Nhìn từ sự việc nam sinh nhảy lầu tự tử: Áp lực đè lên vai các con là quá lớn!

Thứ sáu, 13/04/2018 15:03 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thời gian vừa qua, ngành giáo dục nước ta xảy ra vô vàn những sự việc đau lòng. Không chỉ dừng lại ở bạo lực trong nhà trường, áp lực học hành đã dóng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về phương pháp giáo dục, về cách gây áp lực cho con trong việc học của những bậc làm cha, làm mẹ.

Liên tục xảy ra những sự việc đau lòng trong nhà trường

Sự việc một nam sinh lớp 10 tự tử tại trường THPT Nguyễn Khuyến (Q. Tân Bình, TP.HCM) ngày 10/4 vừa qua như một nhát dao cứa sâu vào trái tim của mỗi chúng ta. Sự việc diễn ra vào khoảng 5h15’ sáng 10/4, trường cho học sinh tập thể dục buổi sáng. Trong lúc học thể dục thì nam sinh này bất ngờ chạy lên tầng 4, leo ra mái tôn của trường đứng thẫn thờ. Nạn nhân được xác định là em H.T.C, học sinh lớp 10E nội trú tại trường. Phát hiện kịp thời, giáo viên trực tiếp quản lý em cùng hai học sinh chơi thân với C. có mặt và cũng lên mái tôn để thuyết phục em. Trong khi bạn bè và thầy cô ra sức khuyên nhủ, phía dưới nhân viên bảo vệ cùng nhiều giáo viên khác trong trường đã trải thảm tập thể dục, xếp chồng chăn, nệm để đề phòng trường hợp em nhảy xuống. Khi trèo lên mái tôn nơi C. đứng, một học sinh tiến lại gần C. và khuyên em xuống nhưng C. không trả lời, chỉ cười rồi khóc, sau đó, em bất ngờ lao mình xuống sân trường. Em C. nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, tuy nhiên do chấn thương quá nặng C. đã tử vong trước đó.

Trước đó, cũng tại TP.HCM, nữ sinh viên N.H (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nhảy lầu tự tử vì bị trầm cảm; nữ sinh viên L.T.T.T (Trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM) nhảy lầu ký túc xá do bị rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm (đang điều trị) vì không vượt qua được áp lực trong học tập và cuộc sống.

Từng là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm, nhắc lại câu chuyện của mình, N.Q (24 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải Cơ sở 2 tại TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. Là học sinh trường chuyên của tỉnh, gia đình có điều kiện, Q. không khó để giành một suất vào trường ĐH. Tuy nhiên, ngay từ năm đầu, vì không chuyên tâm học hành và mê game, bị nợ môn quá nhiều khiến Q. phải chịu nhiều áp lực. Đến năm học thứ 3, cha của Q. đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, Q. hoàn toàn mất phương hướng. Những dấu hiệu của trầm cảm kéo đến: mất ngủ liên tục, cơ thể luôn uể oải, mệt mỏi, lo lắng, bứt rứt, thích nói chuyện một mình… Một năm sau, cảm thấy Q. không thể tiếp tục việc học, gia đình gọi Q. về quê để trị liệu tâm thần. Q. chia sẻ: “Sau 2 năm, cân nặng đã trở lại gần như trước, nay tôi không trở lại trường ĐH mà ở quê quản lý xưởng gỗ do ba để lại. Tôi không đặt nặng mục tiêu gì lớn lao cho bản thân, cứ sống lạc quan, vui vẻ. Chỉ cần có nghị lực và nhìn thoáng, đừng làm to tát vấn đề thì sẽ vượt qua”.

Báo Công luận
Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến cơ sở phường 13, quận Tân Bình (nơi em C. thiệt mạng) Ảnh: Internet

Gần 24% sinh viên bị trầm cảm – con số đáng báo động

Một nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả Lê Minh Thuận (Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM), Trần Thị Hồng Nhiên, Trần Quí Phương Linh (Bệnh viện quận 2) trên 830 sinh viên ĐH các nhóm ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật, khoa học xã hội - nhân văn và y tế trên địa bàn TP.HCM vừa được công bố cho thấy có đến 23,7% sinh viên bị trầm cảm.

Tại buổi trò chuyện “Học sinh và áp lực học tập: Từ trầm cảm đến tự tử” do Báo Thanh Niên tổ chức tối ngày 12/4, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy – Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, người lớn nhiều kinh nghiệm sống, trải nghiệm, kiến thức, trách nhiệm mà còn có lúc cảm thấy ngã lòng, mệt mỏi, muốn gục ngã thì các em đang ở tuổi dậy thì, có biến đổi phức tạp về tâm sinh lý, cơ thể bên trong cũng như bên ngoài sẽ làm các em chông chênh hơn người lớn nhiều lần, sức chịu đựng không đủ chống chọi trong cuộc sống.

Hiện nay, nhất là ở Việt Nam, việc học tập của học sinh nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía nhà trường, gia đình, người thân, thậm chí cả xã hội. Đây là dấu hiệu tốt nhưng nó cũng có mặt trái ngoài ý muốn, như sự kỳ vọng quá lớn từ phía cha mẹ khiến họ đã chủ động đặt ra những mục tiêu quá cao để con họ phải phấn đấu. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa hẳn đã được dựa trên năng lực, sở thích thực sự và nguyện vọng chính đáng của con.

Việc kỳ vọng quá nhiều vào học sinh cũng có thể là do từ phía nhà trường và giáo viên, bởi vì chính họ cũng bị những áp lực về bệnh thành tích. Thay vì việc đánh giá học sinh chỉ để phân loại và hiểu rõ đặc điểm nhận thức của các em nhằm đưa ra phương pháp giảng dạy hoặc để định hướng các em có cách học tập phù hợp; nhiều trường lại đánh giá học sinh quá nặng nề, gắt gao.

Chị Nguyễn Thu Hà – Báo Sinh viên Việt Nam và Hoa học trò, là người có nhiều bài viết trên mạng xã hội về phương pháp nuôi dạy con chia sẻ, việc giảm tải cho con nằm ngay định nghĩa về việc học của UNESCO: học để biết, để làm, để chung sống, để làm người. Theo chị Hà, trẻ đi học bây giờ có nhiều áp lực từ điểm số, so sánh… “Trên đời không ai giống ai, mỗi đứa trẻ có năng lực khác nhau. Nhìn vào 1-2 thành tích trẻ này so sánh trẻ khác là bất công. Áp lực so sánh làm đứa trẻ tổn thương, mất giá trị, không bằng bạn bè, mất tự tin, không dám nghĩ, dám làm, không dám bày tỏ, sợ mọi người chê cười. Chúng ta đã cắt đi niềm vui, niềm bày tỏ của trẻ. Hậu quả của nó rất lớn. Một là làm đứa trẻ thu mình vào vỏ ốc, hai là nổi loạn, ghen tị với anh – em hay bạn bè, tạo ra cuộc chiến giữa trẻ với nhau”.

Báo Công luận
Phụ huynh và nhà trường hãy luôn đồng hành cùng con trẻ 

Phụ huynh và nhà trường hãy luôn đồng hành cùng con trẻ

Để xảy ra những sự việc trên, PGS.TS Hồng Thuận – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, cha mẹ và nhà trường đã chưa thực sự đồng hành, tạo cơ hội để học sinh có thể chia sẻ được những lúng túng, thậm chí là những bế tắc của học sinh khi giải quyết những khó khăn trong học tập, tình cảm hoặc quan hệ bạn bè; giúp các em đưa ra phương pháp học tập hiệu quả hay có cách thức, kỹ năng tự giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập, quan hệ với bạn bè của các em.

Theo Th.S Tô Nhi A (Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM), để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trầm cảm và tự tử ở giới trẻ, cần sự cố gắng của bản thân người đó và những người xung quanh. Các bạn trẻ phải hiểu giới hạn chịu đựng của bản thân, thường xuyên viết nhật ký, tâm sự với bạn bè hoặc người lớn để "bong bóng cảm xúc" được giải tỏa. Còn đối với người thân, bạn bè cần quan sát những biểu hiện của con em, bạn bè mình như: thay đổi thói quen ăn, ngủ; mất hứng thú với những việc từng rất yêu thích; thường nhắc về cái chết, buồn bã, ủ rũ…"Nếu thấy sự bất thường của người thân, nên tìm cách chia sẻ hoặc đưa đến các chuyên viên tham vấn tâm lý tháo gỡ ngay những khúc mắc, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực" – thạc sĩ Nhi A nhấn mạnh.

Bích Việt

Tin khác

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

(CLO) Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng vết thương hở cổ tay và bàn tay hai bên do tai nạn sinh hoạt, may mắn trước đó trẻ đã được sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời.

Giáo dục
Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

(CLO) Quảng Nam vừa phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn điều hành hoạt động của trường CĐ Y tế Quảng Nam, sau khi hiệu trưởng trường này bị khởi tố.

Giáo dục
Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

(CLO) Ngày hội việc làm - USSH Job Fair 2024 là hoạt động thường niên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm, thực tập đến sinh viên.

Giáo dục
Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

(CLO) Trên đường đi học về, em T. (học sinh lớp 7) bất ngờ bị 1 nhóm thanh niên dùng ghế nhựa, mũ bảo hiểm tấn công gây thương tích.

Giáo dục
Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

(CLO) Bà Đỗ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân lại là các đồng nghiệp của bà Trang.

Giáo dục