Có một nơi để tìm về...
Nghề báo đem lại nhiều may mắn bởi những chuyến đi đầy kỷ niệm, bởi những con người từng được gặp đầy ân tình... Năm nào tôi trở lại Điềm Mặc cũng với không ít cảm xúc. Có thể, những điều còn lại của một Di tích không có nhiều, bởi những người khi xưa chứng kiến sự ra đời ấy cũng đã dần đi về với thế giới người hiền. Nhưng năm nào cũng vậy, Hội Nhà báo Việt Nam đều tổ chức các chương trình “Về nguồn” với ý nghĩa tri ân và giáo dục thế hệ những người làm báo hướng về mảnh đất này. Đây chính là cội nguồn, nơi thành lập Hội Những người Viết báo Việt Nam cách đây 68 năm.
Trở lại nơi này, tôi lại nhớ đến câu chuyện của nhà báo Hữu Minh – hiện là Trưởng Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, người đã từng tham gia rất nhiều chuyến đi tìm kiếm nơi ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam trong những năm 80, 90. Ông bảo rằng, để có một khu di tích, nhà trưng bày, một tấm bia tưởng niệm như hôm nay, đã có không ít những nỗi gian truân của nhiều thế hệ đi trước. Việc tìm kiếm địa điểm này là một cuộc hành trình của gần 10 năm, với những nỗ lực và quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Hội, của các nhà báo – hội viên. Để rồi, tháng 8/2004, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định công nhận nơi thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 20/4/2005, một tấm bia di tích bằng đá cẩm thạch được dựng lên trên nền hội trường Mặt trận Liên Việt, ghi lại điểm mốc lịch sử đáng nhớ của báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà trưng bày và đón tiếp của Hội Nhà báo Việt Nam – nơi lưu trữ những kỷ vật, những bức ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập…
Hằng năm, HNBVN đều tổ chức các chương trình về nguồn để nhắc nhở thế hệ hôm nay về truyền thống.
Những ngày tháng 4 lịch sử nơi nguồn cội, chúng tôi trở về với những năm tháng của cách đây 68 năm, qua câu chuyện, kỷ niệm trong hồi ức của những người đi trước, chứng kiến và kể lại. Chúng tôi tới gặp ông Triệu Đình Lệ, người cách đây nhiều năm đã hiến đất để xây dựng Nhà trưng bày di tích lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 1950, khi đó ông lên 9 tuổi, vùng đất này là đồi vầu, cây cối rậm rạp, hai bên đường là đất đồi chè và ruộng lúa của dân. Gia đình ông ở đây từ trước và trong thời gian diễn ra hội nghị thành lập Hội, tới nay đã trải qua 3 đời, từ ông Triệu Đình Quân là ông nội, Triệu Đình Lệ là cha ruột và nay có vợ chồng con trai là anh Triệu Đình Âu ở cùng bố mẹ. Ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình người Tày này khá to, từng là nhà ở và nơi làm việc của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong thời kỳ 1947-1950. Ông năm nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, rưng rưng chỉ tay về phía Địa điểm thành lập Hội kể rằng: Trước đây, có hội trường lớn 8 mái, đại hội phải tổ chức bí mật vì có máy bay liên tục. Nhà đại hội làm bằng những vật liệu đơn giản như tre, nứa, nằm trong khu vườn nhà của gia đình tôi. Sau khi đại hội xong thì phá bỏ luôn, chỉ còn lại nền nhà. Lúc đó ở đây rất đông vui nhộn nhịp nhưng tôi còn nhỏ, cũng không hiểu có chuyện gì xảy ra, chỉ biết là được xem phim câm, thấy chạy máy nổ sáng cả đêm thì rất thích…
Có thể, mọi thứ đã đổi thay nhiều, người dân không còn nhiều người nhớ đến một ngày của 68 năm trước. Nhưng điều đặc biệt là, dù không chứng kiến nhưng với họ, khu di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Bia di tích lịch sử cấp quốc gia, Nhà trưng bày Di tích lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam, thực sự là những di tích đáng được trân trọng gìn giữ qua các thế hệ. Đồng chí Ma Duy Vụ - Chủ tịch UBND Xã Điềm Mặc rất xúc động chia sẻ: Chúng tôi rất trân trọng những di tích lịch sử của các cơ quan báo chí đã đóng trên địa bàn đặc biệt là di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, nay là một quần thể di tích. Nhiều năm nay, chúng tôi cùng với bà con làng bản luôn có ý thức gìn giữ, bảo vệ, đặc biệt là thường xuyên tổ chức cho bà con nhân dân tới đây học tập, giáo dục về truyền thống, để mọi thế hệ đều coi đây là địa danh quan trọng, là tài sản vô giá của quê hương. Chúng tôi cũng rất trân trọng sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần của HNBVN đã giúp đỡ bà con trong việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa, giúp đỡ những gia đình khó khăn, các cháu học sinh nghèo vượt khó nhiều năm qua...
Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam cùng giới báo chí cả nước vẫn tổ chức các chương trình về đây mang ý nghĩa sâu sắc “uống nước nhớ nguồn”, để rồi cứ đến những ngày tháng tư đầy ý nghĩa này những người làm báo cách mạng Việt Nam lại có một nơi để tìm về, nơi ấy chính là cội rễ sinh thành…
Thế hệ hội viên – nhà báo dọn dẹp khu vực nhà trưng bày và bia tưởng niệm tại Địa điểm
thành lập HNBVN.
Để quá khứ là điểm tựa
Bản Roòng Khoa nằm giữa không gian thoáng đãng với rừng cọ, đồi chè và tiếng suối chảy róc rách dưới chân núi. Trong suốt nhiều năm qua, khu di tích Địa điểm Thành lập Hội Nhà báo vẫn nằm gọn, bình yên trong khu vực dân cư này. Vẫn nhớ, cách đây 8 năm khi nhắc đến khu di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, NSNA Đồng Khắc Thọ - Trưởng ban Quản lý khu di tích An Toàn Khu (ATK), Định Hóa đã kể lại: Vào đầu buổi chiều ngày 21/4/1950, đại diện các báo của Đảng, mặt trận và báo của các đoàn thể, Đài Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã đã họp tại Hội trường tám mái của Mặt trận Liên Việt. Đồng chí Xuân Thủy được Trung ương Đảng giao trọng trách chủ trì hội nghị. Trong thảo luận nhiều đại biểu đã thấy tên cũ “Đoàn báo chí kháng chiến” không thể hiện được đầy đủ tính đoàn kết rộng rãi của giới báo chí nước nhà, khi đó hoạt động cả ở vùng tự do, lẫn vùng địch tạm chiếm. Hơn nữa Hội còn có nhiệm vụ kiến thiết đất nước sau kháng chiến thắng lợi. Do vậy Hội nghị đã quyết định thành lập và lấy tên là Hội Những người viết báo Việt Nam, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hôm nay, do đồng chí Xuân Thủy là Chủ tịch”... Có thể nói rằng, dù đã 68 năm trôi qua, trải qua nhiều kỳ đại hội nhưng ngày 21/4 lịch sử này vẫn là dấu ấn không thể nào quên của những người làm báo. Đó là mốc son khẳng định vị trí quan trọng của giới báo chí nước nhà những năm tháng chiến tranh.
Thời bình, hội viên – nhà báo thế hệ hôm nay lại nghĩ đến những lớp cha anh đi trước, càng hiểu hơn về nghề nghiệp, càng trân trọng và hướng đến khát vọng xây dựng và phát triển báo chí nước nhà ngày càng đổi mới, năng động và phát triển. Vậy là trải qua 68 năm, từ gần 200 nhà báo hoạt động tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cho đến 300 hội viên sau khi thành lập Hội tại Điềm Mặc, đến nay Hội Nhà báo Việt Nam đã có 287 đơn vị cấp Hội trực thuộc Trung ương Hội với 22.801 hội viên. Sự trưởng thành từng ngày của đội ngũ làm báo hôm nay là một cách để gìn giữ truyền thống, là cách để tự hào và biết ơn những người đi trước. Và cũng từ đó, di tích lịch sử quan trọng này nhắc nhở mỗi hội viên – nhà báo về trách nhiệm của người cầm bút. Để mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này, chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi: “Báo chí hôm nay đã thực sự làm “tròn vai” của mình như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Báo chí là một mặt trận; Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ...?!”.
Bảo Minh