Nhớ thương vời vợi những sân ga

Thứ hai, 16/11/2020 20:42 PM - 0 Trả lời

(CLO) Biết tôi vào, anh Dương Trọng Nghĩa nhắn tin kêu tôi đi uống cà phê tại đường Yecsin,quận 3. Anh Nghĩa là phóng viên chiến trường, kết thúc chiến tranh làm báo tại thành phố rồi nghỉ hưu đã hơn 10 năm. Anh là bạn vong niên của tôi, quen nhau dễ có đến 40 năm.

Số là là lần đó, cùng chuyến tàu đi Nha Trang họp, khi biết tôi người Thái Nguyên, anh tỏ ra thân tình... Câu chuyện hôm đó của anh em chúng tôi là ký ức về những chuyến tàu, chưa xa ngái như những ký ức tuổi thơ khác, nhưng lại ít có cơ hội mà tái hiện. Còn một anh bạn nữa - Ngô Hữu Hòa, học văn Sư phạm Việt Bắc, ra trường năm 1981, vào mãi Quảng Ngãi công tác, cũng thường hỏi tôi về những chuyến tàu và mấy sân ga... Thú thực, cả tôi (và chúng ta) nữa, không tiễn thì đón... thế nào chả một đôi lần, nên cũng rất đồng cảm.

Ga Thái Nguyên.

Ga Thái Nguyên.

Ngô Hữu Hòa bảo: Anh cứ chọn “Một ga nào không vắng lắm” trên tuyến Hà Nội -Thái Nguyên đưa lên Facebook cho chúng em đỡ nhớ. Được Ga Đồng Quang hay Quán Triều càng tốt… Tôi nói lại với Hòa rằng tôi sẽ về - Về một miền ký ức không của riêng ai... 

Sân Ga Đồng Quang ( Ga Thái Nguyên) không một bóng người, tĩnh lặng một cách lười nhác, cam chịu vì nó kỳ này không phải chờ đợi ai cả. Một thông báo lạnh lùng in trên giấy A4 dán tại cửa ra vào: "Kể từ ngày 4/5/2020, tạm ngừng chạy tàu khách QT 1/2 (chiều từ Thái Nguyên đi Hà Nội và ngược lại), cho đến khi có công điện mới". Trưởng ga Thái Nguyên Nguyễn Hữu Nam, tuổi mới ngoài băm - do tôi hẹn trước nên dù Chủ nhật cũng đã có mặt… Tôi giới thiệu với trưởng ga trẻ về lý do tôi tìm đến một sân ga. Rằng đến để tìm lại tuổi trẻ, tìm lại ký ức mà không phải cho riêng tôi. Rằng tôi là nhà báo, tôi lại phải có trách nhiệm viết báo nữa… Nam tỏ vẻ hào hứng, rất chi là chăm chú.

+++

Anh Lê Trọng Nghĩa kể: Anh là học sinh miền Nam, Trường 8 Hải Phòng, gia đình thứ hai là nhà bố mẹ nuôi gần cầu Tam Bạc. Học hết 10, anh vào học khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp và sơ tán lên Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên. Thế là mấy năm trời anh gắn bó với những con tàu. Anh đáp tàu Hải Phòng đến ga Gia Lâm, chuyển tàu Thái Nguyên. Thường sinh viên các anh xuống Ga Đồng Quang, gom dăm bảy sinh viên các khoa thành tốp rồi đi bộ xuyên Phúc Trừu, Tân Thái hay An Khánh lên Vạn Thọ, Ký Phú, Văn Yên về trường, vất vả mà vui. Ban ngày máy bay Mỹ thường oanh tạc nên hầu hết đi tàu đêm… Hữu Hòa vốn học Sư Phạm Việt Bắc kể: Ga Đồng Quang là nơi chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc đón và tiễn cảm động. Thời sinh viên chưa yêu nhưng thường có bạn gái. Chen lấn để mua được vé cho mình và cho bạn là cả một nỗi nhọc. Nhưng chen bật người khác để mình và bạn lên được tàu, có chỗ ngồi còn gian nan hơn nhiều. Vậy nhưng hành động đó thuộc loại “Anh hùng đoán giữa trần ai" nên tự hào lắm lắm. Rồi theo bánh con tàu quay là không biết cơ man nào là chuyện vui, chuyện buồn, nhớ nhung, xao xuyến…

Tác giả và Trưởng ga Nguyễn Hữu Nam.

Tác giả và Trưởng ga Nguyễn Hữu Nam.

Trưởng ga Nguyễn Hữu Nam nghe một cách chăm chú.

Chú cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp với sân ga này cháu ạ - Tôi tiếp tục:

Đó là chuyến tàu xuôi ngày 29/4/1980, chú đi tàu Thái - Hà chuyến 7h30 về Hà Nội rồi lên tàu Thống Nhất đi nhận công tác tại TP. Hồ Chí Minh. Có một nữ sinh văn Đại học Sư phạm Việt Bắc hẹn đưa tiễn. Sáng đó trời rất đẹp, sân ga đông nghịt, chủ yếu sinh viên các trường: Nông nghiệp 3, Cơ điện, Sư phạm về nghỉ lễ, và cả bạn thân đưa tiễn nữa… Nhà ga thông báo tàu đang vào ga, lưu lại 10 phút, yêu cầu quý khách đứng cách mép boong ke 1,5m. Tâm trạng chú rối bời, thảng thốt. Nếu bạn gái ấy không ra tiễn có nghĩa là… không có gì! Chú thầm trách cái ông Nguyễn Bính, làm thơ gì mà lại “Những cuộc chia lìa khởi từ đây/Dây đàn sum họp đứt từng dây/Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc…” Anh nhân viên nhà ga đẩy chú lên tàu và tàu chuyển bánh. Vào cái phút thứ 89 ấy, sân ga xuất hiện cô sinh viên sư phạm. Cô ấy chạy theo đoàn tàu. Còn chú đứng ở bậc đầu tiên của bậc lên xuống, chìa tay nhận một gói nhỏ, một chiếc khăn tay… Tàu vào chỗ cua, ngoái đầu nhìn lại, sân ga còn lại mình bạn gái, đang dõi theo đoàn tàu… Vậy là tôi còn duyên nợ với sân ga này mảnh đất này… Tôi sẽ còn được thấy từng đoàn người xuống tàu, rời ga tranh nhau lên xe ngựa theo đường Kép le đi tiếp về Đồng Bẩm, Chùa Hang… Rồi cả “Những bàn tay vẫy những bàn tay”

Thăm thẳm một cung đường.

Thăm thẳm một cung đường.

Trưởng ga Nguyễn Hữu Nam vẫn chăm chú nghe, lúc này ánh mắt trở nên xa xăm… Ngành hỏa xa của anh hào hùng là thế nay gặp hồi bĩ cực thế này sao?

Người Pháp, do chính sách khai thác thuộc địa nên đầu tư cho vận tải đường sắt bài bản và nhanh chóng. Năm 1881, mở đầu bằng xây dựng tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho dài 70km, khoảng cách đường ray 1m. Ngày 20/7/1885, chuyến tàu đầu tiên trong lịch sử hỏa xa Việt Nam lăn bánh. Ga Hà Nội (Hàng Cỏ) xây dựng vào những năm 1900 cùng thời với Cầu Long Biên (Hà Nội), Cầu Tam Bạc (Hải Phòng) còn tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đi tiếp Bằng Tường; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai đi tiếp Côn Minh hoàn thành vào năm 1902 và 1906. Sau 30 năm xây dựng, tuyến đường sắt Tháp Chàm đi Đà Lạt dài 110km hoàn thành là một trong số ít kỳ quan đường sắt của thế giới vì nó leo núi bằng đầu tàu có bánh răng. Cũng phải mất ngót 50 năm (1899-1936), xương máu của hàng triệu người Việt Nam đổ xuống mới có được tuyến đường sắt Bắc - Nam… Lưu lượng hàng hóa và hành khách vận chuyển bằng đướng sắt vô cùng lớn. Có thời điểm chiếm 40% tổng vận tải các loại...

Những năm 60 của thế kỷ trước, tuyến đường sắt Hà Nội - Quán Triều (Thái Nguyên) được xây dựng gọi là tuyến đường xe lửa Thanh Niên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Bắc. Đến những năm 80, được nối dài lên Núi Hồng, thông với Tuyên Quang… "Con đường xe lửa Thanh Niên/Từ Hà Nội lên Thái Nguyên - con đường/Băng qua thôn bản, đồi nương/Bánh xe quay, những công trường mọc lên…”

60 năm có lẻ đã qua, Nhà ga Đồng Quang được xây cấp 4 dung dị, khiêm nhường hôm nay còn đó như một chứng nhân của lịch sử. Không phải chỉ là nơi trú ngụ của Trưởng ga Nguyễn Trọng Tài (ngót 30 năm), Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Hùng Dũng, Nguyễn Hữu Nam những năm tiếp theo và hôm nay mà là những cuộc chia ly, những phút đoàn viên của bao người… Trưởng ga Nguyễn Hữu Nam khẽ khàng: Năm 2018 dừng tàu khách 8 tháng… Bây giờ thì… Thì còn vài ba chuyến tàu hàng mỗi tuần… Mấy cán bộ thuộc Chi nhánh vận tải đường sắt Đông Anh hay Chi nhánh khai thác đường sắt Hà - Thái - Hải có đáng gì so với khó khăn, tổn thất của ngành nhưng vẫn thấy buồn, nhớ, thương… Lê Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thu Thủy là cán bộ nhân viên nhà ga nói vui: Thì ngay nhà báo các bác còn chả chịu đi tàu… Tôi ngượng ngùng chữa: Các bác thì đáng gì…

Nhà báo Cao Vũ Duy là người được đi nhiều nước chia sẻ: Từ Anh, Pháp, Đức, Ý, Triều Tiên… bây giờ người ta vẫn dùng tàu điện trong thành phố. Còn xe lửa bánh răng leo núi ở Đà Lạt, Thụy Sỹ mua giá thép phế về cho chạy leo núi An-Pơ. 5 tuyến xe điện Hà Nội chở cả nghìn khách mỗi giờ, những năm 80 bóc lên cho lò cao thép nấu lại… Vì sao trong chiến tranh bom đạn, bộn bề khó khăn, vận tải đường sắt vẫn chiếm tỷ trọng cao… Trong nhiều thứ cầu mong thì ta cầu cho Covid chóng tan; và ông Bụt hiện về bày cho một giải pháp tháo gỡ để những đoàn tàu lại hối hả vào ga.

Hữu Minh

Tin khác

Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

(CLO) Triển lãm “Kỷ niệm và Trải nghiệm: 100 Tác phẩm Nghệ thuật từ Họa sĩ Văn Chiến” sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2024 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đời sống văn hóa
Từng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải, Bạc Liêu

Từng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải, Bạc Liêu

(CLO) Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải là lễ hội dân gian truyền thống đặc trưng của ngư dân vùng ven biển, nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân tạ ơn biển cả.

Đời sống văn hóa
Vĩnh Long có thêm 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Vĩnh Long có thêm 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Lễ hội Văn Thánh Miếu và Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long là những di sản thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của cộng đồng địa phương và được kế tục qua nhiều thế hệ.

Đời sống văn hóa
Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

(CLO) Cùng với các nghi lễ, các hoạt động, trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư cũng là nguồn sử liệu vô cùng quý giá góp phần làm sáng rõ một giai đoạn quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

Hội thi chèo thuyền tại lễ Hội hoa lư năm 2024

(CLO) Ngày 18/4/2024, Hội nông dân huyện Hoa lư đã tổ chức Hội thi chèo thuyền khéo tại lễ Hội hoa lư năm 2024. Hội thi có sự tham gia của đội thi xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải.

Đời sống văn hóa