Không chỉ đua nhau tuyển dụng nhân sự mới, nhiều ngân hàng (NH) còn phải dùng "chiêu" để giữ nhân viên cũ ở lại trong bối cảnh hàng loạt nhà băng mở rộng chi nhánh cũng như hoạt động kinh doanh.
Dù rằng các NH ồ ạt tuyển dụng nhưng việc kiếm người không phải dễ. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần có trụ sở tại quận 1 (TP.HCM) cho biết, nhiều vụ án xảy ra ở các NH khiến những nhân viên liên quan đến pháp luật khi làm việc theo chỉ đạo của sếp.
Điều này làm cho các nhân viên khác hết sức lo sợ dẫn đến nghỉ việc. Chẳng hạn một chi nhánh của NH này đang dính vào một vụ án đã khởi tố, không những các nhân viên có liên quan đến vụ án xin nghỉ việc mà cả những nhân viên khác làm cùng cũng sợ quá xin nghỉ. Kết quả là năm qua, chi nhánh này gần như tuyển mới nhân sự.
Vài năm gần đây, sự thay đổi nhân sự cấp cao ở các ngân hàng đã không còn là chuyện lạ bởi "khẩu vị" kinh doanh của các ông bà chủ ngân hàng thay đổi và tìm kiếm được người "hợp cạ" cũng không dễ dàng gì.
Theo Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước), nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng trong năm 2018 là rất lớn. Trong năm 2017, với 52,1% tổ chức tín dụng cho biết đã tuyển thêm lao động trong quý 4 nhưng vẫn có 25,3% tổ chức tín dụng đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại.
Với nhu cầu đó, cùng với việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm 2018, có tới 52,1% tổ chức tín dụng lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động ngay trong quý I/2018 và có tới 68,7% tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tăng số lao động trong cả năm 2018. Hiện nay chính những người chủ trong lĩnh vực tài chính cũng có sự thay đổi lớn, sự chuyển giao quyền lực một phần tác động vào vị trí người điều hành.
Các ông chủ, bà chủ ngân hàng mới cũng luôn phải toan tính cẩn trọng với từng vị trí bổ nhiệm người điều hành sao cho có lợi nhất với bản thân họ cũng như cổ đông khác và còn phải phù hợp với định hướng của ngân hàng. Một chuyên gia cố vấn tài chính thì làm gì cũng phải có “band”, nên ông bà chủ ngân hàng thay đổi thì người điều hành cũng phải cùng chung chí hướng.
Theo kế hoạch thường niên, từ giữa tháng 3 tới cuối tháng 4, thậm chí có thể gia hạn sang cuối tháng 6, các ngân hàng nói riêng cũng như các doanh nghiệp niêm yết nói chung sẽ tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Một trong các vấn đề đáng chú ý trong kỳ đại hội năm nay có thể đến từ yếu tố nhân sự HĐQT.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng vừa có hiệu lực ngày 15/1 đã giới hạn Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng không được đồng thời là Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, điều luật này sẽ không lập tức gây ra “làn sóng” đổi nhân sự các nhà băng bởi trường hợp người quản lý, điều hành và các chức danh khác không đáp ứng quy định sẽ được tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ hoặc đến hết thời hạn bổ nhiệm. Chỉ các ngân hàng bắt đầu nhiệm kỳ mới từ năm 2018 như ACB, KienLongBank mới cần thực hiện ngay lập tức. Áp lực biến động nhân sự từ thay đổi luật thực tế là không quá lớn.
Nhưng theo kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông mà một số ngân hàng hé lộ gần đây, mùa đại hội năm nay có thể sẽ chứng kiến điều bất ngờ từ việc bổ sung/ thay thế nhân sự HĐQT như Sacombank, Eximbank bầu bổ sung nhân sự còn SHB sẽ thay thế Phó Chủ tịch Trần Ngọc Linh, VIB dự kiến sẽ bầu thay thế 2 thành viên HĐQT đến từ đối tác chiến lược CBA.
Một số ngân hàng có vốn Nhà nước, có nhiều cán bộ là thành viên HĐQT đã đến tuổi nghỉ hưu như Chủ tịch PGBank Bùi Ngọc Bảo, Ủy viên phụ trách HĐQT BIDV Trần Anh Tuấn. Xu hướng chung các ngân hàng năm nay đều chọn những nhân sự trẻ vào ban điều hành, đơn cử ông Trần Ngọc Tâm được Nam A Bank đặt vào vị trí Tổng giám đốc ở tuổi 45.
Tại Kien Long Bank, mới đây cổ đông cũng được tiếp nhận thông tin bà Trần Tuấn Anh giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc ở tuổi 42. SeABank gây bất ngờ khi đưa ra thông tin ông Nguyễn Cảnh Vinh thôi nhiệm chức Tổng giám đốc, quyền điều hành được giao lại cho ông Lê Văn Tần - Phó tổng giám đốc SeABank.
Thực tế, làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao có thể chưa dừng lại vì nhiều ngân hàng dù chưa công bố nhưng kế hoạch thay đổi tổng giám đốc nằm trong tờ trình Đại hội như LienvietPostbank, PVCombank, BacABank, Eximbank, NCB. Theo giới ngân hàng, các hoạt động thay đổi nhân sự của các ngân hàng vừa qua là “chuyện thuận theo tự nhiên”./.
Cẩm Tú