Nhiều phát hiện mới từ khai quật khảo cổ tháp đôi Liễu Cốc

Thứ sáu, 28/06/2024 19:08 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều phát hiện mới tại cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc đã góp phần làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.

Sau hơn 2 tháng tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc, đoàn chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có báo cáo sơ bộ về cuộc khai quật khảo cổ này.

Theo đó, từ cuối tháng 4 đến tháng đầu tháng 6/2024, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với đơn vị thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

nhieu phat hien moi tu khai quat khao co thap doi lieu coc hinh 1

Toàn cảnh Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia tháp đôi Liễu Cốc. Ảnh: TL

Đợt khai quật khảo cổ thực hiện thăm dò trên diện tích 20m2 (gồm 4 hố) và diện tích khai quật 60m2 (3 hố). Việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ lần này để xác định rõ quy mô, kết cấu, tính chất, niên đại của di tích, từ đó phục vụ cho việc quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tổng thể di tích.

Để xác định đầy đủ quy mô, cấu trúc mặt bằng tổng thể di tích tháp đôi Liễu Cốc, các chuyên gia cũng mở 5 hố thám sát, trong đó có 2 hố ở phía Đông thẳng trục trung tâm của tháp Bắc, 1 hố ở góc Đông Bắc, 1 hố ở góc Đông Nam và 1 hố ở phía Tây.

Sau đó, quá trình khai quật đã cho mở rộng và nối thông các hố khai quật (H1, H2, H3) lại với nhau tạo thành 1 hố lớn (9,4 x 10,3m), bao quanh nền móng kiến trúc tháp Bắc. Qua đó đã xác định rõ mặt bằng, quy mô và kết cấu của kiến trúc đền tháp Bắc.

Ở các hố thăm dò đã xác định được vị trí của tháp Cổng (gopura), tháp Hỏa (kosagraha), hệ thống tường bao (antarmandala) phía Đông và đường đi nối từ tháp Nam sang tháp Bắc.

nhieu phat hien moi tu khai quat khao co thap doi lieu coc hinh 2

Khu vực tiến hành khai quật khảo cổ. Ảnh: LM

Theo ông Nguyễn Ngọc Chất, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (người chủ trì cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ), kết quả khai quật và quan sát bề mặt hiện trạng, bước đầu chỉ xác định được 2 đền tháp chính trong di tích, không thấy dấu hiệu của tháp thứ 3.

“Nếu đúng chỉ có 2 tháp thờ chính thì tháp đôi Liễu Cốc là một di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích đền tháp Champa có 2 tháp thờ chính...", ông Nguyễn Ngọc Chất đánh giá.

Cũng theo ông Chất, song song với việc làm xuất lộ quy mô kết cấu nền móng kiến trúc tháp Bắc và các dấu tích kiến trúc liên quan khác, trong quá trình khai quật cũng thu được một khối lượng di vật khổng lồ gồm hơn 4.800 tiêu bản. Trong đó, tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại.

Riêng vật liệu kiến trúc có 3.936 tiêu bản gồm gạch và ngói, trong đó gạch chiếm đa số với 3.920 tiêu bản, ngói có 16 mảnh. Đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau. Tiền kim loại phát hiện được 1 đồng "Nguyên Phong thông bảo" viết theo lối hành thảo, niên đại thế kỷ XIII.

nhieu phat hien moi tu khai quat khao co thap doi lieu coc hinh 3

Một số hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ. Ảnh: TL

Trang trí kiến trúc được tìm thấy chủ yếu là những hình trang trí góc tháp được làm từ đá sa thạch màu xám vàng, ngoài tạo tác với khối hình đơn giản, bề mặt nhẵn, hình đầu bò Nandin... Tổng số có 50 mảnh xác định được trang trí hình đầu bò, trong đó có 2 hiện vật nguyên trạng.

Di vật đá tìm thấy 4 tiêu bản, đặc biệt trong đó có đầu phù điêu Phật niên đại thế kỷ XI-XII. Có thể nói, đây là bộ sưu tập hiện vật quý, chắc chắn sau khi nghiên cứu, chỉnh lý, giám định và lập hồ sơ khoa học sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp ích cho công tác nghiên cứu và trưng bày phát huy giá trị.

Cũng tại buổi họp báo cáo sơ bộ, ông Chất đã thay mặt những người công tác làm chuyên môn kiến nghị tiếp tục mở rộng diện tích nghiên cứu, khai quật khảo cổ để xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích tháp đôi Liễu Cốc. Từ đó làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, xây dựng hồ sơ thuyết minh di tích đúng với giá trị vốn có của nó.

nhieu phat hien moi tu khai quat khao co thap doi lieu coc hinh 4

Đầu phù điêu Phật niên đại thế kỷ XI-XII và một số mảnh bia ký. Ảnh: LM

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, tuy phạm vi khai quật khảo cổ vừa qua còn rất hạn chế nhưng đã cho nhiều phát hiện mới, khẳng định thêm những giá trị to lớn của di tích tháp đôi Liễu Cốc.

Ông Phan Thanh Hải cũng khẳng định, sẽ kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục mở rộng khảo cổ giai đoạn 2 với di tích này trước mùa mưa năm nay. Nếu làm được điều này mới có cơ sở, phương án bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài.

Di tích tháp đôi Liễu Cốc nằm ở địa phận làng Liễu Cốc Thượng, thôn Bàu Tháp, nay là Tổ dân phố Xuân Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Mặc dù với hiện trạng đã bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng nhưng so với các ngôi đền tháp Champa được biết đến từ Bắc Mỹ Sơn (Quảng Nam) trở ra, bên cạnh tháp Phú Diên, tháp đôi Liễu Cốc là di tích có tình trạng bảo tồn tốt nhất.

Từ đầu thế kỷ XX, tháp đôi Liễu Cốc đã được người Pháp ghi danh và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương. Năm 1994, di tích này được Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Ninh Bình: Tổ chức chuỗi hoạt động tại Lễ hội khinh khí cầu năm 2024

Ninh Bình: Tổ chức chuỗi hoạt động tại Lễ hội khinh khí cầu năm 2024

(CLO) UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch 132/KH-UBND về việc tổ chức Lễ hội khinh khí cầu, Tràng An - Cúc Phương năm 2024.

Đời sống văn hóa
Mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc

Mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc

(CLO) Sau khi nhận được báo cáo và kiến nghị của ngành văn hóa và các chuyên gia, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia tháp đôi Liễu Cốc.

Đời sống văn hóa
Chương trình hoà nhạc miễn phí 'Giai điệu mùa hạ' tại Bảo tàng Mỹ thuật

Chương trình hoà nhạc miễn phí 'Giai điệu mùa hạ' tại Bảo tàng Mỹ thuật

(CLO) “Giai điệu mùa hạ” là chương trình đặc biệt trong chuỗi hòa nhạc ngoài trời miễn phí với chủ đề “Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật”, diễn ra vào lúc 16 giờ ngày 7/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt tập truyện ngắn 'Mực tàu giấy bản'

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt tập truyện ngắn 'Mực tàu giấy bản'

(CLO) Mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt tập truyện ngắn “Mực tàu giấy bản” gồm 10 truyện ngắn được viết trước năm 1945, nhân dịp kỉ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài (6/7/2014- 6/7/2024).

Đời sống văn hóa
Điện ảnh Pháp và mối 'duyên nợ' với điện ảnh Việt Nam

Điện ảnh Pháp và mối 'duyên nợ' với điện ảnh Việt Nam

(CLO) Hội thảo “Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam” chính là sự kết nối, để các chuyên gia, các nhà làm phim hai nước trao đổi, hợp tác.

Đời sống văn hóa