Nhà báo Quốc Việt: Cần tháo gỡ "nút thắt" lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay

Thứ ba, 14/07/2020 21:19 PM - 0 Trả lời

(CLO)Tác phẩm “Đổi mới sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Hồng” của Quốc Việt - Ánh Tuyết - Phạm Hà - Tiến Đức - Quốc Vinh(Báo Nhân Dân) được trao giải C – Giải báo chí quốc gia lần thứ XIV năm 2019. Báo NB&CL có cuộc trò chuyện với nhà báo Quốc Việt xung quanh tác phẩm.

Nhà báo Quốc Việt đi thực tế tại một trang trại trồng nho. Ảnh: NVCC.

Nhà báo Quốc Việt đi thực tế tại một trang trại trồng nho. Ảnh: NVCC.

Điều gì ở câu chuyện Đổi mới sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Hồng khiến anh quan tâm và có ý tưởng thực hiện loạt bài, thưa anh?

Là những người tuyên truyền về nông nghiệp, chúng tôi hết sức trăn trở trước một số vấn đề của sản xuất nông nghiệp hiện nay, trong đó có câu chuyện về tích tụ ruộng đất trong cả nước nói chung và ở Đồng bằng sông Hồng nói riêng.

Trong những lần đi cơ sở, tôi được nghe nhiều, thấy nhiều về thực trạng chán ruộng, bỏ ruộng của nông dân. Những thửa ruộng "bờ xôi, ruộng mật", đã từng hết sức quý giá đối với người nông dân, nay bỏ hoang hóa, hoặc canh tác nhôi nhai. Vì sao? Vì canh tác không có lãi. Vì sao không có lãi? Vì diện tích nhỏ quá, mỗi gia đình có một vài sào, mỗi năm, mỗi sào ruộng trồng lúa hai vụ thu lãi được 500 nghìn đồng, gia đình có một mẫu ruộng thì một năm cũng chỉ lãi được 5 triệu đồng, không bằng công đi làm ô sin ở thành phố một tháng.

Nhưng trong khi đó thì lại có những đối tượng đang rất cần ruộng để canh tác và canh tác có lãi, đem lại hiệu quả cao. Đó là các mô hình trồng rau sạch, làm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Nhưng họ lại không có nhiều ruộng để sản xuất, thậm chí muốn thuê, mua lại cũng không được. Chủ trương cho tích tụ ruộng đất đã có, nhưng trên thực tế triển khai lại gặp rất nhiều khó khăn, cản trở.

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, người nông dân không thể bảo đảm cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, người nông dân không thể bảo đảm cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Thực tế người cần ruộng không có ruộng, người chán ruộng nhưng không trả đang kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp. Nó như một "nút thắt" mà nếu không được tháo gỡ thì sản xuất nông nghiệp sẽ không thể phát triển được. Đã đến lúc đồng ruộng cũng cần có một sự thay đổi mạnh mẽ, kiểu như "khoán 10" mới giúp đưa sản xuất nông nghiệp của chúng ta thoát khỏi manh mún, nhỏ lẻ, đi lên hiện đại. Xuất phát từ thực tế đó, tôi nghĩ phải có một bài viết nói rõ những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ được "nút thắt" lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đó chính là "nút thắt" ruộng đất manh mún.

Đọc loạt bài thấy sự dày công thâm nhập thực tế, sự dấn thân của người làm báo, nhất là quá trình di chuyển đến từng địa phương của đồng bằng Sông Hồng để lấy số liệu, giúp cho loạt bài hay và rất có ý nghĩa. Để vượt qua được hành trình ấy, hẳn không dễ dàng, thưa anh?

Cũng không có gì gọi là dấn thân. Bản thân tôi và một số anh em phóng viên khác đều sinh ra, lớn lên ở nông thôn, chúng tôi hiểu rõ nông thôn, nông nghiệp. Chính vì vậy, khi đi thực tế hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đến từng thửa ruộng, gặp gỡ những người trực tiếp trên đồng ruộng và cả những người có ruộng nhưng không làm...Chúng tôi hiểu và cảm nhận rõ được tâm tư, mong muốn, trăn trở của những người làm việc trực tiếp trên đồng ruộng.

Người dân huyện Ðông Anh (TP Hà Nội) nỗ lực duy trì sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó khăn. Ảnh: NVCC.

Người dân huyện Ðông Anh (TP Hà Nội) nỗ lực duy trì sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó khăn. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh việc có những người chán ruộng nhưng không trả mà cố giữ, để đó với hy vọng khi Nhà nước thu hồi làm công nghiệp, giao thông... sẽ được một khoản tiền đền bù. Cũng có những người có tuổi rồi, gia đình không còn nhân lực để sản xuất nữa, nhưng vẫn nhất quyết giữ mảnh ruộng, vì nó đã từng quá gắn bó, quá quan trọng với họ, thậm chí vì nó đã từng là giấc mơ của ông bà, cha mẹ họ trước đây.

Tình trạng nông dân chán ruộng bỏ làm, nông dân có ruộng nhưng không canh tác đã và đang là vấn đề xảy ra ở các địa phương khu vực đồng bằng Sông Hồng nói riêng và trên cả nước nói chung. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện loạt bài về đổi mới sản xuất ở đồng bằng Sông Hồng, anh và các đồng nghiệp đã gặp thuận lợi, khó khăn như thế nào, thưa anh?

Vấn đề ruộng đất đang bức xúc như vậy, nhưng quan điểm giải quyết không phải ai cũng thống nhất. Có không ít người, kể cả lãnh đạo một số địa phương vẫn cho rằng, không thể tích tụ được, vì đặc thù của nước ta, ruộng đất có ý nghĩa thiêng liêng đối với người nông dân, không thể bắt họ rời xa mảnh ruộng của mình, nếu nông dân không có ruộng sẽ gây mất ổn định xã hội. Rồi cho rằng, nếu đẩy mạnh tích tụ sẽ quay về thời địa chủ ngày xưa, người nông dân sẽ lại trở thành những người làm thuê...Những quan điểm đó khiến chúng tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều, phải làm sao để bài viết phải có sức thuyết phục.

Nhờ mở rộng, tập trung diện tích đất canh tác, người nông dân thu được lợi nhuận cao từ trồng lúa. Ảnh: NVCC.

Nhờ mở rộng, tập trung diện tích đất canh tác, người nông dân thu được lợi nhuận cao từ trồng lúa. Ảnh: NVCC.

Để nền nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung phát huy tiềm năng và giá trị, đã đến lúc phải đổi mới sản xuất hướng đến quy mô lớn, hiệu quả cao. Qua tác phẩm này, thông điệp anh muốn gửi tới độc giả cũng như những người làm chính sách, nhà quản lý và người làm nông nghiệp là gì, thưa nhà báo?

Cần phải tháo gỡ ngay "nút thắt" trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đó chính là phải trao tư liệu sản xuất (ruộng đất) vào đúng tay người cần và sử dụng hiệu quả. Không thể nói tích tụ ruộng đất sẽ quay lại thời địa chủ, mà là chúng ta đang đi đúng hướng, đó là phải giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp bằng việc cơ giới hóa, hiện đại hóa, sử dụng ít lao động nhưng vẫn đạt năng suất, giá trị cao.

Thực tế hiện nay đang có những điều kiện thuận lợi để thực hiện điều đó. Chẳng hạn như, tỷ lệ lao động nông nghiệp hiện nay cũng giảm rất nhiều, do họ được thu hút vào các khu công nghiệp, hoặc đi làm dịch vụ. Nghĩa là họ có sinh kế mới, không còn phụ thuộc vào mảnh ruộng nữa. Chính vì vậy, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, tạo ra cuộc cách mạng mới trong sản xuất nông nghiệp.

Xin cám ơn anh!

Đình Trung (thực hiện)

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo