Từ “người đàn ông đáng tin nhất nước Mỹ”
Với một người làm báo, lãnh trên vai sứ mệnh truyền thông tin, không có gì hãnh diện hơn là được trao cho niềm tin cậy. Nhà báo Mỹ Walter Cronkite là một trong những nhân vật truyền thông hiếm hoi ấy. 19 năm (1962-1981) đứng trên cương vị một anchorman - BTV, người dẫn cho chương trình thời sự buổi tối CBS Evening News của đài CBS, Walter Cronkite luôn gây ấn tượng và thu hút được cảm tình đặc biệt của khán giả màn ảnh nhỏ nước Mỹ bằng giọng nói ấm áp và vô cùng truyền cảm, ẩn sau vẻ lạnh lùng, điềm tĩnh vốn có là sự chân thành và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điều khiến Walter Cronkite trở thành một điểm nhấn khác biệt trong lịch sử truyền hình Mỹ, hơn thế đưa ông đến danh vị “huyền thoại màn ảnh nhỏ”, “người đàn ông trung thực nhất nước Mỹ”, chính là việc hầu hết mọi tin tức, mọi bình luận trong hàng trăm chương trình CBS Evening News suốt gần 2 thập kỷ đều được coi là “đáng tin cậy nhất tại Mỹ”. Đã có tờ báo Mỹ cho rằng Walter Cronkite còn được dân chúng Mỹ tin tưởng hơn cả… Tổng thống.
Danh hiệu “người đàn ông tin cậy nhất nước Mỹ” đã được Walter Cronkite gìn giữ như báu vật suốt cuộc đời làm báo của mình. Bởi vậy, cho tới lúc mất, ở tuổi 92, mọi sự trân trọng dành cho ông vẫn vẹn nguyên. Ngày 17/7/2009, trong những dòng tiễn đưa Walter Cronkite về chốn vĩnh hằng, Tổng thống Mỹ lúc đó - ngài Barack Obama - đã một lần nữa khẳng định: “Walter Cronkite luôn có ý nghĩa hơn một phát thanh viên truyền hình. Ông ấy là người chỉ bảo cho chúng ta về hầu hết những vấn đề quan trọng nhất; một tiếng nói tin cậy trong một thế giới đầy phản trắc. Ông ấy khiến chúng ta tin tưởng và ông ấy không bao giờ làm cho ta thất vọng”.
Đến lời tiên tri chấn động
Cách đây 50 năm, vào đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mùng 1 Xuân Mậu Thân 1968), Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra trên 3 vùng chiến lược, ở 4/6 thành phố lớn, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định và Huế; 37/44 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn... ở miền Nam. Chỉ trong 24 giờ, nhiều cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn như: Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng nha Cảnh sát, Đài Phát thanh Sài Gòn… bị tấn công đồng loạt. Cuộc tiến công táo bạo đã làm cho bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ và hơn 1 triệu quân sững sờ, choáng váng. Nước Mỹ chấn động. Tổng thống Mỹ B. Johnson viết trong hồi ký: “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là một sự choáng váng với người Mỹ”. Truyền thông Mỹ, sau một thời gian bị “hạn chế đăng tải những hình ảnh thảm khốc về cuộc chiến tranh Việt Nam”, từ những hồi súng vang rền Tết Mậu Thân ấy, đã hối hả đưa những phóng viên và máy móc giỏi nghề và hiện đại nhất đến Việt Nam, với quyết tâm “không bỏ lỡ cơ hội phát giác ra sự thật”.
Và họ đã không bỏ lỡ. Từ quyết tâm ấy của giới truyền thông thông Mỹ - những hình ảnh chân thực nhất về cuộc chiến tại Việt Nam - đã lên sóng truyền hình Mỹ, các tờ báo Mỹ. “Truyền hình đã mang những hình ảnh tàn khốc của chiến tranh đến từng căn phòng khách”, Giáo sư sử học người Canada Marshall McLuhan mô tả về truyền thông thời Chiến tranh Việt Nam. Cũng trong “làn sóng đi tìm sự thật ấy”, hơn 2 tuần sau khi xảy ra cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân “người làm báo trung thực nhất nước Mỹ” Walter Cronkite đã tới Sài Gòn, tới Huế… để được tận mắt thị sát và cảm nhận không khí của cuộc chiến, dư âm của cuộc Tổng tiến công. Trở lại Mỹ, ông bắt tay ngay vào dựng cho CBS chương trình truyền hình đặc biệt về chiến tranh Việt Nam mang tựa đề “Report from Vietnam: Who, What, When, Where, Why?” (“Bản tin từ Việt Nam: Ai, Cái gì, Khi nào, Ở đâu, Tại sao?”) và chương trình phát sóng trên đài CBS ngày 27/2/1968 đã trở thành một trong những chương trình ấn tượng nhất của CBS.
Gây ấn tượng mạnh hơn cả trong chương trình này là bài bình luận hết sức sắc sảo và
“thành thực” do chính Walter Cronkite soạn thảo và thực hiện. Bài bình luận của nhà báo Mỹ này khẳng định: cuộc chiến mà chính quyền Mỹ đang thực hiện bên kia bán cầu đang đi vào thế bế tắc và ông - một công dân Mỹ - ủng hộ một giải pháp hòa bình. Ngay lời mở đầu chương trình, Walter Cronkite đã không ngần ngại đưa ra câu hỏi ngỏ: Who won and who lost in the great Tet offensive against the cities? - Ai là kẻ thắng người thua trong cuộc Tổng tiến công vừa qua,
“người đàn ông trung thực nhất nước Mỹ” thừa nhận: quân Mỹ đã có thể bị đánh bại (the American forces can be defeated), có thể chịu những tổn thất khủng khiếp về nhiều mặt, đó là tấn thảm kịch xảy đến bởi sự ương bướng, kiêu ngạo… Đáng quan tâm là lời nhấn mạnh của Walter Cronkite: Chúng ta quá thất vọng bởi sự lạc quan của giới lãnh đạo Mỹ, cả ở Việt Nam lẫn ở Washington…
Nhưng ấn tượng hơn cả là những lời bình luận mang tính dự báo của Walter Cronkite: Mọi điều dường như đang cho thấy, những kinh nghiệm (được đổi bằng máu) về chiến tranh Việt Nam của Mỹ sẽ kết thúc trong bế tắc… Bằng mọi cách, để giành lại thế chủ động, quân đội Mỹ phải tăng cường “leo thang” nhưng kẻ thù (ám chỉ quân Giải phóng) vẫn sẽ đuổi kịp chúng ta. Tuy nhiên, càng đổ thêm quân, càng leo thang, càng dễ đưa thế giới đến bờ vực thảm họa. Thậm chí Walter Cronkite lại gây “sốc” bằng nhận định: quân Mỹ đang đứng bên bờ vực của sự thất bại và đang cố tỏ ra lạc quan (we are on the edge of defeat is to yield to unreasonable pessimism).
Với những gì đã xảy ra sau đó: Mỹ quyết định chấm dứt leo thang chiến tranh, tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán song phương với Việt Nam tại Paris… bản thân ngài Johnson không ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ 2… đã cho thấy bình luận của “người đàn ông đáng tin nhất nước Mỹ” chẳng khác mấy một lời tiên tri. Nhiều năm sau này, khi cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc, chính Tổng thống Johnson cũng phải nể phục: “Nếu tôi không nghe Walter Cronkite, tôi có thể sẽ mất cả một phần nước Mỹ”. (“Well, if I’ve lost Cronkite, I’ve lost middle America”).❏
❀ Hà Trang