Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ hôm nay 1/7/2021

Thứ năm, 01/07/2021 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Từ ngày 1/7/2021, nhiều chính sách, văn bản mới, như chính sách ưu đãi với người có công, chính sách về bảo hiểm y tế, cư trú, đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV… sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Luật Phòng, chống thiên tai được sửa đổi, bổ sung quy định đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình

Luật Phòng, chống thiên tai được sửa đổi, bổ sung quy định đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình

Huy động nguồn lực phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.

Luật Phòng, chống thiên tai được sửa đổi, bổ sung quy định đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình tại Điều 18a và sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Đê điều, như: hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT để đảm bảo an toàn đối với các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; bỏ quy định xây dựng cầu qua sông có đê phải có cầu dẫn trên bãi sông.

Trong quá trình thực hiện, một số cầu mới được xây dựng ở những vị trí có khoảng cách giữa hai tuyến đê lớn không nhất thiết phải làm cầu dẫn trên bãi sông, mà vẫn phải có các giải pháp kỹ thuật khác, đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ.

Tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân

Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9; gồm 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú năm 2020 nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng lý, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú, trọng tâm nhằm xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đáng chú ý, chương IV của Luật quy định việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin, thông qua việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phần mềm quản lý cư trú thuộc hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu về cư trú do Bộ Công an xây dựng, thiết kế, cung cấp cho các cơ quan để đăng ký cư trú, cập nhật, khai thác sử dụng và quản lý thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Bên cạnh đó, Luật Cư trú năm 2020 bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Luật bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ, chồng của người nhiễm HIV, nhằm đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng trên.

Ngoài ra, độ tuổi của trẻ được quyền tự nguyện đề xuất xét nghiệm HIV giảm từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và sự gia tăng số trẻ em nhiễm HIV trong giai đoạn hiện nay. Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành và có thêm nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế theo yêu cầu chuyên môn.

Luật bổ sung quy định, người được xét nghiệm HIV cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi thực hiện xét nghiệm khi muốn nhận kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính...

Mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế

Luật Thỏa thuận quốc tế được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021. Luật gồm 7 chương, 52 điều, thay thế Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Luật Thỏa thuận quốc tế đã mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh năm 2007 như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật bổ sung một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Luật quy định hai hình thức rút gọn, bao gồm rút gọn về quy trình và rút gọn về thời hạn, hồ sơ.

Thay đổi về chính sách ưu đãi với người có công

Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 được Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020 về ưu đãi về người có công chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, thay thế cho Pháp lệnh năm 2005.

Theo Pháp lệnh này, thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là một chế độ mới mà trước đây chưa quy định cho các đối tượng người có công này.

Với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mức trợ cấp hằng tháng cũng được tăng từ ngày 1/7/2021, cụ thể là bằng 3 lần mức chuẩn (tức 4.872.000 đồng/tháng), thay vì 1 lần mức chuẩn như quy định trước đây.

Riêng với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha, mẹ đẻ của liệt sĩ khi còn sống, sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và được hỗ trợ về Bảo hiểm y tế.

Tăng trợ cấp cho nhiều đối tượng

Theo Nghị định 20 của Chính phủ, nhiều khoản trợ cấp cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội được điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/7/2021.

Cụ thể, trẻ mồ côi dưới 4 tuổi; trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng, thay cho mức 675.000 đồng/tháng.

Người từ đủ 60 đến đủ 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng, thay cho mức 405.000 đồng/tháng.

Người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp 720.000 đồng/tháng, thay cho mức 540.000 đồng/tháng; người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng, thay cho mức 405.000 đồng/tháng…

Trợ cấp mai táng người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác tối thiểu là 18 triệu đồng (trước đây là 5,4 triệu đồng), với trường hợp gia đình tổ chức mai táng…

Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác cho hộ dân phải di dời khẩn cấp tối thiểu là 30 triệu đồng/hộ (trước đây tối đa là 20 triệu đồng/hộ…)

Nhiều khoản trợ cấp cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội được điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/7/2021. Ảnh minh họa

Nhiều khoản trợ cấp cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội được điều chỉnh tăng vào thời điểm 1/7/2021. Ảnh minh họa

Nhiều chính sách BHYT có lợi cho người dân

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách Nhà nước đóng.

Điều này có nghĩa những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Kể từ ngày 1/7/2021, Nghị định 20/2021/NĐ-CP bổ sung thêm nhiều đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, do đó cũng sẽ có thêm nhiều đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Ngoài ra, theo Thông tư 05/2021/TT-BYT về quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, người dân sẽ được biết giá dịch vụ khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Theo đó, một trong những nội dung các bệnh viên công lập phải công khai đối với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh có thẻ BHYT đó là giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.

Người dân được làm căn cước công dân tại nơi tạm trú

Ngày 1/7/2021 cũng là thời điểm có hiệu lực của một số văn bản liên quan đến Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, cụ thể là Thông tư 59 và Thông tư 60 của Bộ Công an.

Cụ thể, sẽ thu hồi mọi Chứng minh nhân dân cũ (9 số, 12 số) khi người dân làm thủ tục đổi sang CCCD gắn chip. Trong khi trước đây, chỉ thu hồi với Chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét, còn các trường hợp khác thì chỉ bị cắt góc và được trả lại cho người dân. 

Về thời gian tối đa để cấp CCCD cho người dân là 8 ngày làm việc (trong đó có 2 ngày để chuyển dữ liệu điện tử lên Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư; 3 - 4 ngày để Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính xử lý, phê duyệt, in thẻ và 2 ngày chuyển phát về nơi người dân làm thủ tục).

Mã QR Code trên thẻ CCCD chứa thông tin về số Chứng minh nhân dân cũ của người dân. Do đó, người dân không cần phải xin Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân và cung cấp khi làm các thủ tục, giao dịch sử dụng số Chứng minh nhân dân cũ như trước đây, trừ trường hợp mã QR Code không có thông tin về số Chứng minh nhân dân.

Cũng từ 1/7/2021, người dân chính thức được làm CCCD ở nơi tạm trú, thay vì phải về nơi thường trú như trước đây. Khi đi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, người dân không còn phải điền thông tin trên tờ khai CCCD như trước, mà cán bộ làm thủ tục sẽ tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó in phiếu cho người dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên…

T.Toàn

Tin khác

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.

Tin tức
Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPT tiếp tục xem xét, nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp sản phẩm (cột điện - PV) tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3 nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực thiết kế, công nghệ, quy trình kiểm chuẩn, kiểm soát chất lượng và có cam kết trách nhiệm.

Tin tức