Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu:

Nhà báo Nguyễn Thu Hà- Tổng Biên tập tạp chí Sông Thương: “Làm tạp chí văn nghệ địa phương phải “liệu cơm gắp mắm”

Chủ nhật, 28/06/2020 14:31 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhà báo Nguyễn Thu Hà – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Thương trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận về những khó khăn, thách thức của tạp chí văn nghệ địa phương vốn được ví như “ao làng” trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường báo chí hiện nay.

Không nên “ảo tưởng” nhiều về việc tự thu chi

+ Trong câu chuyện của tự chủ tài chính, báo chí địa phương có vẻ ít liên quan nhất. Tại Tạp chí Sông Thương, câu chuyện tự chủ tài chính có tác động như thế nào, thưa chị?

- Tạp chí Sông Thương đang được bao cấp hoàn toàn từ nguồn ngân sách của tỉnh. Đội ngũ biên tập có biên chế được trả lương theo bậc ngạch tuyển dụng. Chúng tôi được khuyến khích tuyên truyền các nội dung bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong sự bao cấp này có hai mặt cả tích cực và hạn chế. Tích cực là chúng tôi yên tâm đến ngày đến tháng tạp chí sẽ ra và phân phối về các địa chỉ đã định sẵn, như một cách tỉnh “đặt tạp chí văn nghệ” cho các cơ quan trong tỉnh, cho hội viên của tỉnh, gửi tặng các tỉnh bạn và Trung ương. Biên tập viên, hội viên trong Hội VHNT tỉnh được khuyến khích sáng tác tác phẩm gửi cộng tác ở khắp các báo chí trong và ngoài tỉnh. Ai có tài người đó sẽ tỏa sáng. Cái hạn chế ở đây là: dù nâng cao chất lượng đến đâu thì số lượng phát hành có hạn, số người tiếp cận với tạp chí còn ở dạng: “Người ăn không hết kẻ lần chẳng ra”.

Nhà báo Thu Hà.

Nhà báo Thu Hà.

Mặt khác, nếu “buông” khoản bao cấp tạp chí ra để cho tự chủ: tự in, tự phát hành trong khuôn khổ định hướng tư tưởng, đường lối chung thì liệu tạp chí có tồn tại không? Bởi vì, để tạp chí tồn tại được với sự tự chủ thì then chốt phải là số lượng phát hành tạp chí văn nghệ (chưa bàn đến chất lượng).

Cho tới bây giờ, nhiều tờ báo, tạp chí văn học nghệ thuật trung ương có chất lượng tốt còn đang rất khó khăn về phát hành, tự chủ chứ đừng nói tới tạp chí văn nghệ địa phương. Một số tờ văn nghệ - nghệ thuật ở thành phố lớn đã ra đời trong tự chủ cũng không biết còn tồn tại nữa hay không?

Cho nên câu chuyện “nhuận bút thấp, thu nhập thấp dẫn tới chất lượng tin bài thấp, báo không bán được… trở thành một vòng luẩn quẩn ở địa phương” thì có lẽ cần xét ở nhiều góc độ. Bởi vì chúng ta đang được trải nghiệm qua nhiều thử nghiệm rồi. Không nên “ảo tưởng” về việc tự thu chi nhiều quá mà cần nhìn thẳng thực tế và đặt ra những mục tiêu cụ thể.

+ Phải chăng tạp chí văn nghệ địa phương đang ở trong một vòng luẩn quẩn: nhuận bút thấp, thu nhập thấp dẫn tới chất lượng tin bài thấp, báo không bán được, nên nhuận bút và thu nhập cứ luôn lẹt đẹt, trong khi đó cơ chế quản lý có những trì trệ, trói buộc?

 - Thực ra, từ ngày tôi về công tác ở tạp chí năm 2003 đến nay, nếu nhìn ở góc độ lạc quan thì những tác giả gửi bài đến với tạp chí văn nghệ tỉnh thường kỳ vọng về đứa con tinh thần của mình có được đăng, chứ ít người đặt nặng vấn đề mức nhuận bút. Họ thường cho rằng văn nghệ là đam mê chứ không thể sống bằng nghề sáng tác được. Do đó đa số người sáng tác, văn nghệ sĩ đều công tác ở các lĩnh vực ngành nghề, nhiều nhất ở ngành văn hóa, báo chí, thậm chí có người khi nghỉ hưu rồi mới bước chân vào sáng tác.

Nhưng ở góc độ cấp Hội, người quản lý tạp chí không thể không trăn trở khi mức nhuận bút trả cho người viết thấp. Sau những lần tăng dần mức nhuận bút theo kinh phí tăng cho tạp chí thì trong những năm trở lại đây, mức nhuận bút của tạp chí đứng ở mức khá so với các tạp chí khác trong hệ thống tạp chí văn nghệ địa phương, đủ sức thu hút mọi người vẫn cộng tác đều đặn.

Bên cạnh mức nhuận bút chi trả cho người cộng tác (dù là hội viên hay cộng tác viên bên ngoài) thì một điều quan trọng nữa là ứng xử với người cộng tác. Có những người nhuận bút bị trả lại tạp chí do chuyển địa chỉ khác hằng năm, nhưng khi nối lại được thông tin, tạp chí gửi nhuận bút ngay. Phải trân trọng tác phẩm của cộng tác viên gửi đến dù dùng hay không dùng bởi đó là đứa con tinh thần của người sáng tác. Với những văn nghệ sĩ để thu hút họ gửi bài cộng tác có lẽ thứ đầu tiên là “ứng xử tử tế”.

Dù vậy, nói gì thì nói, nhuận bút cao, tương xứng với chất lượng tác phẩm là một động lực quan trọng của người viết, trong thời buổi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhưng để tăng nhuận bút ở một tạp chí văn nghệ địa phương quá khó, như một nhiệm vụ “bất khả thi” khi kinh phí đều trông chờ “bầu sữa” ngân sách, quảng cáo tài trợ hầu như không có. Vậy phải tìm ra khâu đột phá để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này.

Không xin tiền, chỉ xin cơ chế

 + Theo chị, khâu đột phá đó là gì, tạp chí văn nghệ sẽ xin cơ chế hay tiếp tục chờ đợi từ “bầu sữa” ngân sách?

- Chúng tôi đã tổ chức, tham gia những cuộc hội thảo về nâng cao chất lượng tạp chí văn nghệ địa phương để đến với bạn đọc hiệu quả. Tại các cuộc gặp gỡ đó, mọi người cũng nói thật với nhau rằng: Cơ chế cho tạp chí là then chốt để tạp chí tồn tại, nhưng mỗi tạp chí văn nghệ mỗi tỉnh phụ thuộc vào cơ chế “nuôi dưỡng văn nghệ” địa phương khác nhau. Khó mà bắt chước được nhau , “liệu cơm gắp mắm” mà thôi.

Tạp chí Sông Thương.

Tạp chí Sông Thương.

Cần có một cơ chế đặc thù hơn cho tạp chí văn nghệ địa phương bởi đó là hoạt động đặc thù phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền bằng tác phẩm văn học nghệ thuật. Theo tôi, tạp chí  văn nghệ địa phương phải được coi là tạp chí trong hệ thống phát hành theo Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng để tạo sự lan tỏa về hình ảnh tờ tạp chí văn nghệ địa phương đến với các chi bộ Đảng trong toàn tỉnh. Khi tăng số lượng phát hành, từ đó mới tạo tiền đề cho thu hút quảng cáo (phần thu nhập có thêm);  Về con người: cần trả lương theo vị trí việc làm để đảm bảo mức thu nhập cho những người làm công tác Hội chuyên trách.  

Bên cạnh tạp chí giấy vẫn cần có một hệ thống trang tin điện tử để đưa tác phẩm văn học nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, quảng bá hình ảnh văn hóa, danh thắng, lịch sử của tỉnh được lan tỏa rộng rãi trong mục tiêu phát triển du lịch. Với điều kiện hiện nay, Tạp chí Sông Thương chưa thể trở thành một tạp chí điện tử riêng nhưng nếu Hội chủ quản có trang thông tin điện tử thì tạp chí sẽ trở thành một bộ phận gắn kết để chuyển tải tác phẩm, không chỉ nhìn đọc mà còn nghe, xem hình ảnh chuyển động. Trong từng bước đổi mới để Tạp chí đến nhiều, và gần với bạn đọc hơn là mong muốn đầu tiên của những người sáng tác ở địa phương.

+ Tạp chí địa phương đang đứng trước câu hỏi: phục vụ đông đảo bạn đọc hay phục vụ mấy trăm hội viên, phục vụ độc giả trong “ao làng” hay vươn ra phục vụ độc giả trong và ngoài tỉnh. Tạp chí Sông Thương sẽ giải quyết thế nào với những vấn đề này?

- Có ý kiến nói rằng: Để thoát khỏi “ao làng” thì cần chọn lọc tác phẩm hay để đăng chứ không nên chỉ chăm chăm phục vụ lực lượng hội viên. Đầu tiên xin khẳng định: nếu không có hội viên của tỉnh thì không tạo lập nên tổ chức Hội của tỉnh.

Tờ tạp chí của tỉnh được xác định là cơ quan ngôn luận của Hội. Như vậy, trước tiên theo mục đích tôn chỉ của Tạp chí Sông Thương là: phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; giới thiệu tác giả, hội viên và tác phẩm; mở rộng giao diện để giới thiệu quảng bá về tiềm năng con người và vùng đất Bắc Giang với bạn đọc gần xa qua các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Tuy nhiên, để tác phẩm đăng trên tạp chí thì ban biên tập chọn lọc từ sáng tác của hội viên. Trong thực tế, tạp chí của chúng tôi đến nay luôn có sự giao lưu với các văn nghệ sĩ ở tỉnh bạn và Trung ương, ưu tiên ngay những bài viết về Bắc Giang. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm của họ viết về Bắc Giang cũng rất hiếm.

+ Vâng, xin cảm ơn chị!

An Vinh (Thực hiện)

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo