(CLO) Sáng ngày 23/12/2015 tại TP.HCM, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp tục làm lễ phát động, hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam khu vực phía Nam.
[caption id="attachment_71830" align="aligncenter" width="891"]

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, tặng chiếc máy ảnh gắn bó hơn 30 năm của mình cho Bảo tàng Báo chí.[/caption] [caption id="attachment_71827" align="aligncenter" width="1028"]

Những kỷ vật một thời gắn bó với nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nay tặng lại cho Bảo tàng Báo chí VN.[/caption]
Tại lễ phát động, nhiều nhà báo lão thành qua các thời kỳ, những phóng viên chiến trường năm xưa … đã đến rất sớm mang theo những hộp quà, những kỷ vật để hiến tặng. Trong đó, có không ít các hiện vật được xem là một phần không thể tách rời trong cuộc chiến mà các nhà báo đã mang theo và gìn giữ hơn nửa thế kỷ qua như:
Nhà báo lão thành Trần Thanh Phương, nguyên phóng viên của báo Nhân Dân… đã hiến tặng cho bảo tàng hơn 20 bộ sưu tập quý trước năm 1975 như báo Dân Chủ, báo Đồng Khởi… cùng nhiều hiện vật lịch sử.
Đại diện gia đình nhà báo Nguyễn Khắc Cần (một trong những người đầu tiên góp phần vào việc xây dựng đài phát thanh giải phóng) bà Triệu Thị Hòa vợ của ông đã trao tặng 5 chiếc radio mà nhà báo Nguyễn Khắc Cần luôn mang theo trong thời gian hoạt động.
Mang đến hai kỷ vật một chiếc máy đánh chữ và chiếc kính thời hoạt động tại chiến trường Lào, Campuchia, nhà báo, nhà văn Trần Quang Tấn đã hiến tặng lại cho Bảo tàng Báo chí.
[caption id="attachment_71820" align="aligncenter" width="860"]

Đông đảo các nhà báo lão thành đã đến dự rất sớm trước buổi lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí VN sáng ngày 23/12, tại tòa nhà mới của Báo Thanh Niên.[/caption] [caption id="attachment_71822" align="aligncenter" width="1013"]

Những hình ảnh một thời hoa lửa của các phóng viên chiến trường đã được ghi lại bằng những thước phim đen trắng đầy kỷ niệm.[/caption]
Cũng trong sáng ngày phát động hiến tặng hiện vật tại khu vực phía Nam, đã có rất nhiều sự đóng góp, hiến tặng tư liệu quí giá của các cá nhân nhà báo trong thời kỳ hoạt động của mình cho bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Với 150 năm lịch sử, báo chí Việt Nam từ những năm đầu xuất hiện đã sớm có được vị thế đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
[caption id="attachment_71815" align="aligncenter" width="1342"]

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: "Việc xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam là một công việc trọng đại, là tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ tiền bối và hậu thế".[/caption]
Báo chí Việt Nam, nhất là báo chí cách mạng luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển quốc ngữ, chấn hưng văn hóa, là vũ khí tư tưởng sắc bén góp phần trực tiếp trong các cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Lịch sử báo chí Việt Nam là một phần lịch sử vẻ vang của đất nước, thể hiện của một nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ. Lịch sử ấy phải được ghi lại, tỏa sáng dưới mọi hình thức, đặc biệt là ở Bảo tàng Báo chí.
Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, việc xây dựng Bảo tàng báo chí Việt Nam là một công việc trọng đại, là tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ tiền bối và hậu thế.
Với sự đặc biệt đó, đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt và quyết định bổ sung Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào hệ thống bảo tàng quốc gia vào cuối tháng 11-2015 vừa qua.

[caption id="attachment_71829" align="aligncenter" width="870"]

Các tài liệu, hiện vật của các nhà báo lão thành hiến tặng được trưng bày tại lễ phát động.[/caption]
Với bảo tàng, hiện vật là linh hồn. Từng thước phim, tờ báo, tấm ảnh, từng hiện vật dù nhỏ nhất, đơn giản nhất liên quan đến nghề báo, người làm báo… đều có giá trị lịch sử vô giá, không thể thay thế. Chính vì vậy nếu để chậm, thờ ơ và trễ nãi một chút có thể sẽ có thêm một hiện vật mất dấu vết…, một nhân chứng ra đi.
Với ý nghĩa đó, Bảo tàng Báo chí hy vọng tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, hiến tặng của các nhà báo, cá nhân, tập thể quan tâm đến việc lưu giữ, phát triển những giá trị đích thực của ngành báo chí cách mạng Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Những hiện vật được Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi hiến tặng bao gồm: tài liệu thông tin liên quan đến lịch sử báo chí và người làm báo địa phương. Bản gốc hoặc bản sao các ấn phẩm báo chí hoặc măng sét báo chí cổ, cũ từ trước Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay.
[caption id="attachment_71831" align="aligncenter" width="884"]

Bản đồ Sài Gòn được nhà báo Nguyễn Thanh Bền vẽ lại bằng tay năm 1967, nay tặng lại cho Bảo tàng Báo chí.[/caption] Các công cụ in ấn và làm báo từ thô sơ đến hiện đại từ trước CMT8 đến nay.
Các dụng cụ, đồ nghề (bút, máy ảnh, máy đánh chử, máy quay phim...), những kỷ vật như thư từ, nhật ký, sổ ghi chép, bản thảo các tác phẩm báo chí, đồ dùng sinh hoạt thời chiến tranh của các nhà báo. Các văn bản của cơ quan báo chí, quản lý báo chí có giá trị hoặc ý nghĩa lịch sử…
Ảnh báo chí, tư liệu ghi lại hình ảnh hoạt động báo chí và quản lý báo chí của những người làm báo ở các vùng miền, qua các thời kỳ. Các phần thưởng của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội... trong và ngoài nước dành cho những người làm báo và cơ quan báo chí qua các thời kỳ. Hiện vật cần được ghi rõ tên, xuất xứ, người hoặc cơ quan sử dụng, thời gian sử dụng.
Trước đó vào tháng 1-2015, lễ phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam khu vực phía Bắc đã tiếp nhận được hàng trăm hiện vật có giá trị của các nhà báo và gia đình các nhà báo.
Dự kiến, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ được khánh thành vào ngày 21/6/2016 sắp tới.
Chính Kỳ