Nhà văn Phùng Văn Khai: Sự đa chiều của cuộc sống hiện đại

Thứ sáu, 03/04/2015 10:57 AM - 0 Trả lời

Nhà văn Phùng Văn Khai: Sự đa chiều của cuộc sống hiện đại

(Congluan.vn) - “Với người cầm bút, tôi có suy nghĩ, tác phẩm văn học, đặc biệt là tiểu thuyết và truyện ngắn trước hết và trên hết phải phản ánh hiện thực. Hiện thực phải là thứ hiện thực đã được chưng cất kỹ lưỡng từ cuộc sống…” - Nhà văn Phùng Văn Khai đã viết…
 
 
Báo Công luận
 
Nhà văn Phùng Văn Khai
 
Rồi nhà văn tiếp: “Những nhân vật, tình tiết, hình ảnh, kết cấu… của tác phẩm nếu được lấy từ chính cuộc sống đang diễn ra hôm nay sẽ có sức nặng và cơ hội thành công cao”.
 
Trên quan điểm sáng tác như thế của một nhà văn trẻ, Phùng Văn Khai đã chứng minh cho độc giả thấy được từng trang viết của anh là những bức tranh nguyên sơ nhất về cuộc sống phức tạp với bao bộn bề vẫn đang tồn tại xung quanh. Ở nơi ấy, có những con người đi vào tác phẩm, trở thành những nhân vật hết sức sống động và chân thật mà Phùng Văn Khai bằng cái nhìn tỉ mẩn, đã lặng lẽ nhặt ra được từ những góc khuất của cuộc đời.
 
Từ những trang viết về đề tài chiến tranh...
 
Chiến tranh đã đi qua và thời gian cũng tạm đủ để người ta nguôi ngoai đi mất mát. Nhưng ẩn nấp đâu đó đằng sau sự chắp vá cho lành lặn những vết thương của quá khứ vẫn còn những lỗ hỏng, những khe rãnh khiến con người ta không khỏi nhức nhối, ê buốt. Như trong truyện ngắn “Chữ ký” của nhà văn Phùng Văn Khai chẳng hạn. Truyện chỉ xoay quanh việc một người đàn ông dị dạng đi xin những chữ ký để minh oan cho mình nhưng lại là cả một thế giới không thể phủ nhận, nơi ấy có những con người còn chẳng được gọi là người.
 
Sự tàn khốc của chiến tranh không hẳn đã dừng lại khi người ta không còn nghe tiếng súng mà nó vẫn bủa vây bâu bám lấy số phận của những con người bất hạnh. Nhiều đứa trẻ sinh ra hoàn toàn vô tội, nhưng tạo hóa lại bắt chúng sống một cuộc đời nửa người nửa ngợm. Chúng không có một mái nhà theo đúng nghĩa, và sự nhân từ của con người chỉ có thể đưa chúng vào ở trong những cái chuồng, nhốt chúng như nhốt tàn tích của chiến tranh mà người ta đã vô cùng ghê sợ. Ở thế giới ấy, có những đứa ba bốn mắt, có đứa không đi được chỉ bò, và cả một đám người không nhớ nổi tên mình mà chỉ được đánh số để phân biệt. Tưởng chừng đau thương đã lùi vào dĩ vãng xa xôi, nhưng ở thế giới của những con người kỳ dị ấy, những nét chữ nghuệch ngoạc được vẽ ra để mỗi cá nhân chứng tỏ với cả thế giới rằng nó vẫn còn tồn tại. Những lời kêu rên, những tiếng hú ghê người đã được nhà văn miêu tả một cách chân thực đến rùng rợn. Hành trình thu nạp chữ ký của người đàn ông dị dạng được tái hiện trong sự xót xa, nghẹn ngào của người cầm bút. Mỗi chi tiết, mỗi cử chỉ hành động của nhân vật như xoáy sâu vào lòng người đọc.
 
Không chỉ những đứa trẻ vô tội trở thành nạn nhân của quá khứ, rồi vô tình bị người ta lãng quên mà ngay cả những nhân chứng sống, những con người từng trực tiếp tham gia chiên đấu, đã từng một thời là anh hùng của cả dân tộc, được ca ngợi, được vinh danh cũng dần bị chìm vào quên lãng. Đó là câu chuyện đắng lòng về người chiến sĩ cộng sản Nam An. Ông đại tá kiên quyết khẳng định: “Ai có công nhà nước đều biết đến, có chính sách đãi ngộ cả. Rất mừng là thân nhân họ đã và đang được đền đáp xứng đáng. Chúng tôi sẽ làm nữa để xứng đáng với những người đã khuất, an ủi vong linh của họ, những người còn sống, động viên giúp đỡ họ, bù đắp phần nào thiệt thòi cho những người con thân yêu...”. Nhưng có ai hay rằng, vẫn còn những con người đã một thời to lớn, vĩ đại nay trở về nhỏ bé đáng thương biết chừng nào. Đáng phải suy ngẫm trước số phận của một người lính cộng sản trở về sau chiến tranh nhưng “rách nát, bầm giập và phải đi đạp đồ thuê cho tiệm quần áo cũ”. Trong cái không khí thiêng liêng của những ngày hòa bình, Nam An không thể nào chứng minh cho sự trong sạch của mình khi cấp trên đã hy sinh, hồ sơ thì bị hủy. Đáng cười chua chát là người ta lại bắt người Đảng viên trung thành, dũng cảm ấy đi học lớp cải tạo. Bi kịch đẩy người chiến sĩ đến bước đường cùng, nó nhấn chìm anh trong sự vô vọng của nỗi khát khao mong một lần được đưa sự thật ra ánh sáng.
 
Báo Công luận
 
"Hư thực" - Tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Phùng Văn Khai
 
Đơn độc trên con đường tự giải thoát mình, Nam An không thể chiến thắng được sự nghiệt ngã của số phận. Tấm ảnh Bác cỡ nhỏ được gói bọc cẩn thận đã trở thành niềm hy vọng mong manh nhất nhưng rồi cũng chỉ còn là chỗ dựa yếu mềm cho tâm hồn đang ngày một héo hon. Đó là Nam An, là những chuồng người dị dạng nơi người đàn ông kỳ quái kiên trì xin từng chữ ký hay còn biết bao kiếp đời cũng đang chung cảnh ngộ ngoài kia. Ngòi bút của nhà văn đã lách sâu vào những góc tối của cuộc sống, những vết thương tưởng chừng như đã được xóa lành nhưng thực chất vẫn ngày đêm gặm nhấm và gây ra những nỗi đau tê tái.
 
... đến những trang viết đương trong thời cuộc
 
Vẫn là ngòi bút cảm thông, thương xót, Phùng Văn Khai không chỉ dừng lại ở những số phận bị tàn tích của chiến tranh vương vãi, mà còn cả những kiếp người nghèo khổ, nhỏ bé đang ngày đêm phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Người đàn ông có bàn tay cụt ngón không đủ sức dựng được một mái nhà làm chỗ dựa cho vợ con, những người phó lò đốt gạch nhỏ đến se sắt không dám mơ đến một gia đình khi đồng tiền kiếm được nuôi thân mình còn chưa đủ, đó là ông già ở “bên kia sông” ngày đêm trông chờ vào mảnh lưới... Những kiếp người nhỏ bé đáng thương đi vào trang viết nhẹ nhàng, lặng lẽ như chính số phận lặng lẽ đang bủa vây quanh họ. Chưa đến mức tận cùng của cái khổ như Chị Dậu, Lão Hạc của thời 30-45, nhưng những con người ấy sống và tồn tại ngay trong cuộc sống hiện đại sung túc của chúng ta, nó động vào lòng trắc ẩn bên trong của mỗi con người, để mỗi khi đọc nó lên ta lại thấy xót xa, thương cảm.
 
Hướng ngòi bút của mình vào những mảnh đời bất hạnh, Phùng Văn Khai đã lột tả sự đa chiều của cuộc sống hiện đại đương thời. Song, nếu đọc nhiều hơn nữa các truyện ngắn của anh, ta còn bắt gặp sự phức tạp đan xen trong chính mỗi con người. Bình trong “Hương đất nung” từng ấp ủ hy vọng sẽ đem về một tương lai sáng sủa hơn cho cái nghề gốm sứ gia truyền. Nhưng rồi “cái dáng mảnh khảnh lẫn vào hàng dâu ấy” đã hơn hai chục năm vẫn chẳng quay về, để nơi làng quê ven sông vẫn còn một người mẹ già tóc bạc, người vợ trẻ ngày nào giờ cũng nhuốm màu chờ đợi tháng năm. Rồi bất chợt một lần được nghe lại cái tiếng ngân nga của bình gốm xứ Bắc Hà, nó gõ nhẹ vào tiềm thức của người đàn ông ấy, gõ rơi luôn đôi dòng nước mắt của người con xa xứ...
 
Không dài dòng khi miêu tả nội tâm nhân vật, chính sự ngắn gọn ấy lại gợi ra bao liên tưởng về dòng chảy của thế giới bên trong tâm hồn. “Những người đốt gạch” vừa là bức tranh cảm động về cuộc sống nghèo khó thiếu thốn, nhưng cũng vừa đặt ra vấn đề mâu thuẫn xung đột trong chính nội tâm của con người khi đứng giữa hai lựa chọn: lạc loài trong một thế giới có đầy đủ vật chất nhưng không được là chính mình, hay trung thành với bản thể cá nhân nhưng không hoàn thành được trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình.
 
Nếu người lính ấy còn thời gian để đắn đo suy nghĩ, để có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn cho mình thì ông Chủ tịch tỉnh trong “Nước mắt trúc’’ cứ bị cuốn đi bởi sự xô bồ của cuộc sống, rồi bị dằn vặt bản thân khi đối diện với tòa án lương tâm. Bi kịch của ông đã không thể hóa giải, và con đường duy nhất có thể đi đó là kết thúc sự tồn tại của chính mình. Ranh giới giữa đúng và sai, thiện và ác, tốt và xấu mỏng manh đến mức con người ta không thể phân biệt được cho đến khi đã quá ngụp sâu trong lầm lỗi thì phải chấp nhận hình phạt nghiệt ngã. Đó cũng chính là lúc tâm hồn mình được giải thoát thanh thản.
 
Báo Công luận 
 
Viết về những mảng tối của đời sống, của thời cuộc nhưng không vì thế mà ngòi bút của nhà văn Phùng Văn Khai trở nên khô khan, cứng nhắc, vội vã. Có phê phán, có mỉa mai, có đau thương và đồng cảm nhưng không quá gay gắt, và cũng chưa đến mức phải sụt sùi trong từng câu chữ. Ở mỗi tác phẩm của mình, Phùng Văn Khai đã khéo léo sâu chuỗi, đan xen vào đó sự mềm mại của chất thơ. Chất thơ toát lên từ vẻ đẹp sáng trong của ánh trăng nơi làng quê, chất thơ ẩn hiện trong từng mỏm đá, trong tiếng khèn của miền rừng núi hoang sơ...
 
Cách vào truyện của nhà văn thường là đảo ngược trật tự tuyến tính thời gian, nhặt ra một chi tiết giống như lát cắt làm phần mở đầu cho câu truyện rồi mới đi ngược lại về quá khứ, lý giải cái ngọn nguồn của sự việc ấy. Cách tổ chức, sắp xếp như vậy tạo được hứng thú cho người đọc, giúp cho câu chuyện không bị nhàm chám mà càng làm tăng thêm sự hấp dẫn lôi cuốn trong từng trang viết.
 
Đọc truyện của Phùng Văn Khai, ta dễ dàng nhận thấy cái mờ ảo trộn lẫn với hiện thực, chúng đan xen vào nhau khiến độc giả như đang lạc vào một thế giới tưởng rằng trần tục nhưng lại đậm chất liêu trai, và rồi cứ thế mải miết đi tìm câu trả lời về vấn đề mà người viết muốn đặt ra. Có lẽ đây chính là nét thành công nhất trong các sáng tác của nhà văn Phùng Văn Khai.
 
Thu Trang

Tin khác

Triển lãm 'Dấu ấn Điện Biên trong điện ảnh'

Triển lãm 'Dấu ấn Điện Biên trong điện ảnh'

(CLO) Triển lãm "Dấu ấn Điện Biên trong điện ảnh" giúp công chúng hiểu hơn về một địa danh lịch sử oai hùng của dân tộc với chiến thắng chấn động địa cầu.

Đời sống văn hóa
Bắc Ninh: Khai mạc trưng bày 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc và thời đại'

Bắc Ninh: Khai mạc trưng bày "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc và thời đại"

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 3/5, tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc trưng bày chuyên đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc và thời đại".

Đời sống văn hóa
Nghi lễ kéo co độc đáo của người Tày (Bắc Hà)

Nghi lễ kéo co độc đáo của người Tày (Bắc Hà)

(CLO) Đối với người Tày ở huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), ngoài vui khỏe, giải trí, trò chơi kéo co còn mang tính nghi lễ gắn với tín ngưỡng cầu mùa, cầu sinh sôi phát triển.

Đời sống văn hóa
Hồi ức lại chiến thắng Điện Biên Phủ qua triển lãm mỹ thuật độc đáo

Hồi ức lại chiến thắng Điện Biên Phủ qua triển lãm mỹ thuật độc đáo

(CLO) Sáng nay 3/5, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) tổ chức triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đời sống văn hóa
Du khách thưởng lãm bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ

Du khách thưởng lãm bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng nay 3/5, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại (1920-1992) phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa