Nhạc sĩ Thế Song – tác giả ca khúc “Nơi đảo xa” qua đời

Thứ hai, 21/05/2018 11:11 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhạc sĩ Thế Song, tác giả của ca khúc "Nơi đảo xa" đã qua đời vào lúc 18 giờ 5 phút ngày 20/5, tròn đúng 1 năm ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Con trai út của nhạc sĩ Thế Song, nhạc sĩ Thế Hiển viết về sự ra đi của đấng sinh thành: “Vậy là bố đi hết con đường dương gian rồi bố nhỉ. Con sẽ rất nhớ bố. Bố lên một chuyến tàu mới để ra khơi bố nhé. Đây con tàu xa khơi, đây con tàu xa khơi”.
Nhạc sĩ Thế Song sinh năm 1933 tại Hà Nội trong một gia đình đông anh em. Cha mẹ ông từng nghĩ ông là con út (tên ông thể hiện quyết tâm của cha mẹ ''thế là xong") nhưng sau đó, gia đình lại đón thêm thành viên mới là nhạc sĩ Văn Dung, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, tác giả của "Những bông hoa trong vườn Bác", "Đường Trường Sơn xe anh qua"...
Từ năm 1955, ông công tác tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông tự học hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc. Bên cạnh sáng tác, ông dàn dựng các tiết mục âm nhạc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Với tình yêu và niềm đam mê âm nhạc, ông đã kiên trì tự học các môn hoà thanh, phối khí và lý luận âm nhạc. Hoạt động chủ yếu của ông là dàn dựng các tiết mục âm nhạc để phát trên làn sóng, chuyên mục "Diễn đàn của Văn công địa phương", phát hiện những giọng hát hay, làm phong phú thêm các chương trình phát sóng.

Báo Công luận
Nhạc sĩ Thế Song. Ảnh: nguồn internet 
Nhạc sĩ Thế Song đã viết gần 600 ca khúc gồm nhiều đề tài, thể loại khác nhau trong sự nghiệp sáng tác. Điểm mạnh của ông là những ca khúc viết về biển và những người lính đảo. Bên cạnh tác phẩm nổi bật nhất Nơi đảo xa, ông còn có nhiều ca khúc khác cùng đề tài như: Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hóa đá, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng ru, Vũng Tàu tình yêu biển, Cát Bà tình em, Biển hẹn Cà Mau. Ngoài các ca khúc biển đảo, nhạc sĩ Thế Song có một số ca khúc thiếu nhi như Em yêu mến anh bộ đội, Trồng hoa trên mộ liệt sĩ...
Vào năm 1979, ca khúc “Nơi đảo xa” được nhạc sĩ Thế Song sáng tác đã ra đời giữa lúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam nổ ra. Đó cũng là thời điểm tròn 5 năm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng (1974).
Đó là thời gian nhạc sĩ Thế Song đi thực tế sáng tác, tình cờ gặp các chiến sĩ từ đảo Trường Sa trở về tại trạm X48 quân chủng Hải Quân, nhạc sĩ Thế song đã cảm thông sâu sắc trước những người lính đảo đầy gian khổ hy sinh nơi đầu sóng ngọn gió. Ngay đêm hôm đó ông đã thức viết về các chiến sĩ Hải quân. Ngày hôm sau về Hà Nội ông đã hoàn thành xong tác phẩm “Nơi đảo xa” mà ông chưa hề đặt chân đến.
Ngay khi hoàn thành ca khúc, nhạc sĩ Thế Song mời ca sĩ Tiến Thành đến nhà để tập. Ca sĩ Tiến Thành trở thành người hát đầu tiên và thành công nhất ca khúc này. Theo nhạc sĩ, sau này, có đến mấy chục ca sĩ cùng hát "Nơi đảo xa", nhưng không ai hát thành công và xúc động như Tiến Thành.

Báo Công luận
 Nhạc sĩ Thế Song trong một lần tới Trường Sa (ảnh tư liệu gia đình)
Năm 1995, khi "Nơi đảo xa" trở nên thân thiết với công chúng yêu nhạc trong cả nước, Thế Song mới có dịp đến Trường Sa cùng các nhạc sĩ như Doãn Nho, Lương Nguyên... Đêm giao lưu văn nghệ, các chiến sĩ cởi trần hát "Nơi đảo xa" rất hay và cảm động, chẳng kém gì ca sĩ chuyên nghiệp.
Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia hoạt động âm nhạc của Hội Âm nhạc Hà Nội, với ba nhiệm kỳ là Ủy viên Ban Chấp hành (từ 1995-2010). Năm 2014, nhạc sĩ Thế Song bị tai biến dẫn đến việc liệt nửa người. Theo nhạc sĩ Thế Hiển, con trai nhạc sĩ Thế Song, mặc dù sức khỏe đã sa sút nhưng tình yêu của nhạc sĩ Thế Song dành cho âm nhạc rất nhiều. Khi ở bệnh viện điều trị, thi thoảng ông vẫn ra hiệu cho các con mở nhạc để nghe. Còn kể từ khi về nhà hàng ngày vào mỗi buổi sáng, con trai cả của ông vẫn mở máy tính, bật những ca khúc của ông sáng tác hoặc những ca khúc cách mạng để gợi cho ông trí nhớ, đánh thức tiềm thức trong trí não.
Đến năm 2017, nhạc sĩ Thế Song được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Nơi đảo xa, Bài ca trên đỉnh Pò Hèn, Tình yêu bên suối.

B.V

Tin khác

Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

(CLO) Tối 19/4, tại Đình Ngự Triều Di Quy - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa (939-2024).

Đời sống văn hóa
Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách 'Thưởng thức triết học'

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách "Thưởng thức triết học"

(CLO) Nhân dịp bộ sách Thưởng thức triết học ra mắt độc giả Việt Nam, ngày 20/4 tới đây tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".

Đời sống văn hóa
Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

(CLO) Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La tổ chức Triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Đời sống văn hóa
Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

(CLO) Ngày 19/4, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam thông tin tới báo chí về những điểm mới tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.

Đời sống văn hóa