Sau ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9, nhiều địa phương ở Nghệ An bị hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông nghiêm trọng, sạt lở đường, taluy, cuốn trôi cầu cống.
Tại địa bàn huyện Thanh Chương, sau mưa lũ, hạ tầng giao thông bị hư hỏng khá nặng, hiện tại đang được các lực lượng tích cực khắc phục. Tại Rú Nguộc xã Thanh Ngọc, khối lượng đất, đá tràn xuống lòng đường đã được máy móc thu dọn. Tuy nhiên từ đỉnh núi Rú Nguộc vẫn đang còn khá nhiều những tảng đá “treo” đang được công nhân, xử lý khoan, để chủ động đẩy xuống tránh hiểm họa cho người đi đường.
Tại huyện Kỳ Sơn, từ ngày 1/11 đến nay, địa phương đã khắc phục được trên 20 điểm sạt lở ta luy dương (sạt lở núi). Tuy nhiên do mưa lớn, đồi núi ngấm nước nên hiện nay vẫn xảy ra sạt lở tại các xã Nậm Cắn, Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam, Huồi Tụ…
Với huyện Anh Sơn, hiện nay chính quyền huyện chỉ đạo các lực lượng khắc phục xong các điểm sạt lở, dựng cầu tạm, đảm bảo thông đường.
Hiện tại, ngành giao thông đang tập trung chỉ đạo 12 đơn vị có chức năng quản lý giao thông ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tập trung khắc phục hậu quả mưa bão. Tiến hành sửa chữa các tuyến, đoạn đường bị bong mặt đường, sụt lún, hỏng nền đường và đắp nối các đoạn đường vị đứt ở các huyện Tương Dương, Anh Sơn, Quế Phong, Thanh Chương, trên các Tỉnh lộ 531, 532, 543, 544, 537A, 537B,…
Tại Thừa Thiên Huế, sửa chữa nhà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ sinh kế... cho người dân là những hoạt động được những người trẻ trên địa bàn tỉnh ráo riết thực hiện sau bão, lũ.
Những ngày này, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đang hoàn thiện kế hoạch cho chuỗi chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân sau lũ.
Trong khi đó, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng đang tiến hành rà soát những hộ dân bị thiệt hại nặng nề về kinh tế để tìm hướng hỗ trợ sinh kế, giúp dân tái tạo sản xuất.
Đồng hành cùng góp sức giúp bà con khắc phục khó khăn sau mưa lũ, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời tạm ứng đủ kinh phí cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (BHYT) để phục vụ hoạt động khám chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.
Đồng thời, đầu tháng 11, đoàn công tác do Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Trần Đình Liệu cùng ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc BHXH Thừa Thiên Huế dẫn đầu đã về các xã thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà, trực tiếp trao tặng 250 thẻ BHYT cho người dân bị thiệt hại nặng do bão lũ, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, giúp người dân vượt qua thiên tai, dần ổn định cuộc sống.
Tại Quảng Bình, nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nhu cầu trợ giúp của người dân để có những hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương bị thiệt hại khôi phục sản xuất. Các đơn vị chuyên môn trực tiếp phối hợp với các địa phương huy động tối đa mọi phương tiện và nhân lực, tiến hành tháo nước, bơm tiêu nhanh trên ruộng hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm bị ngập úng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Khôi phục những diện tích ruộng bị vùi lấp, xói lở do mưa lũ để tổ chức sản xuất vụ đông-xuân bảo đảm diện tích và kịp thời vụ.
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp và các huyện, thành phố, thị xã chuẩn bị sẵn sàng giống cây lương thực, rau màu để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Trước mắt, cần ưu tiên giống ngô, rau màu ngắn ngày. Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi đưa gia súc, gia cầm đến nơi khô ráo; cung cấp đầy đủ thức ăn; theo dõi tình hình sức khỏe đàn gia súc, gia cầm và có báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y cơ sở khi có gia súc, gia cầm bị ốm, chết. Tranh thủ thời tiết nắng ráo đẩy mạnh chăm sóc diện tích cây thức ăn thô xanh, bảo đảm nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn gia súc, gia cầm,…
Đi cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ tỉnh: 20.000 lít Benkocid, 20 tấn Clorine để xử lý môi trường chăn nuôi, thủy sản; 50.000 liều vắc xin lở mồm long móng, 50.000 liều vắc xin dịch tả lợn,… Bộ cũng đã cấp 5.000kg hạt giống ngô và 4.200kg hạt giống rau. Sau khi tiếp nhận, Sở sẽ phân bổ về các địa phương để kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.
Bên cạnh đó, để cùng chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình đã thống nhất từ nay đến cuối năm 2020 sẽ cắt giảm các hội nghị, tiết kiệm nguồn chi thường xuyên và một số hoạt động khác để dồn lực giúp các trường học khắc phục hậu quả.
Theo đó, nguồn kinh phí tiết kiệm được từ thực hiện cắt giảm các hội nghị, tiết kiệm chi thường xuyên và tổ chức một số hoạt động khác sẽ sử dụng vào việc hỗ trợ mua sắm thiết bị dạy học, cùng các nguồn hỗ trợ khác của tổ chức, cá nhân để chia sẻ khó khăn với các trường học bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lụt.
Trong đợt mưa lũ lịch sử, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập trong nước; hàng ngàn trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 370 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cơ sở vật chất trường học khoảng 100 tỷ đồng; thiệt hại về sách vở, thiết bị, đồ dùng học tập học sinh... trên 270 tỷ đồng.
Tại Quảng Trị, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi chỉ đạo, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ, động viên, thăm hỏi Nhân dân ở các địa phương. Trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường, khẩn trương tìm kiếm những người bị mất tích, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ổn định đời sống người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh sớm được trở lại trường; tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở.
Tại các địa phương, các lực lượng được huy động tối đa để tập trung vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa lũ. Các ngành chức năng đã triển khai phương tiện, lực lượng khắc phục nhanh các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt sau mưa lũ, các công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại, các sự cố mạng lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc cũng được khẩn trương khắc phục để sớm phục vụ nhu cầu của người dân.
Với chủ trương không để bất cứ người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, UBND tỉnh đã phân bổ 10 tấn lương khô, 3.000 tấn gạo và các mặt hàng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn do Trung ương cấp để các đơn vị, địa phương kịp thời hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ra lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung tay hỗ trợ người dân Quảng Trị vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống và sức khỏe Nhân dân.
Tính đến ngày 31/10/2020, Ban Cứu trợ các cấp trong tỉnh đã vận động, tiếp nhận được số tiền gần 60 tỷ đồng (đã về tài khoản gần 40 tỷ đồng) và hàng hóa, nhu yếu phẩm gồm 100 tấn gạo, trên 15.000 thùng mì ăn liền, 4.000 hộp đồ hộp, 1.500 thùng bánh các loại,…ước tính trị giá gần 11 tỷ đồng. Các địa phương đã tiếp nhận khoảng 100.000 suất quà với trị giá trên 8 tỷ đồng. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phân bổ 100 tỷ đồng từ nguồn Trung ương hỗ trợ để các đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức khắc phục hậu quả, triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, thực hiện chính sách an sinh xã hội và sửa chữa các công trình trường học, trạm y tế, đảm bảo giao thông bước 1 các tuyến đường quan trọng, huyết mạch. Sửa chữa các công trình thủy lợi, đê điều và công trình sạt lở cấp bách phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, ổn định cuộc sống của Nhân dân sau mưa lũ.
PV