Nhóm PV Báo Lao động và hành trình 3 tháng đưa vụ “vong báo oán” ở chùa Ba Vàng ra ánh sáng

Thứ bảy, 23/03/2019 20:17 PM - 0 Trả lời

(CLO) “Chúng tôi đơn thuần là những người kể chuyện, còn đánh giá đúng, sai là thuộc về độc giả và dư luận” – đại diện nhóm phóng viên đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ về hành trình tìm ra sự thật đằng sau câu chuyện “vong báo oán”.

Sự kiện: Báo Lao Động

Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với nhóm phóng viên báo Lao Động, những người thực hiện điều tra phóng sự “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ”.

Nằm vùng 3 tháng nghe chuyện “vong báo oán”

Những ngày qua, nghi vấn chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) “gọi vong báo oán” được đăng tải trong phóng sự trên báo Lao Động với tiêu đề “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ” làm rúng động dư luận. Phóng sự điều tra công phu này nghe nói xuất phát từ phản ánh của độc giả?

Đúng vậy. Trước khi thực hiện phóng sự này, phóng viên báo Lao Động đã nhận được nhiều phản ánh của độc giả là những người đã trực tiếp đến chùa Ba Vàng thỉnh vong. Chúng tôi đã được nghe rất nhiều thông tin phản ánh về chùa Ba Vàng, thấy những người ở quanh khu vực đó kể chuyện rằng nhiều người sẵn sàng bán hết cả nhà cửa để cúng tế lên chùa, bỏ vợ bỏ con ở nhà lên chùa nhiều tháng trời... Từ những phản ánh trên, được sự đồng ý của Ban biên tập, nhóm đã quyết định vào cuộc điều tra, thu thập để đưa những hình ảnh chân thực nhất đến công chúng. Trên  tinh thần chung của Ban Biên tập, chúng tôi định hướng triển khai nội dung  dưới góc độ phản ánh phê phán các vấn đề mê tín, hoang đường chứ không làm ảnh hưởng đến vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng.

Nhóm phóng viên đã mất 3 tháng nhập vai để tìm hiểu, điều tra

Nhóm phóng viên đã mất 3 tháng nhập vai để tìm hiểu, điều tra

Nhưng dù sao, vén những bí mật đằng sau một cánh cổng chùa cũng không phải là chuyện dễ dàng với những người làm báo. Những nhà báo đã làm như thế nào để câu chuyện được kể?

Trước khi quyết định xuống đó tìm hiểu, đầu tiên chúng tôi tìm hiểu thông tin sơ lược trên mạng thấy rất nhiều người nói chuyện về việc này và chúng tôi đã chủ động tiếp cận với những người trên mạng để tìm hiểu sâu hơn, để họ chia sẻ thông tin và từ những chỉ dẫn đó, chúng tôi đi đến chùa để tìm hiểu thực tế. Để thực hiện điều tra, nhóm có 7 phóng viên kể cả trưởng nhóm. Quá trình điều tra, xâm nhập mất khoảng 3 tháng, sau đó mất đến 1 tuần để dựng video và hoàn thiện được tác phẩm này đưa đến bạn đọc. Ngay từ đầu chúng tôi đã dồn sức hoàn thiện những thông tin chính, chủ đạo trọn vẹn vào một tác phẩm nên lúc làm việc cả nhóm quên ăn quên ngủ thậm chí bỏ bữa là chuyện bình thường, làm việc thâu đêm.

Điều khó khăn nhất là chúng tôi phải nhập vai là những thành viên tham gia khóa thỉnh vong đó, với những áp lực về tâm lý của những cuộc ngã giá, sự kiểm duyệt rất chặt chẽ khi bước vào “căn phòng cuối cùng” đầy bí ẩn. Trong quá trình chờ đến lượt “thỉnh” vong, sẽ có những màn test kiến thức bất ngờ, nếu ai ấp úng sẽ bị mời ra ngoài ngay. Do đó, những người được chọn xâm nhập vào trong cũng buộc phải đọc đi đọc lại cho đến thuộc các tài liệu truyền bá của nhà chùa. Rồi cũng phải học các thuật ngữ để có thể dễ dàng vượt qua những ánh mắt nghi nghờ. Rồi cũng phải mua áo tràng để mặc…

Tất cả những thiết bị ghi âm, ghi hình đều phải bỏ ra ngoài khiến việc tác nghiệp rất khó khăn. Một thành viên trong nhóm cũng đã bị phát hiện mang theo điện  thoại nên ngay lập tức bị mời ra ngoài. Với nhiều tình huống phải xử lý, các thành viên đều phải vượt qua để cố gắng có được những thước phim chân thực nhất đến với độc giả. Thậm chí, khi phóng sự đã chiếu thì một số người trong nhóm còn bị đánh sập tài khoản trên mạng xã hội. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ từ bạn đọc, từ lãnh đạo cơ quan và các đồng nghiệp.

Nhập vai với rất nhiều công đoạn, có câu chuyện nào ám ảnh nhóm tác giả trong quá trình tác nghiệp không?

Đã có lúc cảm thấy rất sợ hãi. Bởi chúng tôi phải trải qua những ngày rất mệt mỏi trong vai những người đi thỉnh vong. Từ khâu đăng ký cho đến lúc vào đến phòng gọi vong phải qua hàng trăm con người, mỗi con người một nhiệm vụ khác nhau, người thì làm khâu đăng ký thông thông tin, xem video, người thì dẫn mọi người vào từng phòng khác nhau, từng phòng đấy chúng tôi cũng nghe những lý do truyền bá vong hồn, vào đến phòng đăng ký, họ bắt chúng tôi xác nhận tự nguyện, khám người, những người đi tới đi lui ở đó lại có nhiệm vụ quan sát xem chúng tôi làm việc như thế nào có gì khả nghi không? Ở phòng xem video họ cho chúng tôi xem video về vong hồn, lúc đó có một người luôn ở phía sau chúng tôi quan sát, nếu cảm nhận chúng tôi không thật tâm, không chú ý hay rút điện thoại ra quay hoặc có thái độ bất thường thì họ sẽ mời ra ngoài ngay lập tức. Thiết nghĩ, một người bình thường, thậm chí là người yếu bóng vía sau khi đi qua những khâu này và xem những hình ảnh này, tinh thần của họ sẽ rất mệt mỏi, đầu óc quay cuồng và sẽ rất tin.

Chúng tôi mong muốn tác phẩm như tiếng chuông thức tỉnh, cảnh tỉnh 

Rõ ràng là dư luận đang rất ủng hộ các bạn, tuy nhiên cũng có luồng ý kiến phản đối, thậm chí trụ trì chùa Ba Vàng còn tổ chức buổi thuyết giảng trực tuyến... Điều đó có là áp lực với nhóm phóng viên trong quá trình tác nghiệp tiếp theo?

Chúng tôi rất tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không muốn những điều sai trái tồn tại. Mặc dù, đến lúc này các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức. Nhưng chúng tôi cảm nhận được phần đông độc giả đang ủng hộ. Áp lực lớn nhất với nhóm làm việc không phải là những lời de dọa hay nghi ngờ về mục đích thực hiện mà là sự mong chờ của độc giả. Chúng tôi tin vào lẽ phải, mục đích duy nhất của báo Lao Động khi thực hiện phóng sự này là đưa sự việc chùa Ba Vàng “gọi vong báo oán” ra ánh sáng cho độc giả biết đến là tại chùa đã và đang có sự việc này diễn ra. Là những người làm báo chúng tôi xin không đưa ra bình luận đúng, sai trong vụ việc này. Chúng tôi đơn thuần là những người kể chuyện, đưa câu chuyện đến với độc giả, còn đánh giá đúng, sai là thuộc về độc giả và dư luận.

Vậy nhóm sẽ tiếp tục triển khai đề tài này như thế nào để giải đáp được thắc mắc tò mò cũng như tạo niềm tin đối với công chúng?

Từ lúc đăng bài, chúng tôi nhận được sự phản hồi rất nhanh và lớn từ cơ quan chức năng cũng như bạn đọc, nhiều bạn đọc gửi thông tin thêm nên những đầu việc có thể triển khai các tuyến bài liên quan cũng không ít. Vấn đề tôn giáo và ở đây là khi động chạm vào 1 ngôi chùa được xem là nổi tiếng và lớn của miền Bắc thì chắc chắn mọi người hiểu rằng áp lực dành cho lãnh đạo báo cũng như chúng tôi rất lớn nhưng chúng tôi cũng cám ơn lãnh đạo báo Lao Động đã rất dũng cảm và tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện đề tài này. Mọi người đón đọc trên laodong.vn sẽ có thêm nhiều diễn biến mới. Đó sẽ là những câu  chuyện được kể lại từ những người đã trót đi theo, đã u mê và kịp thời tỉnh ngộ. Thực sự chúng tôi lên tiếng không phải vì phản đối tín ngưỡng tôn giáo mà đây là câu chuyện mê tín và những con người trục lợi cho bản thân từ tôn giáo cần phải lên án. Sau loạt bài này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, chúng tôi cũng sẽ thu thập và cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ sự việc.

Những tuyến bài liên quan đến các câu chuyện, để thức tỉnh những người mê tín, u mê quả là không đơn giản?

Đúng là, khi đưa vấn đề này ra, chúng tôi thấy rằng việc làm thay đổi quan điểm nhận thức hay suy nghĩ của những người tin tưởng đến mức mù quáng rất khó trong một sớm một chiều, cần cả một quá trình, các cơ quan chức năng cũng như các báo khác. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng, khi mình lên tiếng và có tất cả mọi người cùng vào cuộc bày tỏ, cùng nói rõ vấn đề thì câu chuyện sẽ được sáng tỏ và rõ ràng hơn. Chẳng hạn như ngày hôm kia, có 1 đôi vợ chồng đã tìm đến báo Lao động để cảm ơn bởi vì họ đi thỉnh vong ở chùa về nhà đã cãi nhau và quyết định ly hôn. Nhưng sau khi có bài báo của báo Lao Động, anh chồng – người nhất quyết đòi vợ nộp mấy triệu để thỉnh vong đã xem bài báo và nhận ra vấn đề. Nên anh đã vui vẻ xin lỗi vợ, 2 vợ chồng đã làm hòa và cùng lên tiếng để cho mọi người hiểu rõ hơn hiện tượng mê tín dị đoan đó.  Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc sử dụng những hình ảnh, những âm thanh để góp phần tác động vào nhận thức của mọi người khi xem tác phẩm.

Ý các bạn có nhắc đến tiếng chuông chùa trong phóng sự, có hiệu ứng rất tốt với công chúng khi xem và bản thân tôi cũng khá ấn tượng với âm thanh đó?

Đúng vậy. Đó là phần xử lý hậu kì của kĩ thuật nhưng lại có giá trị và hiệu quả rất cao trong tác phẩm này. Khi đã có các hình ảnh, clip đầy đủ, nhóm đã cùng bàn bạc muốn đưa tiếng chuông vào với mục đích tạo ra một điểm nhấn. Đó vừa là tiếng chuông chùa nhưng vừa là tiếng chuông cảnh tỉnh, thức tỉnh khiến mọi người có thể thoát khỏi sự u mê, mê muội, mong muốn họ có thể trở lại với thực tại và cuộc sống bình thường.

Vâng, xin cảm ơn nhóm tác giả!

Hà Vân – Huy Hoàng (thực hiện)

Tin khác

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

(CLO) Ngày 18/3, Trung tâm Báo chí TP.HCM khai giảng lớp bồi dưỡng người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức từ ngày 18 đến 25/3. Tham gia tập huấn có 300 học viên là cán bộ các sở ngành, UBND quận huyện, phường xã.

Nghề báo
Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

(CLO) Chiều 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024, phiên thảo luận với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" đã được diễn ra.

Nghề báo
Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

(CLO) Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, sáng 16/3 đã diễn ra buổi lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày Chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024: 99 chuyện nghề.

Nghề báo
Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

(CLO) Nhận định chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng "cơ hội chỉ đến với các bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan đã sẵn sàng và tự tìm đường, lối ra".

Nghề báo
Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

(CLO) Tiếp tục nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024, sáng 16/3, phiên thảo luận về “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” đã được diễn ra.

Nghề báo