Nhà báo Phan Quang: Đức - Tài và tầm cao trí tuệ

Thứ năm, 12/11/2020 09:08 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Buổi tọa đàm “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức đã để lại trong lòng người tham dự nhiều ấn tượng, nhiều cảm xúc.

Quả thực, trong không gian đầy ân tình, mang ý nghĩa tôn vinh và tri ân, những người đồng nghiệp đã lắng lại, bình tĩnh để ngắm nhìn một con người mà cả cuộc đời chung thủy với nghề cầm bút, lao động không ngừng, sáng tạo không giới hạn...

Nhắc về nhà báo Phan Quang, có lẽ thật khó có bút lực nào tả hết, bởi trong con người của Phan Quang hội tụ quá nhiều tinh hoa mà tên gọi nào gắn với ông đều rất xứng tầm. Tất cả đều uyển chuyển, giao lưu tạo ra sức sống, sức mạnh, ở nhà báo Phan Quang không có giới hạn. Là nhà báo, nhà văn, dịch giả, nhà văn hoá, nhà chính khách... với “nhà” nào ông cũng xuất sắc và đầy trách nhiệm. Riêng nghề báo, nghề được ông ví von “như người vợ hiền, gắn bó bên nhau từ thuở muối dưa”, đã làm nên một nhà báo cách mạng Phan Quang “minh mẫn, thông tuệ, bút lực dồi dào” (chữ dùng của nhà báo Phạm Quốc Toàn).

Cũng bởi tầm vóc và những cống hiến ấy, đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: “Ông là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng. Nhà báo Phan Quang là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử bảy mươi năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang thực sự là một tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp, cần tuyên truyền, học tập, tri ân”.

Tọa đàm với rất nhiều những ý kiến tham luận tâm huyết. Ảnh: Sơn Hải

Tọa đàm với rất nhiều những ý kiến tham luận tâm huyết. Ảnh: Sơn Hải

Buổi tọa đàm với rất nhiều ý kiến phát biểu, thậm chí có nhiều ý kiến nằm ngoài cả tập kỷ yếu dày mà BTC phát cho chúng tôi với nhiều bài tham luận sâu sắc, chân thành. Phần lớn các bài phát biểu đều mang đến những câu chuyện cụ thể về nhà báo Phan Quang, gắn liền với những kí ức, cả thời tuổi trẻ, tuổi già và tuổi cửu thập hôm nay. Trong từng ý kiến đều chất chứa rất nhiều tình cảm, rất nhiều sự trân trọng và kính nể, phần nào lan tỏa “tâm, tài, tầm” của một nhà báo cách mạng lỗi lạc, uy tín.

Nhà báo lão thành Hà Đăng kể lại câu chuyện về cuộc gặp mặt mừng nhà báo Phan Quang 90 tuổi đời – 70 tuổi nghề. Ông chia sẻ: “Nhân người dẫn chương trình nói về chuyện Phan Quang mất cái bút danh Hoàng Tùng từng có tiếng vang ở báo Cứu Quốc Liên Khu 4, tôi nói rõ thêm: Anh không chỉ mất bút danh Hoàng Tùng mà còn mất cả cái tên cúng cơm của anh – vốn là Phan Quang Diêu, nay chỉ còn lại Phan Quang. Nhưng anh cũng như giới báo chí chúng ta không ai mất gì cả. Chúng ta được một cái lớn hơn: Phan Quang, một nhà báo lỗi lạc, một cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng nước ta hiện nay”.

Tại Tọa đàm, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng tâm tình rằng, ông không khỏi xúc động và có phần bối rối khi nhận được giấy mời rất dài của Ban Tổ chức. Bởi lẽ, cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Phan Quang kinh qua rất nhiều chức vụ, rất nhiều “vai”, để lựa chọn gọi như nào cho chuẩn xác nhất thực sự không dễ. Ông nhận định: “Tôi muốn dùng từ “thủy chung” để nói về anh và nghề báo. Chính sự tận tâm, chung thủy lao động hiến dâng hết mình đã đem lại cho anh Phan Quang niềm vinh quang, để lại tên tuổi nhà báo Phan Quang đồng hành cùng với non sông đất nước... Để có những lời đánh giá nhận xét đầy đủ và đúng, tôi chắc một người khó có thể làm được. Có lẽ bởi thế Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam mới tổ chức buổi tọa đàm hôm nay”. 

Một số tác phẩm của nhà báo Phan Quang. Ảnh: Sơn Hải

Một số tác phẩm của nhà báo Phan Quang. Ảnh: Sơn Hải

Từng ví nhà báo Phan Quang là “Con nước chảy giữa hai bờ báo chí và văn chương”, đến với tọa đàm, GS Hà Minh Đức cũng chia sẻ thêm về cống hiến của nhà báo Phan Quang trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt ông nhấn mạnh rằng, nhà báo Phan Quang là một nhà báo nhưng cũng tham gia vào những công việc của quản lý nhà nước ở cấp cao, một cuộc đời vẻ vang đáng tự hào, nhưng chưa hết, ông còn có một phần đóng góp rất quan trọng đó là đóng góp của trí tuệ, của sáng tạo, qua những tác phẩm viết về văn hóa về văn học về nghệ thuật. “Tôi cho rằng cái quan trọng nhất của nhà báo Phan Quang là trí tuệ, là tinh thần văn hóa vững chắc, cái đó sẽ giúp đỡ và nâng cao thêm các hoạt động. Một nhà văn mà trí thức không cao thì văn chương cũng sẽ vừa phải. Một dịch giả mà trí thức không cao thì có thể dịch sai. Một nhà ngoại giao mà trí thức không cao có thể sẽ bị dồn đến chân tường. Chính vốn tri thức uyên bác của nhà báo Phan Quang đã tạo điều kiện cho những hoạt động khác nâng lên một tầm vóc mới” – GS Hà Minh Đức nhận định.

Rất nhiều nhà báo cao niên, các nhà khoa học, các đồng nghiệp... đều đến tham dự, chúc mừng nhà báo Phan Quang với sự trân trọng, yêu kính. Ảnh: Sơn Hải

Rất nhiều nhà báo cao niên, các nhà khoa học, các đồng nghiệp... đều đến tham dự, chúc mừng nhà báo Phan Quang với sự trân trọng, yêu kính. Ảnh: Sơn Hải

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi nói về tài năng, sự đóng góp của nhà báo Phan Quang với sự nghiệp cầm bút, ông nhắc nhiều đến “tài văn” trong đó có những sáng tác và  dịch thuật tầm vóc của nhà văn Phan Quang. Ông đã ví von rất hay rằng: “...Nhà báo, nhà văn Phan Quang là người có vẻ đẹp lâu bền, đẹp ở thời trẻ và càng đẹp khi đã về già”.

Với bài phát biểu khá dài và đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Phan Quang, Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ đã chia sẻ rằng, năm nay, nhà báo, nhà văn Phan Quang tròn 92 tuổi đời, 72 tuổi nghề và ông vẫn say mê, đau đáu với nghề báo, nghề văn như thuở ban đầu. Cuộc đời của ông đã gắn bó với những bài báo, bài văn, cuốn sách, những bản dịch xuất sắc, có sức sống và sức lôi cuốn lớn lao, luôn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và người đọc. Các thế hệ làm báo, làm văn, hoạt động văn hóa yêu quý, nể trọng Phan Quang ở lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm với ngòi bút, với xã hội. “Hơn 70 năm cống hiến, sáng tạo, ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang cũng tâm huyết làm tròn trách nhiệm của mình. Điều khiến ông thích ứng và làm chủ trong mọi hoàn cảnh là ý chí tự lực, tự học, khát khao tìm hiểu, sáng tạo. Với Phan Quang, tài năng là một sự tích lũy có chủ đích, căn cơ, lâu dài, có ích cho Đảng, cho Nước, cho Dân” -  PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định. Còn nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn từ Vũng Tàu xa xôi đã ra dự Tọa đàm cũng đầy xúc động khi nhắc về những kỷ niệm với nhà báo Phan Quang. Nhà báo Phạm Quốc Toàn cho rằng: “Truyền thống gia đình và quê hương, cống hiến trong môi trường báo chí của Đảng; được gần gũi và dìu dắt của nhiều nhà lãnh đạo, các cây đại thụ về trí thức, nhân cách đã góp phần rèn giũa, tôi luyện nên một nhà báo Phan Quang hội đủ cả Đức và Tài, tầm cao trí tuệ”.

Tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Viết về nhà báo Phan Quang vô cùng khó, bởi có quá nhiều những nhận xét, những bài viết công phu về ông, mà bài nào cũng tâm đắc, bài nào cũng “gan ruột”. Tọa đàm khép lại rất thành công, thậm chí, buổi Tọa đàm còn để lại ít nhiều tiếc nuối, tạo ra một “sức ép thú vị” đối với BTC khi mà rất nhiều đại biểu mong muốn được nói, được sẻ chia thêm nữa về người làm báo đặc biệt này. Bởi vậy, điểm xuyết một vài ý trong buổi tọa đàm này dù không thể đầy đủ nhưng là một sự trân trọng nhất mực của một người làm báo trẻ vô cùng ngưỡng mộ ông. Xúc động, trân trọng và cảm ơn tới những người thầy, người đồng nghiệp, Ban Tổ chức, nhà báo Phan Quang cũng khẳng định thêm: “Như cụ Nguyễn Du nói: “Trăm năm trong cõi người ta” - cõi đời, cõi người chỉ một trăm năm, nếu như quá 100 năm sự cống hiến sẽ không còn bao nhiêu nữa, nhưng tình người, tâm người, đức người, nghĩa người sẽ tồn tại vô cùng vô hạn như chính thời gian vậy”. Quả thực, dù ở tuổi 92, ông vẫn luôn tỏa sáng với trí tuệ, sự uyên bác nhưng rất đỗi khiêm nhường là vậy!

Hà Vân

Tin khác

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

(CLO) Theo nhà báo Đinh Quang Thành: “Trưa ngày 30/4/1975, tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập ở giây phút lịch sử đó. Sau bao ngày cùng các đơn vị bộ đội trải qua gian khổ…, có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng ấy, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.

Nghề báo
Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo