Mở đầu phiên giải trình, Thường trực HĐND thành phố đã phát một phóng sự tổng hợp số dự án chậm, có dấu hiệu vi phạm Luật đất đai theo báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã là 383 dự án nhưng theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội chỉ là 161 dự án.
Liên quan tới các dự án vi phạm Luật Đất đai với thời gian rất dài từ 5-10 năm, đại biểu Trịnh Xuân Quang (tổ ĐB Thanh Xuân) đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết nguyên nhân chính đối với các dự án được giao đất chậm triển khai nhưng chậm xử lý theo quy định, giải pháp để sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ ĐB Thạch Thất) đặt vấn đề về các sai phạm cũ của các chủ đầu tư trước đây. Trong số các dự án đã được nêu ra, có bao nhiêu nhà đầu tư đã vi phạm. Sở TN&MT có phối hợp với Sở KH&ĐT công khai các nhà đầu tư cố tình vi phạm không?
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi. Ảnh: Cổng giao tiếp điện tử TP. Hà Nội.
Đại biểu Hồ Vân Nga (tổ ĐB biểu Quốc Oai) đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết đến nay đã có bao nhiêu dự án được thành phố quyết định gia hạn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013? Nếu có trường hợp dự án chậm triển khai chưa xác định khoản bổ sung tiền thuê đất thì lý do vì sao và biện pháp khắc phục như thế nào?
Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ ĐB Hoài Đức) đặt câu hỏi, việc xử lý vi phạm như hiện nay đã đảm bảo mức răn đe hay chưa? Có bao nhiêu chủ đầu tư thực hiện khắc phục sau xử phạt và có bao nhiêu đơn vị không khắc phục và tiếp tục tái phạm? Đại biểu Dương đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết, đối với các dự án chậm tiến độ triển khai trên địa bàn huyện Hoài Đức thì việc xử lý vi phạm các chủ đầu tư này như thế nào?
Đại biểu Duy Hoàng Dương đặt câu hỏi. Ảnh: Cổng giao tiếp điện tử TP .Hà Nội.
Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông cho biết, có thể nói các dự án trên địa bàn TP. được giao đất, cho thuê đất cơ bản được triển khai đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, song bên cạnh đó có những dự án chậm tiến độ thậm chí vi phạm luật Đất đai.
Trả lời câu hỏi của ĐB Hoài Nam đối với các dự án chậm tiến độ, Giám đốc Sở TN&MT cho biết do năng lực tài chính và sự chủ động của các đơn vị. Đối với những đơn vị đã xử lý vi phạm và có kết luận của thanh tra, Sở đã thực hiện công bố công khai các đơn vị này trên cổng thông tin điện tử của Sở và của Bộ TNMT. Đây là căn cứ để xem xét giao đất chấp thuận dự án đối với các dự án tiếp theo. Vì thế, trong quá trình tham gia liên thông để cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án, thì Sở luôn kiểm tra thông tin này. Nếu các đơn vị có vi phạm chưa được khắc phục thì dứt khoát không được chấp thuận dự án mới.
Về việc gia hạn quy định các dự án của ĐB Nga, Giám đốc Sở TN&MT đã gia hạn không nhiều dự án, việc xin gia hạn chủ yếu là thực hiện điều chỉnh quy hoạch sau đó điều chỉnh hướng đầu tư. Sở sẽ tổng hợp số liệu và gửi tới đại biểu.
Giám đốc Sở TN&MT trả lời những câu hỏi của đại biểu. Ảnh: Cổng giao tiếp điện tử TP. Hà Nội.
Trả lời chất vấn đại biểu Duy Hoàng Dương, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Sở đã thực hiện thanh kiểm tra với 215 Dự án. Qua thanh tra thì có 64 Dự án đã được khắc phục, 151 Dự án qua thanh, kiểm tra có 21 Dự án đã kiến nghị thu hồi đất và xử lý phạt, 11 Dự án vướng mắc do quy hoạch GPMB, 30 Dự án thanh tra chính phủ và các ngành thanh kiểm tra, 84 Dự án đang thanh kiểm tra. Hiện, Sở đang tiếp tục phối hợp với thành phố xử lý vi phạm. "Sau phiên giải trình này, Sở sẽ cùng các ngành tổ chức các đoàn thanh tra xuống thanh tra cụ thể từng Dự án. Quý 3 cùng các ngành thành phố hoàn thành việc kiểm tra xử lý" - ông Đông thông tin.
Tái chất vấn Giám đốc Sở TN&MT, ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng, nhiều chủ đầu tư tái phạm dù không vướng mắc về quy hoạch, tài chính. ĐB đặt vấn đề “chúng ta chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm đôn đốc, nể nang các nhà đầu tư?”.
ĐB Hồ Vân Nga cho rằng rất nhiều dự án chậm hơn 10 năm, trong khi luật Đất đai quy định gia hạn 24 tháng, vậy Sở có biện pháp gì để tham mưu UBND thành phố? ĐB Duy Hoàng Dương tái chất vấn cho rằng, mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe.
Giải trình các nội dung tái chất vấn của đại biểu HĐND thành phố, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, các Dự án đã chậm 5-10 năm và kiến nghị không gia hạn. Đã chậm 5-10 năm rồi về quan điểm của Sở không gia hạn. Điều này đúng theo các quy định tại Luật đất đai, trừ đơn vị có lý do bất khả kháng mới xem xét gia hạn, còn lại là không gia hạn.
P.V