Không nên tin vào những bài thuốc Nam không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh. Ảnh minh họa
Ngày 23/10, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, bệnh viện này vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 61 tuổi bị suy gan cấp theo dõi nhiễm độc thuốc Nam trên bệnh nhân viêm gan B, suy thận mãn tính.
Qua khai thác bệnh sử và người nhà, bệnh nhân bị viêm gan B và suy thận mạn giai đoạn III. Bệnh nhân uống nấm linh chi khoảng 3 tháng nay. Trong 1 tháng gần đây, da bệnh nhân ngày càng vàng, đã được điều trị tại bệnh viện tuyến trước không đỡ.
Đến ngày 16/10, tình hình bệnh nặng hơn, gia đình chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện 108 điều trị trong tình trạng suy thận độ IV, suy gan nặng, được lọc máu cấp cứu hai lần. Ngày 21/10, bệnh nhận rơi vào tình trạng hôn mê, thở máy.
Hiện nay, thị trường thuốc Đông dược đang vàng thau lẫn lộn. Việt Nam đang có 85% dược liệu là nhập từ nước khác mà đa phần từ Trung Quốc. Những doanh nghiệp bỏ tiền vào lĩnh vực này cũng băn khoăn khi không rõ chất lượng thực sự của dược liệu nhập ngoại. |
Dù đã được áp dụng kỹ thuật lọc máu, nhưng do diễn biến nặng dần, hôn mê sâu, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 108 cho biết, đơn vị từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân dùng các thuốc nam điều trị bệnh mạn tính như viêm gan, xơ gan cũng như được dùng các thuốc bổ như linh chi không rõ nguồn gốc gây tình trạng nhiễm độc suy gan, suy thận nặng. Điều khó khăn khi điều trị nhiễm độc thuốc Nam là không có thuốc đặc hiệu.
Để tránh ngộ độc do thuốc Nam, bệnh nhân nên khám tại các cơ sở y tế tin cậy và đúng chuyên khoa. Khi dùng thuốc nên tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ. Đơn thuốc phải ghi thành phần thuốc, hàm lượng thuốc, cũng như liều lượng sử dụng.
Đặc biệt cần lưu ý tránh chữa bệnh theo phương thức truyền miệng thiếu cơ sở khoa học, bởi tất cả các thuốc dùng không đúng có thể tương tác gây nhiễm độc cho người bệnh, hậu quả khôn lường.
Theo nghiên cứu của viện Dược liệu, 90% thuốc Bắc trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc không có nhãn mác. Sau khi kiểm tra, chỉ riêng các cơ sở khám chữa bệnh Đông y của Nhà nước cho thấy, có đến 60% thuốc không bảo đảm chất lượng, trong đó 20% bị trộn lẫn rác, dược liệu giả. Thậm chí, trong thuốc có cả cát và xi măng. Không chỉ dược liệu giả mới gây hại, nhiều loại dược liệu thật cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu nó không được kiểm soát tốt ngay từ giống, quá trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến… |
Minh Châu