Cuộc hành trình “biến không thành có”
+ Báo Xây dựng tuổi 20 đầy sự tươi mới, ăm ắp khát vọng và tự tin trong cuộc cách mạng 4.0... Nhưng để có được niềm tự hào hôm nay, được biết Tổng Biên tập đã nhiều năm “lao tâm khổ tứ”?
Quả thực là những năm tháng buổi ban đầu với nhiều gian nan luôn là dấu ấn không thể nào quên được. Tôi về báo Xây dựng được 12 năm và cũng như một “duyên phận” vậy. Tôi nhớ là năm 2008, trong một chuyến công tác lên Đá Chông với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân. Trong cuộc trò chuyện, tôi có “phê bình” Bộ trưởng là tại sao một ngành lớn như ngành xây dựng mà lại không có nổi một tờ báo điện tử? Anh Quân chia sẻ rằng cũng đã giao cho báo lâu rồi mà không hiểu sao vẫn chưa làm được. Anh cũng hỏi tôi có thể làm giúp không? Tôi nhận lời giúp với lời hứa sau 2 tuần nhất định sẽ có một tờ báo điện tử của ngành.
Tôi tự tin như thế là bởi trước đó tôi đã làm Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập điện tử với một đội ngũ kỹ sư công nghệ của Đại học Bách khoa. Họ là những sinh viên học công nghệ chưa tìm được việc làm đang phải làm thuê các trang Website cho doanh nghiệp để kiếm sống. Tất nhiên, khi bắt đầu sang để làm việc ở Bộ Xây dựng, cơ sở vật chất ban đầu để làm báo điện tử rất khó khăn, anh em trong cơ quan chưa tin tưởng.
Gian khổ đến mức, tôi “đơn thương, độc mã” như một người xa lạ phải chủ động làm quen với anh em. Bên cạnh tôi lúc đó chỉ có mỗi ông Bộ trưởng. Ban ngày tôi sưu tầm các bài viết từ báo in viết về ngành Xây dựng làm; tối update thử cho Bộ trưởng duyệt. Cứ như thế, sau hai tuần báo điện tử với tên miền Baoxaydung.com.vn hình thành trên mạng internet. Lúc đó, cả nước chỉ có khoảng dưới 10 tờ báo điện tử nên lượng bạn đọc truy cập rất đông. Mạng sập liên tục…
Nhà báo Nguyễn Anh Dũng - Tổng biên tập báo Xây Dựng.
Tôi làm việc ở Bộ được khoảng 2 tháng thì ông Vụ trưởng Vụ tổ chức gọi lên trao đổi việc bổ nhiệm tôi làm Phó Tổng phụ trách báo điện tử. Ông cũng công khai luôn ý chỉ của Ban Cán sự Đảng lúc đó: nếu tờ báo điện tử làm thành công, có thể đứng vững thì cả báo Xây dựng sẽ giao cho tôi quản lý. Bài toán đặt ra lúc đó là, Nhà nước không cấp ngân sách cho báo điện tử; nhân lực do báo tự quyết định.
+ Gian khó như thế, ông đã bắt đầu “biến không thành có” như thế nào?
Việc đầu tiên là xây dựng một đội ngũ nhân viên. Cái khó nhất lúc ấy là những phóng viên có nghề, được đào tạo tại các trường báo chí chuyên nghiệp thì lại thiếu kiến thức chuyên ngành. Người có kiến thức chuyên ngành kinh qua thực tiễn tại báo thì lại chưa tin tưởng để toàn tâm với mình. Tôi đã phải tìm đến các đồng chí đang lãnh đạo cấp Cục, Vụ để xin chỉ giáo đề tài và nhờ họ cách xử lý thông tin chuyên ngành phục vụ bạn đọc.
Tiến sỹ Phạm Gia Yên (Chánh Thanh tra); Tiến sỹ Lưu Đức Hải (Cục trưởng Cục PTĐT); Tiến sỹ Nguyễn Đình Toàn (Viện trưởng Viện QHĐT và PTNT) cùng một số công chức, chuyên viên trong Bộ đã không ngần ngại hỗ trợ. Báo Xây dựng đã được “thổi hồn” từ chính những nhà quản lý đang điều hành hoạt động của Bộ. Điều này đã làm cho nhiều lãnh đạo Sở Xây dựng, các tổ chức có liên quan đến Bộ Xây dựng chú ý và gửi thông tin phản hồi.
Việc tiếp theo là cần phải tạo ra nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Tôi vận động các doanh nghiệp thân quen như Tập đoàn Tuần Châu – Hạ Long; Tập đoàn Vigroup; Công ty Đầu tư & XNK Quảng Ninh; Tổng công ty Viglacera; Tổng công ty HUD; Tổng công ty Sông Đà … hỗ trợ tài chính ban đầu qua việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm.
Báo điện tử Xây dựng dần có được một chỗ đứng trong lòng độc giả; đời sống anh em trong cơ quan dần ổn định; Ban Biên tập điều hành cơ quan một cách dân chủ công khai dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đảng trên 10 đảng viên. Chúng tôi đã hồi sinh. Tòa soạn báo in và điện tử tự tin hòa nhập phát triển trong hệ thống báo chí quốc gia.
Trường quay của Báo Xây Dựng.
Đúng tôn chỉ và đứng trên đúng sân chơi của mình
+ Có được một chỗ đứng dù không quá khó, nhưng để chỗ đứng ấy bền vững chắc hẳn không dễ, thưa ông?
- Điều đó cần một chiến lược dài hạn và luôn phải có sự quyết tâm thực hiện. Quan điểm của chúng tôi là phải xây dựng tờ báo theo đúng tôn chỉ mục đích của ngành, giải quyết các vấn đề gắn liền với dân sinh và đứng trên đúng sân chơi của mình. Đây là một ngành rất lớn mà lại liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội. Việc tập trung bám vào định hướng của lãnh đạo Bộ, phản ánh các vấn đề xung quanh một chữ “xây” thôi đã rất rộng rồi.
Chúng tôi luôn xác định mình là một “nhịp cầu” để đưa chủ trương, những chính sách của Bộ Xây dựng ban hành đến với người dân, giúp lãnh đạo ở từng địa phương, tỉnh thành trong cả nước thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong xây dựng. Đôi khi cùng địa phương tranh luận tới cùng một vấn đề còn gây tranh cãi mà pháp luật chưa vươn tới vì lợi ích của người dân. Vẫn còn quá nhiều vấn đề mà chúng tôi vẫn chưa khai thác hết, đến nay chỉ mới làm được khoảng 1/100 lượng thông tin của ngành mà thôi. Sự bền vững nằm ở chỗ tờ báo luôn bám sát thông tin, hướng đến mục đích vì sự phát triển của ngành và vì người dân.
+ Là một tờ báo ngành, tính chiến đấu và tính phản biện như thế nào để hấp dẫn độc giả, thưa Tổng Biên tập?
- Chúng tôi không chạy theo các vấn đề “giật gân” mà có chăng chỉ là việc như người dân bị oan ức trong cấp phép, giải tỏa đền bù; các khu đô thị cung ứng dịch vụ quá kém, giá thành cao... là chúng tôi phản ánh để các nhà đầu tư có hướng điều chỉnh, tham mưu cho lãnh đạo Bộ điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả nhất với lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Chúng tôi luôn tâm niệm phải đi đúng tôn chỉ của tờ báo ngành, đi đến cùng các sự việc như cơ sở khoa học, thực tiễn điều chỉnh chiều cao các công trình ở Giảng Võ (Hà Nội); xem xét lại tính pháp lý của Giấy phép xây dựng cơ quan có thẩm quyền cấp xây dựng công trình 8b Lê Trực (Hà Nội); việc không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ trong việc cấp phép công trình cao tầng ở Nha Trang (Khánh Hòa); việc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn bị chủ đầu tư lấn chiếm làm dự án nhà ở; việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại một số địa phương gây ra hệ lụy ô nhiễm, tắc đường tại các địa phương… Báo Xây dựng đang trở thành “nhịp cầu” nối giữa Chính phủ, Bộ Xây dựng và nhân dân là vậy.
Không oán, không thù, chỉ có công việc
+ Hành trình phát triển 20 năm vừa là dấu ấn tự hào nhưng đồng thời cũng là một cột mốc đầy thách thức mà báo Xây dựng sẽ phải vượt qua. Tổng biên tập có thể chia sẻ đôi chút về hướng đi sắp tới của Báo?
- Tiếp tục đổi mới từng ngày... đó là điều quyết định. Với báo điện tử, giao diện chỉ tồn tại trong một năm đã là lạc hậu rồi. Bạn đọc cũng luôn đi tìm cái mới. Chúng tôi thường xuyên xem các tờ báo thế giới, học hỏi các cách thức mới, thậm chí có những cách làm không mấy tốn kém mà lại hiệu quả như việc sử dụng trường quay ảo nhưng chất lượng và nội dung rất tốt.
Nói về câu chuyện chuyên ngành, tôi nghĩ rằng các cơ sở đào tạo báo chí cũng cần phải điều chỉnh, ngay từ năm thứ hai hãy cho sinh viên đến các tòa soạn để học nghề, nghiên cứu về ngành, để các em có kiến thức, yêu thích hơn với các tờ báo của ngành, khi ra trường có tấm bằng thì quay lại làm việc, tòa soạn không cần phải đào tạo lại nữa. Báo Xây dựng chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón các nhà báo tương lai, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các em được rèn luyện.
Nhà báo Nguyễn Anh Dũng trong một chuyến tác nghiệp.
+ Chỉ dự định sang giúp 2 tuần... rồi thành ra lại gắn bó đến tận 10 năm. Điều gì giúp ông luôn vững vàng trong vai người chèo lái trên hải trình không ít sóng gió ấy?
- Có thể buổi ban đầu khi tôi về đây, cũng có những khó khăn nhất định nhưng mình cứ say mê làm việc, tạo công ăn việc làm, đề tài mới cho anh em, từ đó tạo ra được các cơ sở vật chất vô hình, tự dưng anh em sẽ theo, sẽ ủng hộ. Quan điểm của tôi là không oán, không thù, chỉ có công việc. Ngoài chữ “lý” cũng cần có chữ “tình”. Thế nên, khi Bộ Xây dựng đề nghị tinh giản biên chế, tôi nghĩ chúng tôi vẫn có thể lo cho họ, họ cũng hài lòng với môi trường làm việc thì tại sao phải giảm?
Người đứng đầu giống như một huấn luyện viên của đội bóng, sắp xếp công việc “đúng người đúng việc” để tạo dựng cuộc sống, ổn định cho người lao động.
+ Vâng, xin cảm ơn ông!
Hà Vân (Thực hiện)