Người tiêu dùng hoang mang trước tình trạng thực phẩm nhiễm độc
Ngày càng nhiều mẫu thịt bị phát hiện có chất cấm gốc B-Agonit (tăng trọng, kích nạc). Ðây là chất có thể làm tim đập nhanh, run cơ, đau đầu, buồn nôn...cho người sử dụng và đã bị cấm sử dụng hơn 10 năm nay. Kết quả kiểm tra, giám sát của Cục Thú y cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu tại các trang trại chăn nuôi dương tính với nhóm B- Agonit. Còn với các loại thịt tại lò giết mổ, kết quả kiểm tra tới 26% số mẫu phát hiện các chất cấm tăng trọng, kích thích gốc B-Agonit. Con số này làm "chấn động" cả ngành chăn nuôi cũng như các chuyên gia an toàn thực phẩm. Câu chuyện về thịt lợn nhiễm độc đã nghiêm trọng đến mức ngay cả vị bộ trưởng ngành nông nghiệp đã nhấn mạnh đây là tội ác chứ không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế theo ông, cần xử lý vấn đề này kiên quyết như công an truy quét ma túy.
Ở đây tạm chưa bàn tới nỗi hãi hùng như thế nào của người tiêu dùng, chỉ đi vào khía cạnh vậy chuyện "quản chất lượng thịt lợn" của chúng ta thế nào để đến cơ sự như vậy. Không phải là người ta không biết qui trình khắc phục tình trạng này. Ví như ngoài việc kiểm soát lò mổ thì phải có truy xuất về chuồng nuôi, xử lý người sản xuất, chế biến tìm ra người buôn bán, đồng thời kiểm soát thức ăn chăn nuôi.
Và thật đáng mừng là hành lang pháp lý để hỗ trợ cho vấn đề này khá ổn. Chúng ta đã có Nghị định 08 của Chính phủ quy định, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm chứa chất cấm nguy hiểm sẽ bị xử phạt, thông báo trên báo đài, rút giấy phép kinh doanh 6 tháng, thu hồi và tiêu hủy chất cấm và vật nuôi tang vật. Cơ sở giết mổ phải chịu trách nhiệm chi trả các chi phí này. Và theo bộ luật Hình sự, các đối tượng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị xử tù từ 3 - 5 năm. Người sử dụng chất cấm còn bị xử lý hành chính theo mức từ 10 - 40 triệu đồng tùy từng mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Công cụ thì đã đủ, vấn đề là thực thi. Trên thực tế, dẫu các phương tiện truyền thông cứ đăng liên tiếp phát hiện vụ thịt nhiễm độc này, bắt giữ vụ hóa chất cấm kia. Nhưng nhìn chung cũng chỉ là phần ngọn của vấn đề. Qui trình xử lý tận gốc chuyện thịt nhiễm độc tố thì còn phải chờ, tốc độ xử lý các sai phạm của cơ quan chức năng thì hình như chậm hơn so với tốc độ vi phạm, nên thị trường thịt lợn hình như vẫn vậy... Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết, rất khó để xử lý triệt để tình trạng này bởi chưa có chế tài cụ thể. Ngay việc đơn giản là xử lý tang vật có chất cấm phát hiện thời gian qua ở TP.HCM, Bình Dương, Ðồng Nai cũng bộc lộ nhiều lúng túng, mâu thuẫn giữa hai luồng ý kiến, là nên giữ lại một thời gian rồi cho tiêu dùng tiếp hay tiêu hủy. Ý kiến cho tiêu dùng tiếp cho rằng, cơ quan chức năng khi phát hiện yêu cầu các cơ sở giết mổ lưu giữ lại đàn lợn có chất cấm từ 7-10 ngày để đào thải, sau đó cho phép lưu thông giết mổ trở lại.
Trước điệp khúc “kêu khó” của chính các lực lượng chức năng thì câu hỏi đặt ra là: Khó thật, hay hệ thống kiểm soát tự làm khó mình mà không quyết liệt vào cuộc? Ngoài ra cũng cần nêu vấn đề là tại sao cả hệ thống đơn vị kiểm soát và xử lý, trước những bất cập lại không tham mưu để điều chỉnh, sửa đổi nhằm có được chế tài mạnh mẽ hơn? Một ví dụ cụ thể là Bộ NNPTNT đã ban hành thông tư 13 về kiểm soát nông sản nguồn gốc thực vật NK, đặc biệt là từ Trung Quốc. Thông tư này cũng như hệ thống văn bản hiện hành có cả quy định về cơ chế phối hợp kiểm soát giữa các lực lượng, thế nhưng thực tế các lực lượng lại cho là... khó phối hợp hay phối hợp chưa nhịp nhàng. Cá biệt, lực lượng hải quan còn cho rằng việc kiểm soát toàn bộ là quá tải do số lượng mẫu nông sản quá nhiều, việc kiểm dịch tại chỗ chưa đủ điều kiện kỹ thuật. Ðiều có thể thấy là trong khi phía nước bạn có thể ách hàng trăm xe tải hàng từ Việt Nam lại để kiểm soát kỹ càng thì lực lượng trong nước lại tỏ ra dễ dãi cho thông quan ồ ạt hoa quả, thực phẩm, phụ gia...
Trên thực tế với kiểu phạt cho tồn tại và quản lý, xử lý kiểu mùa vụ chính là mấu chốt của vấn đề. Ðặc biệt với kiểu “than khó” của chính các lực lượng chức năng lại trở thành kẽ hở dễ dàng cho thực phẩm “bẩn” và phụ gia độc hại hoành hành. Các ý kiến chuyên gia cho rằng một khi các lực lượng chức năng chưa đồng loạt ra tay thì tình trạng thực phẩm “bẩn”, phụ gia độc hại sẽ khó lòng được dẹp bỏ. Hơn thế, nếu cứ mãi để tình trạng phạt rồi cho tồn tại, tái phạm thì lại... phạt tiếp mà không có những hình thức xử lý cứng rắn hơn thì cũng khó lòng ngăn ngừa vi phạm.