sinh viên, còn báo chí mới chính là cái “nghiệp” tôi gắn bó cả đời.
Quen ... áp lực của nhật báo
+ Điều gì đã khiến một Hoàng Lan Anh “phụ tình” văn chương để tới với nghề báo? Có lúc nào đó chị cảm thấy nuối tiếc rằng mình đã chọn sai? - Khi tốt nghiệp trung học, tôi băn khoăn giữa việc chọn trường báo chí hay trường luật. Lúc ấy bố tôi thích tôi học báo chí, nhưng tôi thì chưa thích lắm, vì tôi nghĩ tính cách mình phù hợp với ngành luật hơn. Nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn trường báo và quả thực nhìn lại, đó là một lựa chọn sáng suốt. Nếu bây giờ phải lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề nghiệp này. Tôi bước vào nghề báo với suy nghĩ mình được làm một nghề mình yêu thích, một nghề luôn có sự sáng tạo và phản biện. Đến bây giờ suy nghĩ ấy vẫn không thay đổi, mặc dù tôi cũng đã chịu những bầm dập của nghề trong suốt chừng ấy năm.
+ Gần 20 năm làm nghề, chị vẫn viết báo với cường độ cao như những ngày đầu, thậm chí nhiều hơn. Có bao giờ chị cảm thấy quá áp lực, quá vất vả? - Khi còn học ở trường báo chí, tôi nhớ đọc một câu của tiền bối, đại ý nhà báo có thể ví như một vận động viên có sức chịu đựng bền bỉ, có khi phải bỏ cả ăn ngủ, làm việc không kể giờ nào. Ngay khi tốt nghiệp đại học, trở thành phóng viên của báo Người lao động tại Hà Nội, tôi đã cảm nhận được điều này. Tất cả chúng tôi khi ấy đều lăn xả với nỗ lực đưa tin bài hay, độc, sớm đến độc giả, và nhịp điệu ấy duy trì đến tận bây giờ. Câu hỏi của chị làm tôi giật mình nhìn lại, rằng tôi có vất vả với công việc viết báo của mình không? Đúng là tôi đã quen với áp lực công việc của phóng viên một tờ nhật báo, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc không cảm nhận được sự vất vả. Không hiếm khi tôi và các đồng nghiệp của mình ra khỏi nhà vào sáng sớm và về nhà khi đã rất khuya rồi lại thức viết bài đến 2-3 giờ sáng. Chạy theo thời sự liên tục đôi khi khiến chúng tôi stress vì quá căng thẳng.
+ Đồng nghiệp nhìn thấy chị lúc nào cũng ở trạng thái làm việc hối hả. Có khi nào chị cảm thấy mình cần... chậm lại không? - Tôi nghĩ không phải tôi mà ai cũng vậy thôi, cũng sẽ cần những đi thật chậm, sau những phút giây bận rộn. Cứ thử tưởng tượng nhà báo như một vận động viên, chạy mãi thì cũng đến lúc cần nghỉ lấy sức để chạy tiếp trên con đường của mình. Làm việc với những con chữ đôi khi rất mệt, và những lúc ấy, tôi ước, mình có thể bắt đầu một chuyến đi xa mà không phải nghĩ đến bài vở của mình. Nhưng thực lòng, tôi không xa được cái bàn phím của mình được lâu. Chúng tôi vẫn đùa mình là “nô lệ bàn phím”, không viết là nhớ. Và thực ra, khi đã là một cái nghiệp, bạn sẽ rất khó rời bỏ nó quá vài ngày. Viết báo, với tôi là một công việc kiếm sống, nhưng hơn thế, nó còn là một nghề nghiệp mình trân quý vì có thể sẽ giúp ích cho nhiều người.
+ Có bao giờ chị thấy mình thất bại trước chính đề tài mà mình đặt ra? - Không hiếm khi tôi thất bại trước các đề tài của mình. Không thu thập đủ thông tin, bị từ chối phỏng vấn, thông tin “nhạy cảm”... nói chung đầy đủ các lý do. Nhưng dù vậy, tôi cũng luôn cố gắng khai thác thông tin theo nhiều chiều hướng khác nhau để có thể đưa đến độc giả những vấn đề nóng được quan tâm.
Nghề báo: luôn sáng tạo và phản biện
+ 18 năm làm báo- chắc hẳn chị đã có cho mình một hành trình làm báo với nhiều trải nghiệm thú vị. Có bao giờ chị nghĩ tới việc chị sẽ in một cuốn sách tuyển tập những bài viết của mình như nhiều đồng nghiệp vẫn hay làm? Những bài viết ấy có ý nghĩa thế nào đối với chị? - Khi đặt tên mình dưới mỗi bài viết, đồng nghĩa với việc tôi đưa quan điểm, suy nghĩ của mình qua những bài báo, sao tôi có thể không yêu những đứa con tinh thần của mình? Tuy nhiên in sách thì tôi chưa nghĩ đến, vì tôi nghĩ mình chưa đủ... tầm để làm việc đó.
+ Hình ảnh chị viết bài rất nhanh “ám ảnh” khá nhiều đồng nghiệp. Viết nhanh đồng nghĩa với việc tư duy đề tài, vấn đề nhanh. Bí quyết nào để chị có thể tạo cho mình tư duy lẫn cách viết nhanh như thế? - Tôi tưởng tượng đến phản hồi của độc giả và nghĩ đến hình ảnh những đứa con ở nhà đang chờ mình. Để viết nhanh, viết nhiều, viết tốt... trước hết, cần có sự nhạy cảm nghề nghiệp. Nếu không có sự nhạy cảm để phát hiện ra những đề tài mới, hướng đi mới, người ta sẽ khó thành công trong việc trở thành một nhà báo giỏi. Nhưng đó chỉ là một yếu tố, để viết nhanh, nhiều, tốt như chị nói thì một nhà báo cần phải có rất nhiều mối quan hệ để cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất cho mình. Trong thời đại cạnh tranh thông tin đến từng phút thì việc có một nguồn tin nóng nhất, sớm nhất giúp nhà báo rất nhiều trong việc tạo nên thương hiệu cho mình cũng như cả tờ báo. Thêm nữa là phải có tình yêu nghề nghiệp và đặc biệt là sức khỏe để có thể sẵn sàng “chạy” theo những sự kiện hàng ngày đang diễn ra.
Làm mới mình bằng những chuyến đi
+ Đôi khi mệt mỏi, chị làm mới mình như thế nào? Liệu có phải bằng những chuyến đi viết phóng sự, tản mạn- gần với văn chương, một phần tố chất của con người chị? - Khi quá căng thẳng với việc chạy theo thời sự, tôi dành thời gian cho những chuyến đi xa, dù để sắp xếp được điều này không phải là dễ dàng. “Xách ba lô lên và đi” giúp tôi làm mới lại mình cũng như có thời gian tìm hiểu những điều mới mẻ xung quanh. Khi không phải chạy theo thời sự, tôi muốn được viết những gì mình thích, được trải nghiệm nhiều cuộc sống khác nhau.
+ Hoàng Lan Anh của văn chương những ngày chập chững vào nghề báo có lẽ đã giúp chị có chiều sâu hơn khi viết báo. Viết báo nhiều, chạy theo sự kiện nhiều có khiến chị bỏ quên con người văn chương của mình? Có khi nào chị cảm thấy nuối tiếc những mạch văn chương ấy? - Tôi phải thú nhận rằng chính cái mác “nhà văn trẻ” đã khiến nhiều cô, chú, anh chị em ở báo Người lao động có thiện cảm với tôi từ khi tôi chưa tốt nghiệp đại học. Chính những bài báo đậm chất văn chương là cơ duyên giúp tôi đến với tờ báo mà tôi đã gắn bó suốt 18 năm nay.
Rất nhiều người hỏi tôi, sao bấy lâu nay không thấy tôi viết lách gì (truyện ngắn – PV). Thực ra đôi khi tôi cũng thử ngồi vào bàn, nhưng rồi đúng như chị nói, chưa kịp vào mạch văn chương thì tôi đã bị cuốn trôi bởi rất nhiều thời sự đang diễn ra hàng ngày. Thời gian vẫn chỉ có 24 giờ/ngày, mà tôi thì ngoài bài vở báo chí còn phải chăm sóc gia đình, con cái, vì thế quỹ thời gian cho riêng mình ngày càng eo hẹp đi. Cứ thế rồi đến một ngày, tôi nhận ra hình như mình không còn có thể viết văn được nữa. Dường như văn chương với tôi chỉ là một cuộc dạo chơi của thời sinh viên, còn báo chí mới chính là cái “nghiệp” tôi gắn bó cả đời.
H.N