Như “cái tát” vào mặt nhân dân

Thứ hai, 13/04/2020 07:28 AM - 0 Trả lời

(CLO) Giờ đây, những cử tri ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chắc hẳn đang rất xót xa, ân hận khi đã từng bỏ phiếu bầu cho một đại biểu có tên Lưu Văn Thanh. Nhân dân quả tình đã đặt niềm tin nhầm chỗ...

Lời xin lỗi muộn màng

Ông Lưu Văn Thanh cự cãi, văng tục với lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch Ảnh: cắt từ Clip

Ông Lưu Văn Thanh cự cãi, văng tục với lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch Ảnh: cắt từ Clip

Cuối cùng thì ông Lưu Văn Thanh, đương kim Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã gửi lời xin lỗi đến mọi người. Lời xin lỗi nếu chân thành, kịp thời và đúng lúc, nó sẽ làm cho người ta… lớn lên. Nhưng với lời xin lỗi muộn màng và trong tình thế không còn lựa chọn nào khác của ông Thanh chẳng khác nào xin cuộc đời… rủ lòng thương. Nếu có tự trọng, thay vì xin lỗi, vị đại biểu của dân này nên trả lại cân đai áo mũ để giữ lại chút niềm tin đối với những người từng cầm lá phiếu bầu cho mình.

Xem đoạn Video Clip khoảng 4 phút ghi lại hình ảnh một người đàn ông gần 60 tuổi đang cự cãi, hạch sách, văng tục với cán bộ tại chốt kiểm dịch, tôi đã cố gắng để tin rằng, đó không phải là một đại biểu của dân, một cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tôi chắc chắn rằng nếu đó chỉ là file ghi âm, không có hình, nhiều người sẽ không tin nhân vật chính của câu chuyện ầm ĩ trên. Nhưng sự thật thì chỉ có một. Người xuất hiện trong đoạn Clip nói trên có tên là Lưu Văn Thanh, sinh năm 1963, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

Trước khi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND, ông Thanh từng là Ủy viên Thường trực HĐND huyện Hớn Quản. Nhắc lại chi tiết này để khẳng định rằng, ông Thanh đã có thời gian dài công tác trong cơ quan dân cử. Nơi mà lẽ ra phải đi đầu trong việc chống lại vấn nạn hách dịch, quan liêu, cửa quyền. Nhưng vị cán bộ dân cử ấy đã đập bàn, thách thức quay video, thách thức cơ quan chức năng giữ phương tiện. Ông ta không ngần ngại “ngã giá” với lực lượng chức năng là phải dừng tất cả các phương tiện tham gia giao thông lại để kiểm tra cho… công bằng. Điển hình cho thái độ hung hăng, thách thức là việc ông này không thèm đeo khẩu trang, yêu cầu cán bộ kiểm dịch giữ khoảng cách… 2m để đo thân nhiệt.

Việc bị dừng xe để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe là hoạt động bình thường nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Là cán bộ lãnh đạo, ông Thanh có đủ hiểu biết để chấp hành, thậm chí phải nêu gương, phải có trách nhiệm tuyên truyền, động viên nhân dân, nghiêm túc thực hiện, quan tâm, chia sẻ với những cán bộ đang ngày đêm oằn mình chống dịch.

Nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó TBT Tạp chí Cộng sản từng đưa ra một nhận định chua chát rằng: “Giao quyền lực cho kẻ không có đạo đức chẳng khác nào thả thú hoang vào xã hội”. Mà ai chả hiểu thú hoang chuyên cắn càn, ăn tạp sẽ gây nguy hại cho xã hội như thế nào. “Mày biết tao là ai không?” những tưởng chỉ là câu hỏi phổ biến trong giới “xã hội đen” khi cần lấy “số má” với một ai đó nhưng giờ đây, đáng buồn là có những lúc nó được buột ra từ miệng những công bộc của dân.

Vài tiếng sau khi dư luận dậy sóng, ông Lưu Văn Thanh đã đưa ra lời xin lỗi: “Tôi cảm thấy rất buồn về những lời nói và hành động của mình. Tôi thật sự rất hối hận. Tôi xin lỗi mọi người”. Đi kèm với lời xin lỗi, ông này cũng không quên biện minh cho hành động của mình: “Tôi thấy xe của tôi bị dừng lại nhưng các xe khác thì được đi nên bức xúc. Nếu kiểm dịch thì phải kiểm tra hết, làm như vậy là không hiệu quả, tốn tiền của Nhà nước”.

Một người có lối ứng xử ngang ngược, hống hách, coi trời bằng vung như thế thật khó để chờ đợi một lời xin lỗi chân thành. Thế nên, càng không hy vọng gì vào việc ông ta sẽ có lòng tự trọng để mà từ chức.

Sự việc diễn ra từ ngày 3/4, tức là đã 10 ngày nhưng nếu dư luận không lên tiếng kịp thời, rất có thể dẫn đến “chìm xuồng” để tiếp diễn… bài ca “phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Mãi đến cuối giờ chiều ngày 12/4, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi mới cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo đình chỉ công tác đối với ông Lưu Văn Thanh. Nghĩa là trong thời gian từ ngày 3/4 đến 12/4, vị Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản vẫn đều đặn đến công sở họp hành, chỉ đạo, điều hành các công việc như chưa từng có chuyện gì xảy ra.  Đáng chú ý, theo lịch công tác của cơ quan HĐND- UBND huyện Hớn Quản, sáng ngày 7/4, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lưu Văn Thanh còn chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ.

Đình chỉ chức vụ lúc này đối với ông Thanh dù là muộn nhưng cần thiết để giúp ông ta biết học cách sống… chậm lại. Và, nếu có kỷ luật hay cách chức, chắc chắn người dân không ai tiếc một "công bộc" mang gương mặt "quan phụ mẫu"...

Giờ đây, những cử tri ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chắc hẳn đang rất xót xa, ân hận khi đã từng bỏ phiếu bầu cho một đại biểu có tên Lưu Văn Thanh. Nhân dân quả tình đã đặt niềm tin nhầm chỗ...

Quang Duy

 

 

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn