Chưa đạt tiến độ, phát sinh thua lỗ
Cổ phần hóa doanh nghiệp chưa đạt tiến độ như quy định (Ảnh minh họa)
Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 sẽ cổ phần hóa 127 doanh nghiệp (Năm 2017: 44 doanh nghiệp; Năm 2018: 64 doanh nghiệp; Năm 2019: 18 doanh nghiệp; Năm 2020: 1 doanh nghiệp) trong đó có những bộ, ngành, địa phương đã triển khai cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp với giá trị lớn.
Tuy nhiên theo thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2018 mới cổ phần hóa 11 doanh nghiệp (trong đó có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2017 và chưa có doanh nghiệp nào thuộc danh sách 2018 theo kế hoạch tại công văn số 991/QĐ-TTg) với tổng giá trị doanh nghiệp của 11 doanh nghiệp là 29.634 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.329 tỷ đồng.
Như vậy, đến nay mới cổ phần hóa được 26/127 doanh nghiệp trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/QĐ-TTg (chiếm 20,4%). Những đơn vị thực hiện tích cực, đã hoàn thành kế hoạch đặt ra là tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Kạn...
Cùng với đó, kế hoạch thực hiện thoái vốn cũng chưa được như kỳ vọng đặt ra. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái 406 danh mục, khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Ngoài việc thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị còn phải thực hiện thoái vốn đầu tư khỏi các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao, thoái vốn khỏi các ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính và thoái vốn theo phương án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cục Tài chính doanh nghiệp cũng cho biết, tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa có nhiều thay đổi. Bên cạnh những doanh nghiệp tổng tài sản tăng, lợi nhuận tăng thì vẫn có doanh nghiệp phát sinh lỗ.
Trong đó Cục Tài chính thống kê, có 35 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng; tổng số phát sinh phải nộp NSNN là 47.297 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, một số doanh nghiệp cổ phần có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỷ đồng....
Như vậy có thể thấy, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty CP XNK Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...
Với kết quả này, nhiệm vụ đặt ra và để hoàn thành các mục tiêu của CPH và thoái vốn DNNN là không hề đơn giản. Vì vậy, cần có quyết tâm cao nhất của DN, của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quyết tâm của Chính phủ và sự đồng hành của các cơ quan liên quan. Cần tạo ra những đột phá hơn nữa khi chúng ta bước vào giai đoạn hai của cuộc đổi mới. Đó là quyết tâm xử lý những nút thắt, những nhân tố làm cản đường CPH.
Cần giải pháp quyết liệt hơn
Phải có chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh sau CPH (Ảnh minh họa)
Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN. Tuy nhiên thực tế có thể thấy việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung; cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Đặc biệt, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng, công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần phải được công khai hơn nữa tới các bộ, ngành đang chậm kế hoạch cổ phần hóa, kế hoạch thoái vốn, chậm quyết toán cổ phần hóa DNNN, chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cần có cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc.
Theo Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tập trung vào các nhóm giải pháp như: Giải pháp về nhận thức, thể chế, tổ chức thực hiện, quản trị doanh nghiệp và giải pháp về giám sát, kiểm tra, công khai, minh bạch. Trong đó, đối với giải pháp tổ chức, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trước ngày 31-12-2018 phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.
Nhằm thúc đẩy cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, ông Đặng Quyết Tiến đề nghị, sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả... Cần nâng cao, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhất là người đứng đầu trong tái cơ cấu, CPH, thoái vốn đầu tư nhà nước.
Phương Thảo