(CLO) Đồng hành cùng Thiếu tá, Nhà báo Hoàng Trường Giang, Báo Quân đội nhân dân trong nhiều chuyến đi tình nguyện, trao tài trợ đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong nhiều năm, tôi thấy anh cứ mê mải, say sưa với biết bao mảnh đất nghèo khó, tha thiết muốn giúp đỡ những người yếu thế trên khắp đất nước.
Trong những ngày tháng 10, với dấu ấn 72 năm thành lập báo Quân đội nhân dân, chúng tôi có dịp ngồi lại bên nhau, ôn lại những ngày rong ruổi ấy để cùng có những câu chuyện về nghề, về những đam mê trong công tác an sinh xã hội...
Nhà báo Hoàng Trường Giang tặng quà các cháu mầm non xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên năm 2015
Người lính mê mải trên những cung đường chưa trải nhựa
- Bản thân tôi là người đã đi cùng anh không ít chuyến thiện nguyện đến những bản làng thâm sơn cùng cốc của đất nước mình, có hành trình cả nghìn km đèo dốc, rất khó khăn, vất vả. Đôi khi tôi tự hỏi sao anh lại không thấy mệt, không thấy nản khi cứ liên tục lên đường như vậy?
Nhà báo Hoàng Trường Giang tham gia vận chuyển hàng cứu trợ lũ lụt tại Đà Bắc, Hòa Bình năm 2018
Nhà báo Hoàng Trường Giang: Thực sự nếu nói là không mệt, không nản thì là nói sai. Tôi hay bất cứ một tình nguyện viên lâu năm nào cũng vậy, sức người có hạn, đi nhiều, đi xa, đi đến những nơi sơn cùng thủy tận như vậy, chắc chắn là mệt rồi. Chưa kể hầu hết các chuyến đi của tôi trong gần 15 năm qua, tôi đều tự lái xe cá nhân cả đi cả về, đôi khi mới có anh em bạn bè đi cùng thì hỗ trợ lái giúp nhau được một chút. Sau mỗi chuyến đi, tôi đều nghĩ là có lẽ phải dừng lại nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tham gia tiếp. Vậy mà cứ như một cơ duyên nào đó rất khó giải thích đã gắn lấy bản thân, những câu chuyện mới, địa chỉ mới, hoàn cảnh mới lại đến ngay sau đó, và tôi lại lên kế hoạch tình nguyện mới được ngay.
Nhà báo Hoàng Trường Giang trao tặng áo ấm cho học sinh Trường tiểu học Bế Văn Đàn, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái năm 2015
Hơn chục năm trước, khi bắt đầu tham gia những hành trình đầu tiên lên biên giới để tổ chức các hoạt động tài trợ, tặng quà, nhiều người đã nghĩ tôi còn trẻ thì hăng hái được vài ba cuộc là “chán” ngay. Vậy mà đến giờ tôi vẫn chưa “chán”, thế là cũng có duyên với hoạt động tình nguyện được khá lâu rồi. Như lời một chị bạn làm lãnh đạo ngân hàng từng nhắn chúc mừng sinh nhật tôi rằng: "Chúc Giang giữ mãi ngọn lửa của một người lính luôn mê mải trên những cung đường chưa trải nhựa”.
Chương trình tài trợ tại huyên Vân Hồ, tỉnh Sơn La, do nhà báo Hoàng Trường Giang phát động năm 2022
- Tôi có hơn 6 năm gắn bó ở Báo Quân đội nhân dân và đã chứng kiến nhiều hoạt động tình nguyện do anh khởi xướng. Vậy thời gian trước đó thì sao, “cơn cớ” nào đưa anh đến với hành trình thiện nguyện kéo dài hơn một thập kỷ này?
Nhà báo Hoàng Trường Giang: Để mà gọi tên một nguyên do cụ thể nào đó đã dẫn đường chỉ lối cho mình tham gia vào các hoạt động tình nguyện thì cũng khó rõ ràng. Tuy nhiên bản tính tôi từ khi thiếu niên rồi lớn lên rời vùng cao Lai Châu về Hà Nội học đại học là đã hay cảm động trước những hoàn cảnh khó khăn, những thân phận éo le ngoài xã hội.
Nhà báo Hoàng Trường Giang: Cá nhân tôi rất thích một câu ngạn ngữ của người Do Thái, đại ý là: Khi tặng hoa cho người khác thì người ngửi mùi hương thơm đầu tiên chính là chúng ta.
Sau này khi ra trường đi làm, lần đầu tiên tôi tham gia một chương trình thiện nguyện là khoảng cuối tháng 12/2007. Dịp đó gia đình chị Hồ Phương Thảo và anh Lưu Vĩnh Phúc (Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Nền móng Long Giang) rủ tôi tham gia chuyến tặng quà Tết tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (Ba Vì, Hà Nội). Đi cùng đoàn, tôi chứng kiến những thân phận người vô cùng đau khổ, rồi cảm phục trước tấm lòng của những người đi làm thiện nguyện. Tôi đã luôn tự hỏi, sao cuộc đời có nhiều người khổ thế, và sao cuộc sống có nhiều người tốt bụng thế. Từ đó tôi nung nấu ý định tổ chức các chương trình thiện nguyện, bắt đầu từ việc đi xin quần áo cũ, gom đồ chơi, sách vở cũ thừa, xin từng đôi dép tổ ong, đôi tất cho học sinh nghèo… Dần dần quen việc, biết cách làm thì tôi kết nối doanh nghiệp tài trợ xây dựng điểm trường, nhà bán trú…
Nhà báo Hoàng Trường Giang thường thường tập trung hướng tới các trường lớp vùng sâu, vùng xa, các thầy cô, học sinh nơi biên giới hoặc gia đình các đồng chí, đồng đội trong lực lượng vũ trang có hoàn cảnh khó khăn.
- Sau thời gian dài tham gia các hoạt động tình nguyện, đến nay anh có nhớ mình đã “xin” được bao nhiêu công trình, trị giá bao nhiêu không? Đối tượng, địa bàn anh thường tập trung hỗ trợ là thế nào?
Nhà báo Hoàng Trường Giang: Trước tiên cần phải khẳng định, tôi chỉ là người góp phần bắc cầu giữa nhà tài trợ và người thụ hưởng. Bản thân tôi không chủ định thống kê bao giờ nhưng cũng phải làm báo cáo với cơ quan tổ chức hoặc đơn vị tài trợ. Nếu tính các công trình xây dựng mà tôi trực tiếp tham gia khởi xướng vận động như điểm trường, nhà bán trú, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, hệ thống điện mặt trời… thì là 26 điểm (mỗi công trình thường dao động từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/điểm). Còn các chương trình tài trợ học bổng, tặng trang thiết bị đồ dùng học tập, chăn áo ấm, đồ dùng sinh hoạt hoặc hỗ trợ thiên tai lụt bão, chống dịch Covid-19 hay trực tiếp giúp các hoàn cảnh khó khăn thì tôi… không thể nhớ hết được.
Điểm trường mầm non Lản Nhì Thàng, Sì Lờ Lầu, Phong Thổ, Lai Châu được nhà báo Hoàng Trường Giang tổ chức xây dựng năm 2013
Về đối tượng thì tôi thường tập trung hướng tới các trường lớp vùng sâu, vùng xa, các thầy cô, học sinh nơi biên giới hoặc gia đình các đồng chí, đồng đội trong lực lượng vũ trang có hoàn cảnh khó khăn. Về địa bàn thì thời gian đầu, tôi chủ yếu tổ chức ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn…rồi sau này mở rộng vào Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tới cả Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một lá thư cảm ơn của cô giáo hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Thắng, thành phố Vũng Tàu gửi nhà báo Hoàng Trường Giang năm 2020
Tặng hoa cho người khác thì người ngửi được mùi hương đầu tiên là chính chúng ta
- Thưa anh, trong độ khoảng dăm năm trở lại đây, các hoạt động thiện nguyện ngày càng được phát triển nở rộ trong cộng đồng, đặc biệt là với sự giúp sức của mạng xã hội (Facebook; zalo; youtube…). Tuy nhiên cũng có nhiều tranh cãi, lùm xùm xung quanh không ít chương trình thiện nguyện, anh nghĩ sao về vấn đề này?
Nhà báo Hoàng Trường Giang trao quà cứu trợ lụt bão tại Mường La, Sơn La năm 2017
Nhà báo Hoàng Trường Giang: Tôi nghĩ đơn giản thôi, việc con người giúp đỡ lẫn nhau nó là một tất yếu tự nhiên trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Ví dụ như giai thoại về Margaret Mead (1901-1978), một nhà nhân chủng học nổi tiếng của Mỹ. Khi sinh viên hỏi bà coi dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh nhân loại là gì? Thật ngạc nhiên là Mead nói rằng, bằng chứng đầu tiên của nền văn minh là một chiếc xương đùi bị gãy được tìm thấy có niên đại khoảng 15.000 năm trước. Mẫu xương người này bị gãy và đã lành. Bởi vậy Margaret Mead cho rằng, xương đùi được chữa lành cho thấy ai đó đã giúp đỡ đồng loại, thay vì bỏ rơi họ để cứu lấy mạng sống của chính mình. Margaret Mead nói: “Giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn là lúc nền văn minh nhân loại bắt đầu. Đừng bao giờ nghi ngờ một nhóm nhỏ những con người tử tế, tận tâm có thể thay đổi thế giới. Xét đến cùng, đó là tất cả những gì chúng ta có”.
Ngay cả thời điểm dịch bệnh covid -19 đầy cam go, công tác thiện nguyện vẫn được triển khai tích cực. Trong ảnh là nhà báo Hoàng Trường Giang trao quà là vật chất chống dịch Covid-19 tại trạm kiểm soát biên phòng Ma Lù Thàng, Phong Thổ, Lai Châu năm 2021
Ở Việt Nam chúng ta cũng vậy, trải qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước từ cổ xưa đến nay, tính cố kết cộng đồng, chia ngọt sẻ bùi, lá lành đùm lá rách đã trở thành một đặc tính quy định trong ADN của người Việt. Chỉ khác là những năm gần đây khi công nghệ thông tin cùng các nền tảng mạng xã hội phát triển thì hoạt động thiện nguyện được biết đến nhiều hơn, lan tỏa hơn và cũng… thị phi hơn.
- Là một người tham gia các hoạt động thiện nguyện, anh có sợ dính vào “thị phi” hay ngại ngần mà dừng các chương trình của mình lại hay không?
Điểm trường mầm non Khuổi Hoa, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được nhà báo Hoàng Trường Giang gắn biển trao tặng năm 2015
Nhà báo Hoàng Trường Giang: Cá nhân tôi rất thích một câu ngạn ngữ của người Do Thái, đại ý là: Khi tặng hoa cho người khác thì người ngửi mùi hương thơm đầu tiên chính là chúng ta. Còn khi ném bùn vào người khác thì người bẩn tay đầu tiên cũng chính là ta. Giúp đỡ người xung quanh là một lẽ tự nhiên chứ chẳng có gì cao siêu cả, bởi bản thân ta mới chính là người “thụ hưởng” đầu tiên khi giúp ai đó. Như quan niệm Phật giáo về nhân quả cho rằng, từ thiện chẳng chứng tỏ mình đặc biệt hay mình giỏi. Nó chẳng chứng tỏ mình tốt. Từ thiện không phải do tôi giỏi, tôi tốt, tôi giàu, tôi hay. Từ thiện chỉ là hoạt động tự nhiên của nhân quả. Do nhân quả thì từ thiện xảy ra. Chẳng phải là ai hay, ai giỏi. Giống như là ở đâu có lửa cháy thì lấy nước để dập. Cứ tự nhiên thế thôi, tự nhiên xảy ra, nhân quả làm việc ấy. Là con người thì không ai hoàn hảo, cũng chẳng ai có thể nói tôi không sai bao giờ. Nhưng điều quan trọng là chúng ta luôn muốn làm tốt, làm đúng.
Một gia đình chiến sĩ hải quân tại Sầm Sơn, Thanh Hóa đón nhận tài trợ do nhà báo Hoàng Trường Giang phát động năm 2021
Bản thân tôi luôn xác định rõ việc tham gia các hoạt động thiện nguyện không phải “nghề nghiệp” của mình, nó chỉ là một công việc bản năng gắn với số mệnh. Là một người lính, một nhà báo, tôi phải hoàn thành các nhiệm vụ của cơ quan đơn vị, bên cạnh đó cũng phải chăm lo gia đình mình trước tiên rồi mới nghĩ đến việc giúp ai.
Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn là một trong những đối tượng được nhà báo Hoàng Trường Giang quan tâm và gắn bó nhiều năm nay.
Nhà báo Hoàng Trường Giang: Tôi làm được một vài điều nhỏ bé như vậy là vì có mọi người xung quanh đã kề vai, sát cánh qua từng năm, từng tháng, từng ngày. Tôi trân trọng và biết ơn họ.
- Chắc chắn là như vậy, quãng thời gian hơn 10 năm tham gia các hoạt động thiện nguyện, anh đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của rất nhiều người xung quanh?
Nhà báo Hoàng Trường Giang: Tất nhiên là thế, tôi có may mắn là được gia đình, cơ quan ủng hộ nên thuận lợi hơn trong việc tham gia tổ chức các hoạt động tình nguyện trong một thời gian dài. Ở đơn vị, bây giờ ngoài nhiệm vụ chuyên môn tôi cũng được giao phụ trách mảng công tác xã hội. Ở gia đình thì tôi chủ động đưa vợ con, người thân tham gia vào các chuyến tình nguyện, hay có chương trình đến phút chót vẫn thiếu kinh phí khá nhiều thì gia đình tự bỏ tiền ra ủng hộ nốt phần còn thiếu.
Nhà báo Hoàng Trường Giang chia sẻ rằng, anh luôn được gia đình và cơ quan ủng hộ trong hoạt động thiện nguyện. Trong ảnh là Nhà báo Hoàng Trường Giang và con trai trong một chuyến trao tài trợ
Bên cạnh đó là rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đồng chí, đồng đội, anh chị em, bạn bè, các nhà hảo tâm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đã đồng hành, tin tưởng, ủng hộ các hoạt động của tôi khởi xướng nhiều năm qua. Ai đó đã nói, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Điều đó chẳng bao giờ sai. Tôi làm được một vài điều nhỏ bé như vậy là vì có mọi người xung quanh đã kề vai, sát cánh qua từng năm, từng tháng, từng ngày. Tôi trân trọng và biết ơn họ.
Nhà báo Hoàng Trường Giang: Từ thiện chẳng chứng tỏ mình đặc biệt hay mình giỏi đâu.
Xin trân trọng cảm ơn anh, chúc anh cùng các cộng sự tiếp tục chân cứng đá mềm trên hành trình đi gieo cấy niềm vui trên mọi miền Tổ quốc!
(CLO) Mưa lớn đã trút xuống một số khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất ở Myanmar vào cuối tuần, điều này có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực cứu trợ và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
(CLO) Một nghiên cứu đã xếp hạng các quốc gia ít dùng tiền mặt nhất thế giới, dựa trên nhiều yếu tố như tỷ lệ sở hữu tiền điện tử, việc sử dụng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ, mức độ phổ biến của thanh toán di động và tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt trong tổng thanh toán.
(CLO) Theo Ban quản lý dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều hạng mục dự án đang bước vào giai đoạn nước rút với một số công trình cán đích trước ngày 30/4 và một số hạng mục khác dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
(CLO) Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa 2 xe máy xảy ra vào đêm 5/4 trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình khiến 2 người thiệt mạng và 1 người khác bị thương nặng.
(CLO) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây vừa đăng tải thông báo mời thầu cho gói thầu xây lắp, thuộc dự án xây dựng Trường Mầm non Phú Thịnh.
(CLO) Những ngày đầu tháng 4, vùng biển xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh) đang vào chính vụ sứa biển. Lượng sứa dồi dào, chất lượng cao giúp ngư dân địa phương liên tiếp trúng đậm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể sau mỗi chuyến ra khơi.
(CLO) Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành xác minh, giải quyết vụ việc chết người xảy ra ngày 02/01/2023 và làm rõ đối tượng giết người là Tô Thị Ty Na (SN 1981; khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
(CLO) Ban Quản lý dự án chuyên ngành Giao thông và Dân dụng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đăng tải thông báo mời thầu cho gói thầu xây lắp, thuộc Dự án "Đường nối vào cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển ĐT.994)".
(CLO) Lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh lần thứ II năm 2025 vừa diễn ra trong không khí trang trọng và ấm áp, quy tụ nhiều gương mặt nổi bật của giới văn hóa, giải trí Việt Nam như nghệ sĩ Xuân Hinh, NSND Xuân Bắc, NSND Tự Long, ca sĩ Hòa Minzy, nhạc sĩ Tuấn Cry...
(CLO) Một số tài liệu đã được CIA giải mật cho thấy cơ quan này từng tiến hành một nhiệm vụ bí mật nhằm truy tìm Adolf Hitler tại Nam Mỹ - mười năm sau khi ông ta được cho là đã chết.
(CLO) Bằng những kinh nghiệm nhiều năm "tác chiến", những cơ duyên được học hỏi từ các chuyên gia trên thế giới cùng thực tiễn đào tạo các phóng viên ảnh, nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn - Phó Ban Thư ký toà soạn, Trưởng khối nội dung Media - Báo Dân trí- đã đưa ra nhiều quan điểm, nhiều câu chuyện thực tế hữu ích xung quanh chủ đề này trong bài viết gửi báo Nhà báo và Công luận.
(CLO) Theo nhà báo Phùng Văn Hiệp: “Trí tuệ nhân tạo (AI) không có giới hạn tuổi tác, chỉ có giới hạn về tư duy và tinh thần sẵn sàng học hỏi… AI không thay thế người làm truyền hình mà giúp nâng tầm sự sáng tạo của người làm truyền hình”.
(CLO) Chiều 4/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí, tuyên truyền tháng 3, định hướng công tác tháng 4 năm 2025.
(CLO) Tại Hội nghị giao ban báo chí quý I/2025, tỉnh Yên Bái đã đề ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, hướng tới Đại hội Đảng XIV và xây dựng hình ảnh địa phương.
(CLO) Ngày 4/4, tại Trụ sở Bộ Biên tập Báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Tập đoàn TH tổ chức Hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình”.
(CLO) Sáng 4/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban báo chí quý I năm 2025 nhằm đánh giá kết quả hoạt động báo chí thời gian qua và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
(CLO) Mạng xã hội đang tạo ra một 'thế giới song song' đầy cám dỗ, nơi giới trẻ đang phải đối mặt với một nghịch lý: 'bắt kịp' những xu hướng phù phiếm trên mạng xã hội, nhưng lại 'bỏ lỡ' những giá trị đích thực của cuộc sống.
(CLO) Ngày 3/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng chính thức phát động Giải báo chí "Vì một Hải Phòng phát triển" lần thứ VII với chủ đề "Hải Phòng - Thành phố thân thiện".
(CLO) Ngày 3/4, Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí với chủ đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong làm báo đa phương tiện và sản xuất nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội năm 2025" cho phóng viên, nhà báo đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng.