Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông; Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; cùng gần 600 đại biểu là đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương
Toàn cảnh Hội nghị Báo chí toàn quốc. Ảnh: MN
Tại hội nghị đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2018 và báo cáo về đặc điểm tình hình chung; tình hình hoạt động báo chí, công tác chỉ đạo quản lý báo chí; xu hướng và thách thức trong hoạt động báo chí hiện nay, đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2019.
Theo báo cáo, về tình hình hoạt động báo chí, cả nước hiện nay có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Tính đến tháng 11/2018, cả nước có hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ Nhà báo; số hội viên Hội Nhà báo có 23.893 hội viên đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp Hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, 19 Liên Chi hội và 215 chi hội trực thuộc Trung ương Hội.
Năm 2018, các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân, là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội.
Báo chí đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chính trị, tư tưởng, kịp thời chuyển tải các hoạt động của Quốc hội đến cử tri và nhân dân cả nước; thông tin, tuyên truyền sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trên các lĩnh vực để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được năm qua, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm hạn chế của báo chí. Cụ thể là việc thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin vẫn còn xảy ra trên một số báo, tạp chí, gây những tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, của người dân.
Thông tin báo chí chưa theo kịp với tình hình diễn biến thực tế; thông tin để định hướng hoặc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội còn chậm; Tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu, thậm chí tống tiền cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để trục lợi vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; vi phạm đạo đức nghề báo vẫn xảy ra. Báo cáo cũng chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, có sự thiếu chủ động, chưa kịp thời, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương và thiếu thẩm định, kiểm chứng nguồn tin của một số cơ quan báo chí.
Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin cho báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp, thực hiện với phương châm: “chủ động, kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đồng bộ, thuyết phục” để đạt hiệu quả, chất lượng.
Xu hướng trong hoạt động báo chí hiện nay. Đó là: Xu hướng báo chí đa phương tiện; Xu hướng “báo chí công nghệ” và Xu hướng sử dụng “Trí tuệ nhân tạo” và cung cấp nội dung xuyên biên giới. Thách thức của báo chí hiện nay đó là; Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át; Báo chí có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo; Báo chí có thể sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập, tạo nguồn thu.
Để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong hoạt động báo chí, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2019. Trong đó, có các nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, đối với cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí. Các cơ quan từ quản lý tới cơ quan báo chí quán triệt, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, có cơ chế phối hợp với các tổ chức, địa phương, tuân thủ và thực hiện theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí; bắt kịp xu thế của thời đại và phát huy tối đa năng lực sáng tạo và áp dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động báo chí.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, mạng xã hội đang ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội. Đồng thời đồng chí Võ Văn Thưởng đã thẳng thắn đặt ra đối với báo chí đó là thông tin đi sau mạng xã hội, dù nhiều trường hợp báo chí biết trước thông tin. Thực tế, kênh thông tin của báo chí rất đa dạng, đội ngũ thông tin báo chí rất đông, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng sự chậm trễ của báo chí đã trao lợi thế cho mạng xã hội trong việc thông tin.
“Đúng là thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo. Ngoài ra, còn có việc hành động chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp, cũng như cơ chế quản lý nhà nước”, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá.
Trước các vấn đề đặt ra, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, nếu đội ngũ người làm báo chủ động, nhạy bén, các cơ quan báo chí tỉnh táo, thực hiện chặt chẽ quy trình phê phán xác xu hướng tiêu cực, cực đoan, độ chính xác thấp của mạng xã hội; các cơ quan nắm thông tin kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí… “chúng ta sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin. Qua đó, sẽ lấy lại niềm tin của công chúng với báo chí, làm được điều đó báo chí cách mạng mới thực sự là lực lượng dẫn dắt định hướng dư luận." đồng chí Võ Văn Thưởng nói.
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Đề cập đến công tác báo chí trong năm 2019, ông Võ Văn Thưởng đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy nhanh quy hoạch báo chí. Trong đó, đánh giá những trở ngại, nguyên nhân khiến việc triển khai quy hoạch chậm trễ, trên cơ sở đó, gấp rút hoàn thiện quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chủ động chuẩn bị hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện.
Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên. Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí…
Bên cạnh đó đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, Luật Báo chí 2016 đã triển khai được 2 năm. Trong thời gian đó, với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống báo chí truyền thông, nhiều vấn đề mới đang đặt ra. Do vậy, việc đánh giá hai năm triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 là cần thiết.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần xúc tiến, chuẩn bị công việc này chu đáo, trên cơ sở sơ kết của các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần chung là bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí thế giới, đáp ứng yêu cầu hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian dài...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe các tham luận, nội dung các tham luận tập trung vào vai trò của báo chí trong xây dựng, bảo vệ đất nước, hoạt động báo chí nhằm nâng cao hiệu quả báo chí hiện nay…
Cũng tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao tặng Bằng khen cho 05 cơ quan chủ quản đã có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2018, trong đó có Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, và 20 cơ quan báo chí đã có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018.
Nhật Minh
Tiếp tục thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam Tại hội nghị, đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã đánh giá, kết quả đã đạt được trong việc học tập, quán triệt, thực hiện Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã góp phần khắc phục những tồn tại và tiêu cực trong hoạt động báo chí. Đến nay, gần như toàn bộ hội viên, nhà báo, phóng viên đều được học tập Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Điều đó cho thấy, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức nghiêm túc, hiệu quả việc học tập, quán triệt Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam tới toàn thể hội viên. Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Hội Nhà báo Việt Nam đã tăng cường rà soát, kiện toàn tổ chức Hội và đội ngũ người làm báo, thắt chặt nền nếp, kỷ cương sinh hoạt Hội. Nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ở Trung ương và các cấp hội địa phương, đã thành lập được 255 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam trên tổng số 285 tổ chức. Nhằm quản lý hiện tượng các báo điện tử bóc bài, gỡ bài và hạn chế những hành vi tiêu cực, động cơ không trong sáng từ việc gỡ tin, bài này, Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã thiết kế, thi công thành công phần mềm ứng dụng theo dõi gỡ bài, sửa bài của các báo điện tử và trang thông tin điện tử từ tháng 8/2017. Từ tháng 1/2018 đến nay, đã phát hiện có 171 bài gỡ và 6 bài sửa. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định phóng viên thường trú là hội viên Hội Nhà báo có trách nhiệm tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, với 03 chương, 07 Điều, quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực cụ thể với 04 việc/ điều cần làm và 08 việc/ điều không được làm trong sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã đề ra 09 phương hướng, nhiệm vụ tăng cường thực hiện nghiêm Luật Báo chí năm 2016, nêu cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam trong tình hình mới. |