(NB-CL) Như một sự trùng hợp kì lạ, cách đây tròn 30 năm, nhà báo Xuân Thuỷ (Nguyễn Trọng Nhâm, 1912- 1985) - nhà cách mạng, nhà báo, nhà lãnh đạo báo chí, nhà ngoại giao, nhà thơ, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam- ra đi đúng vào những ngày tháng 6 khi báo giới kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Có lẽ vì thế, mỗi năm cứ đến những ngày tháng 6 này, bà Ánh Tuyết- con gái của nhà báo Xuân Thuỷ- lại tràn ngập những hồi ức về người cha nổi tiếng của mình.
Một nhà báo cách mạng tiêu biểu, bậc thầy
Đã 30 năm không còn có cha bên đời, nhưng ký ức về người cha thân yêu dường như vẫn đầy ắp trong bà Ánh Tuyết. Bà trải lòng: "Hồi cha tôi tham gia cách mạng thời kỳ bí mật và hoạt động nhiều trong nghề báo thời chống Pháp thì tôi vẫn còn nhỏ. Khi tôi trưởng thành, cha tôi đã làm công tác khác nhiều hơn. Ở lĩnh vực nào ông cũng đều làm với sự đam mê và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Song dường như với nghề báo, ngoài sự đam mê ấy ông còn có thêm một chữ duyên nghiệp với nghề”.
Bà đưa cho tôi vài cuốn sách viết về nhà báo Xuân Thủy, đặc biệt trong đó có cuốn "Xuân Thủy- nhà hoạt động chính trị, nhà ngoại gia xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn" do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành cuối năm 2012 để tôi đọc và rút ra những điều cần viết về ông. Qua nhiều trang sách và những lời chia sẻ của bà Ánh Tuyết, ông thực sự là một nhà báo cách mạng tài năng, tiêu biểu cho lớp nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, viết báo từ những năm 1930. Năm 1938, ông bị địch bắt giam tại nhà tù Hoả Lò và một năm sau đó, năm 1939, ông lại bị bắt giam lần thứ 2 tại nhà tù Sơn La. Trong nhà tù đế quốc, bất chấp sự đàn áp dã man, ông Xuân (tên thân thiết mọi người vẫn thường gọi ông) vẫn dũng cảm đấu tranh với ý chí kiên cường của người cộng sản. Ông được Đảng phân công làm chủ bút tờ báo Suối Reo- tờ báo của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La. Ông đã khôn khéo tìm mọi cách để che mắt kẻ thù, sáng kiến trong việc tìm kiếm những vật tư cần thiết để ra báo thường xuyên (2 kỳ/tháng) ngay trong nhà ngục khét tiếng khắc nghiệt của thực dân đế quốc. “Và tôi hiểu từ đáy lòng cha mình, ông tin tưởng vào cách mạng, vào tương lai tươi sáng muốn truyền niềm tin ấy cho độc giả Suối Reo”- bà Ánh Tuyết chia sẻ.
[caption id="attachment_22048" align="aligncenter" width="480"]
Nhà báo Xuân Thuỷ[/caption]
Năm 1944 ra tù, Đảng cử ông phụ trách báo Cứu quốc bí mật- cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, một trong những tờ báo cách mạng bí mật phổ biến nhất lúc bấy giờ. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nhưng cuộc đấu tranh chính trị diễn ra gay gắt, Báo Cứu quốc do Xuân Thuỷ làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút là tờ báo hàng ngày duy nhất của cách mạng, tích cực tham gia cuộc đấu tranh chính trị, làm rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và các thế lực phản động, cổ vũ quần chúng đoàn kết, góp công góp của bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tham gia kháng chiến giữ vững nền độc lập dân tộc. Trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, theo đề nghị của nhà báo Xuân Thuỷ, báo Cứu quốc mở rộng chi nhánh ở tất cả các khu. Trên báo Cứu quốc thời kỳ này liên lục xuất hiện các bài báo của ông viết về những vấn đề cấp bách, những sự kiện thời sự có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với vận mệnh của đất nước. Những tác phẩm của ông chứa đựng tính nhân văn, tính dân tộc và tính chiến đấu cao. Đặc biệt, trong những giờ phút quan trọng nhất của lịch sử dân tộc, Xuân Thủy luôn kịp thời cho ra mắt những bài viết độc đáo, sắc sảo.
Ngoài ra, với trách nhiệm công tác của mình (Uỷ viên Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc bộ phụ trách thông tin tuyên truyền và báo chí, nhà báo Xuân Thuỷ có đóng góp rất to lớn vào việc tổ chức và phát triển hệ thống báo chí cách mạng của đất nước. Không chỉ là người đặt nền móng thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ông còn là người có công lớn trong việc chỉ đạo cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, làm phương tiện truyền thông nhà nước, tuyên truyền hữu hiệu cho cách mạng.
Cha tôi chưa bao giờ xa rời nghề báo
"Từ cuối năm 1962, cha tôi được giao thêm nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước nên không trực tiếp phụ trách Hội Nhà báo Việt Nam nữa. Tuy nhiên, tuỳ theo vị trí công tác cụ thể của mình và trong sâu thẳm tấm lòng ông, ông vẫn luôn quan tâm và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bởi vì với cha tôi chưa bao giờ ông xa rời nghề báo. Vì say nghề báo mà ban ngày cha tôi đi công tác nhưng tối về ông lại ngồi viết báo. Ông viết nhiều nên cũng có nhiều bút danh như: Ngô Tất Thắng, Tất Thắng, Ngô Xuân Đa, Chu Lang..." - bà Ánh Tuyết cho biết.
“Như 5 năm ông làm Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Công hoà tại Hội nghị Paris về Việt Nam, vì am hiểu nghề báo, say sưa với nghề báo, ngoài công việc đấu lý với các nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu nhiều mưu mẹo trên bàn hội nghị công khai và trong họp bàn bí mật, ông Xuân đã rất quan tâm và chỉ đạo thành công nhiều hoạt động ở bên ngoài hội nghị. Ông không những cố gắng để tiếp xúc với nhiều đoàn và các cá nhân muốn gặp đoàn ta mà còn tổ chức nhiều cuộc họp báo, tiếp xúc trực tiếp trả lời phỏng vấn của rất nhiều nhà báo Pháp và quốc tế có chính kiến khác nhau, để từ họ tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam chúng ta lan toả ra nhiều nơi trên thế giới, giúp cho nhân dân các nước hiểu về cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam”- bà Ánh Tuyết chia sẻ.
“Cho đến những ngày cuối cùng của đời mình, cha tôi vẫn gắn bó với báo chí, với Hội Nhà báo. Hồi tháng 6 năm 1985, ông Xuân Thuỷ đã hẹn các anh em nhà báo trong khối Mặt trận đến gặp mặt để chuẩn bị kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng ngày 18/6 các nhà báo vô cùng sửng sốt khi biết tin ông đã đột ngột ra đi ngay trên bàn làm việc với những trang báo viết dở: “Những chặng đường Báo Cứu quốc”. Thế là 18/6 này cha tôi đã ra đi tròn 30 năm rồi, cũng là 30 năm Ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam được tổ chức, ngày 21/6...”, bà Ánh Tuyết nghẹn ngào!
NGỌC LÀNH (Ghi)